Những vụ án đau xót

Ngày 27/1/2021, Thanh tra Chính phủ (TTCP) công bố kết luận thanh tra việc sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế, mua sắm trang thiết bị y tế, đấu thầu thuốc chữa bệnh giai đoạn 2014 - 2018 ở 7 bệnh viện (Bệnh viện K, Bạch Mai, Chợ Rẫy, Việt Đức, Nhi trung ương, Trung ương Huế, Thống Nhất); và kiểm tra, xác minh một số gói thầu mua sắm tại Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Mắt trung ương, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM… Trong đó có đến 7 vụ việc sai phạm nghiêm trọng TTCP đã chuyển sang cơ quan điều tra Bộ Công an tiếp tục xác minh làm rõ dấu hiệu sai phạm hình sự.

Đến nay, có 2 vụ đã đưa ra xét xử. Đó là vụ “Thực hiện liên doanh, liên kết đối với 11 máy liên doanh, liên kết đặt tại Bệnh viện Bạch Mai” và vụ “Mua sắm thiết bị, vật tư y tế liên quan hơn mười gói thầu năm 2018, 2019 tại Bệnh viện Tim Hà Nội”.

Tiếp đến, nhiều cán bộ của Bộ Y tế, Bộ Khoa học & Công nghệ và hàng loạt cán bộ lãnh đạo của các tỉnh thành trực thuộc Trung ương cùng vô số cán bộ các sở y tế, các trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC)... dính chàm trong đại án mang tên Việt Á.

nhan vien y te.jpeg
Nhân viên y tế phường làm việc từ sáng tới khuya khi thời điểm đỉnh dịch tại Hà Nội. Ảnh: Đình Hiếu

Những bản án với các bác sỹ, nhân viên y tế sau đại dịch, nói một cách khách quan, là rất đau lòng, nhất là họ là những người ở tuyến đầu chống dịch ròng rã mấy năm.

Không thể biện minh được tội lỗi của các quan tham trong vô số đại án tham nhũng hàng chục năm qua, nhưng cũng không thể không dùng từ “giá như” làm thán từ để nói câu “Giá như pháp luật không quá nhiều lỗ hổng thì không sẽ mất nhiều cán bộ, tốn nhiều tiền của và uy tín bị bào mòn nhiều đến mức như vậy”.

Nhiều cán bộ chùng xuống

Khi pháp luật không căn cơ, không đủ gian để vận dụng vào thực tiễn, trong khi thực tiễn thay đổi từng giờ, từng phút, như trong đại dịch Covid-19 thì không chỉ quan chức tham lam dính lao lý mà những cán bộ, công chức có tâm, có tầm, cũng sẽ chuốc lấy rối khi thực thi công vụ.

Xin nêu dẫn chứng, trước bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát dữ dội, ngày 1/4/2020, Chính phủ đã ban hành Quyết định 447/QĐ-TTg “Về việc công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc” với  tư tưởng chỉ đạo và phương châm hành động “Chống dịch như chống giặc”.

Thời điểm đó bệnh nhân tăng đột biến, nhiều bệnh viện quá tải, nếu thực hiện mua sắm theo quy định của pháp luật hiện hành sẽ không đáp ứng được yêu cầu cứu chữa bệnh nhân. Quán triệt tư tưởng chỉ đạo trên đây của Chính phủ, với phương châm "đặt tính mạng và sức khỏe người dân lên trên hết" lãnh đạo nhiều bệnh viện đã thực hiện giải pháp vay, mượn trang thiết bị, vật tư y tế của các nhà cung cấp hoặc của các doanh nghiệp.

Theo số liệu của Bộ Y tế, có 48 địa phương và 7 bộ ngành có bệnh viện vay mượn để chống dịch, tổng số tiền gần 1.700 tỷ đồng; trong đó vay mượn thuốc, sinh phẩm 750 tỷ đồng; vay kit xét nghiệm 940 tỷ đồng.

Nhưng những cán bộ như vậy đến nay chưa thể trả được món nợ đó vì luật không đủ không gian để vận dụng tình huống trên đây mà Phó đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận ông Nguyễn Hữu Thông đã phản ánh rất chuẩn: “Dù Quốc hội đã có Nghị quyết giao Chính phủ có giải pháp về vấn đề này, nhưng đến nay các địa phương chưa nhận được hướng dẫn cụ thể”.

Giải đáp trước các ĐBQH về vướng mắc trong việc giải quyết khoản nợ trên đây, ngày 20/10/2023, trong phiên họp toàn thể của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV tại Hội trường, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan lý giải “các văn bản hiện hành chưa có quy định về hình thức vay mượn, vay trước trả tiền sau, vay rồi đấu thầu để trả lại”.

nguyen lan hieu comp.jpg
ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu. Ảnh: Media Quốc hội

Cho nên “Dù Quốc hội đã giao Chính phủ tháo gỡ "nhưng đây là việc rất khó" bởi “Chính phủ chỉ có thể đề ra nguyên tắc, nhưng luôn kèm theo câu thực hiện đúng quy định pháp luật", như Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu nói.

Vì vậy, nhiệm vụ trả món nợ đang đè trên vai các bệnh viện mà Bộ trưởng Bộ Y tế đưa ra giải pháp là "Tinh thần là vì chưa có quy định trong các luật nên Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội có cơ chế gỡ khó cho các bệnh viện".  Như vậy, Quốc hội, một lần nữa, được hy vọng sẽ là cơ quan tháo gỡ cho tình trạng trên.

Thử nhận diện vấn đề

Trước hết phải khẳng định, công cuộc chống tham nhũng là “không bàn lùi” vì đây là ý chí tuyệt đối để xử lý tình trạng tham nhũng, một trong 4 nguy cơ đã được xác định. Hàng loạt đại án tham nhũng bị phát hiện, hàng nghìn quan tham từ to đến bé vào lò là hồi chuông cảnh tỉnh, thậm chí là sấm sét rền vang, trên đầu những quan chức đang lợi dụng lỗ hổng pháp luật để tham nhũng lẫn những quan chức coi nhẹ pháp luật, tùy tiện trong thực thi công vụ.

Đến nay, cán bộ công chức các cấp, các ngành khi giải quyết công việc liên quan đến kinh tế, tài chính đã thận trọng đưa về soi xét theo hệ quy quy chiếu pháp luật trước khi ký quyết định.

Tuy nhiên, trớ trêu là khi cán bộ biết sợ pháp luật và có ý thức tuân thủ pháp luật trong xử lý công việc thì lại đụng phải hệ thống pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn, rối rắm; đúng với luật này nhưng sai với luật khác; đúng với nghị định, thông tư nhưng lại sai với luật; đúng với nghị định, thông tư thời điểm thực thi nhiệm vụ nhưng lại sai với những nghị định, thông tư ban hành sau đó.

Trong khi đó, cơ quan thanh tra chỉ căn cứ vào một luật cụ thể.

Đây là nguyên nhân cơ bản, nguyên nhân cốt lõi làm cho cán bộ, công chức bị ám ảnh thường trực, dẫn đến không dám làm vì sợ trách nhiệm. Những ai chỉ tập trung phê phán tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, không dám làm có lẽ họ chỉ thấy một nửa của vấn đề mà không thấy nửa còn lại đó là sự chống chéo, mâu thuẫn của hệ thống pháp luật. Người viết bài xin nêu một số dẫn chứng về nửa vấn đề còn lại:

Nghị định số 151/2017/NĐ-CP, ngày 26/12/2017 quy định chi tiết một số điều của “Luật Quản lý, sử dụng tài sản công”. Theo nghị định này, một số trang thiết bị sau khi kết thúc đề án liên doanh, liên kết có giá trị dưới 50% nhưng vẫn trong điều kiện hoạt động tốt thì vẫn tiếp tục được sử dụng.

Trong khi đó, nghị định số 29/2018/NĐ-CP, ngày 05/3/2018 “Về quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân” lại quy định điều kiện để xác lập sở hữu toàn dân thì tài sản phải có giá trị còn lại trên 50%.

Trong khi đó, cơ quan bảo hiểm yêu cầu trang thiết bị phải được xác lập sở hữu toàn dân mới thanh toán bảo hiểm y tế.

Đôi điều rút ra

Thực trạng bất cập của pháp luật không chỉ là nút thắt đối với ngành y tế mà với nhiều lĩnh vực của đất nước.

Chất vấn ở Quốc hội: Đi đến cùng để gỡ đến cùngĐể góp phần chấn chỉnh tình trạng cán bộ sợ sai, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm - đang là vấn đề nóng bỏng hiện nay, các ĐBQH và các thành viên Chính phủ đều thể hiện trách nhiệm khi "truy" đến cùng và cũng "gỡ" đến cùng từng nội dung.

Xin trích dẫn quan điểm của Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khi góp ý về việc thão gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Đó là Quốc hội nên rà soát tổng thể, ban hành nghị quyết để giải quyết khó khăn cho thị trường bất động sản vì có những vấn đề nằm ngoài tầm quyết định của Chính phủ.

Một luật sửa nhiều luật, hoặc một nghị quyết được thiết kế tốt, đảm bảo an toàn cho các cán bộ, công chức thực thi để họ không đối diện với lao lý, không bị hồi tố nếu họ làm vì lợi ích chung là cực kỳ cần thiết và cấp bách lúc này.

Hơn nữa, cần tránh thiết kết luật khung, luật ống quá chung chung, cần đến các nghị định, thông tư để hướng dẫn triển khai. Lẽ ra, khi thông qua luật, Quốc hội yêu cầu kèm theo dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành luật thì tốt biết mấy vì nghị định, thông tư là các văn bản quy phạm pháp luật mà cộng đồng doanh nghiệp và chính các cán bộ, công chức thấy vướng nhiều nhất.

Về cách thức soạn thảo luật, đại biểu Lê Thanh Vân đã phát biểu rất rõ tại Quốc hội ngày 23/4 năm nay. Ông nói, hiện nay Ban soạn thảo dự luật chính là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực đó, như vậy không khách quan.

Ông gợi ý, phải thay đổi cơ cấu của thành phần Ban soạn thảo theo hướng có nhiều nhà khoa học, nhiều chuyên gia và đặc biệt là những đối tượng chịu sự điều chỉnh của pháp luật đó và đề nghị phải thể chế được quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư, đó là xác định trách nhiệm của những người khởi xướng chính sách, đề xuất xây dựng pháp luật, nếu như đạo luật đó sau này có hại cho nước, cho dân thì phải truy cứu trách nhiệm.

Cũng tại Quốc hội ngày 23/4, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh - Khánh Hoà cho rằng, nếu tiếp tục tư duy lập pháp hiện nay theo hướng cơ quan nào chủ trì dự thảo luật sẽ trình dự luật đó cho Quốc hội, Quốc hội sẽ xem xét đưa vào kế hoạch xây dựng pháp luật hàng năm thì sẽ không tránh khỏi việc Quốc hội vẫn phải chạy theo và vẫn có việc bị động khi cơ quan trình dự thảo luật đó.

Những góp ý đó của các đại biểu Quốc hội là rất xác đáng trong việc xây dựng luật pháp, vừa giúp tháo gỡ nút thắt thể chế, làm cán bộ, công chức e dè việc công, vừa góp phần cho việc quản lý nhà nước trong công cuộc phát triển kinh tế thị trường ngày nay. 

Nguyễn Huy Viện