Trong phần đóng góp ý kiến về pháp luật, Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Đoàn ĐBQH Hà Nội và là Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế, kiến nghị Quốc hội và Chính phủ cần khắc phục kịp thời những quy định pháp lý chồng chéo, bất cập, thiếu minh bạch đang gây rủi ro cho người thực hiện nhằm gỡ bỏ tâm lý sợ oan, sai; e ngại thanh tra, kiểm tra của cán bộ, công chức và doanh nghiệp.
Đồng thời, ông Vũ Tiến Lộc kiến nghị cần bổ sung ngay chế tài kinh tế phù hợp để xử lý các vi phạm và không hình sự hóa các quan hệ kinh tế; xây dựng biện pháp thiết thực bảo vệ cán bộ và cả doanh nhân dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, luật hóa các quy định về vấn đề này.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Tạ Văn Hạ nêu lên tình trạng thực thi công vụ của cán bộ gặp vướng mắc rất nhiều, nhất là đầu tư công. Cụ thể là "Chính sách pháp luật đưa ra nhưng cách hiểu chưa thực sự thống nhất, cán bộ hiểu luật theo một cách nhưng đoàn kiểm tra, giám sát thì hiểu cách khác".
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang, chỉ ra sự bất cập của Nghị định 73/2023/NĐ-CP về khuyến khích bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung bởi theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì nghị định không thể thay thế, điều chỉnh, bổ sung nội dung quy định trong các luật. Vì vậy, bà Nguyễn Thị Kim Bé kiến nghị Quốc hội cần khẩn trương sửa đổi pháp luật, trong đó có Luật Công chức và Luật Viên chức.
Đại biểu Trần Hữu Hậu, Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh, cho rằng công tác xây dựng pháp luật phải hướng đến mục tiêu không cần khuyến khích cán bộ "xé rào" để vượt qua sự bất cập của các văn bản quy phạm pháp luật.
Muốn khắc phục tình trạng bất cập của pháp luật, ông đề xuất cần phải quyết liệt rà soát, thẩm định hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật để tìm ra những mâu thuẫn, chồng chéo. Từ đó sửa đổi, bổ sung, tạo hành lang pháp lý một cách bài bản vừa đảm bảo tính hệ thống vừa cụ thể, chi tiết, tường minh. Có như vậy cán bộ mới dám chủ động và yên tâm thực thi chức trách, nhiệm vụ.
Trên đây là lược trích một số ý kiến trong số rất nhiều ý kiến tham luận của ĐBQH đề cập về tình trạng bất cập của hệ thống văn bản pháp luật. Qua đó cho thấy vướng mắc của văn bản pháp luật đang làm cho lãnh đạo các cấp trong bộ máy Nhà nước đang rất lúng túng, vướng mắc khi thực thi công vụ; làm cho doanh nghiệp và người dân nói chung gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.
Câu hỏi đặt ra, tại sao cũng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đó mà trước đây ít có ý kiến phản hồi về sự bất cập khi vận dụng vào thực tế? Và tại sao trước đây khi thực thi chức trách, nhiệm vụ cán bộ rất tự tin, nhưng hiện nay họ không dám làm vì “sợ trách nhiệm”?
Hai câu hỏi trên đây có thể lý giải như sau:
Từ thập niên 1980 trở về trước, hệ thống pháp luật của Việt Nam rất ít luật về kinh tế. Vì vậy, từ hoạt động của bộ máy nhà nước đến quản lý kinh tế, xã hội chủ yếu thực hiện theo các nghị quyết, chỉ thị.
Từ khi thực hiện đường lối Đổi mới đến nay, hệ thống văn bản pháp luật trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội mới lần lượt ra đời. Có nhiều luận kinh tế được thiết kế dưới tác động của tư duy theo mô hình kế hoạch hóa, tập trung. Công tác lập pháp còn chưa nhận được sư quan tâm đúng mức của người dân, doanh nghiệp, những đối tượng của luật, nên hệ thống văn bản pháp luật khó tránh khỏi khiếm khuyết, hạn chế.
Không những vậy, trình độ hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của công chức, viên chức trong thực thi công vụ; của doanh nghiệp và người dân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và các lĩnh vực của đời sống xã hội vẫn theo tập quán của thời bao cấp. Vì vậy còn dễ dãi, tùy tiện trong tuân thủ pháp luật; thậm chí còn có biểu hiện coi nhẹ, coi thường pháp luật.
Sự “cộng hưởng” của những bất cập trên đây, đưa đến nhiều hệ lụy trong thực thi luật pháp.
Từ khi thực hiện mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, từ công tác lập pháp đến duy trì luật pháp từng bước đi vào nề nếp; yêu cầu chấp hành nghiêm pháp luật và xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật, nhất là vấn nạn tham nhũng ngày càng nghiêm minh hơn.
Vì vậy dẫn đến một bộ phận cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm. Đây là tín hiệu cho thấy cán bộ đã hiểu và biết sợ pháp luật. Ở góc độ nào đó, có thể đánh giá đây là tín hiệu đáng mừng khi công chức, viên chức trong bộ máy nhà nước hiểu được rằng pháp luật cho phép bản thân họ được làm cái gì và không được làm cái gì.
Mặt khác cũng cần có cái nhìn thấu đáo về thực trạng cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm. Trước hết cần thấy rằng, tâm lý chung của đội ngũ công chức, viên chức khi được đảm nhiệm cương vị công tác với tư cách là người đứng đầu cơ quan, đơn vị đều muốn khẳng định năng lực, vị thế của bản thân, ít người chây ỳ khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ.
Vậy tại sao họ lại sợ sai, sợ trách nhiệm? Có thể, một phần nguyên nhân là do hệ thống văn bản pháp luật còn chồng chéo, rối rắm. Vì vậy khi thực thi công vụ, cán bộ sẽ lâm vào tình cảnh đúng với văn bản pháp luật này nhưng lại sai với văn bản pháp luật khác, không chừng sẽ vướng vào lao lý.
Từ lý giải hai câu hỏi tự đặt ra và những vấn đề mà nhiều ĐBQH nêu ra về tình trạng bất cập của văn bản pháp luật, người viết bài thiển nghĩ để cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp và người dân tự tin vận hành trên hành lang pháp lý, đồng thời với việc thẳng thắn đánh giá những hạn chế của văn bản pháp luật hiện hành; hạn chế của quy trình, cách thức xây dựng và ban hành dự án luật, nên chăng cần tham khảo quy trình và cách thức xây dựng, ban hành luật của các quốc gia có nền tư pháp tiên tiến.
Không ít các đại biểu đã có ý kiến đóng góp rất cụ thể, thiết thực về lĩnh vực này trong kỳ họp tháng 5 năm nay.
Yêu cầu xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế là rất quan trọng, cấp thiết để giúp tháo gỡ vướng mắc pháp lý để công chức, viên chức yên tâm, tự tin thực thi chức trách, nhiệm vụ; để doanh nghiệp và người dân yên tâm vững tin sản xuất, kinh doanh.
Nguyễn Huy Viện