Anh Cơ còn có ý thức “nhường ghế” cho lứa anh em ít tuổi trong Bộ để mình lui dần về tuyến sau, yểm trợ lớp kế nhiệm, cho đến khi anh rút hẳn nơi hậu trường và nghỉ hưu hoàn toàn.

LTS: Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết tưởng nhớ cố Thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ của ông Nguyễn Vĩnh, nguyên Tổng biên tập báo Quốc Tế. 

Lứa chúng tôi gọi ông Trần Quang Cơ một cách thân tình là “anh Cơ” lúc còn làm việc cũng như lâu nay anh nghỉ hưu. Ngay cả mấy năm gần đây chúng tôi vẫn cứ một cách xưng hô tình cảm như thế với anh.   

Trong Bộ ngoại giao, anh Cơ nhiều năm liên tục giữ trọng trách, từ Vụ trưởng, Đại sứ, Thứ trưởng, Thứ trưởng thứ nhất (sau này gọi là Thứ trưởng thường trực). Về Đảng, anh là ủy viên trung ương từ 1986 đến 1994. 

Có thời điểm, Bộ Chính trị dự kiến trao anh trách nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại giao thay ông Nguyễn Cơ Thạch nghỉ hưu “bất thường”. Nhưng khi đó anh Cơ một mực xin được “không đảm đương” chức vụ cao hơn này.  

Anh Cơ còn có ý thức “nhường ghế” cho lứa anh em ít tuổi trong Bộ để mình lui dần về tuyến sau, yểm trợ lớp kế nhiệm, cho đến khi anh rút hẳn nơi hậu trường và nghỉ hưu hoàn toàn.  

Nói thế bởi đến đầu năm 1994, tại Hội nghị Đảng khóa VII giữa kỳ, anh Cơ đã tự nguyện xin rút khỏi BCH Trung ương. Việc đó được chấp nhận, ngành ngoại giao khi ấy đã được bầu bổ sung một Ủy viên Trung ương trẻ hơn là Thứ trưởng Lê Mai. Tấm gương Trần Quang Cơ được mọi người trong ngành chúng tôi hết sức quý trọng và nể phục. 

Trong 40 năm công tác của mình, tôi được làm việc trực tiếp dưới quyền anh Trần Quang Cơ từ năm 1993-1997. Tôi đảm nhận công việc chuẩn bị tổ chức cho Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ 7 tại Hà Nội (tháng 11/1997), lần đầu tiên tại Việt Nam.  

Nhớ lại hồi ấy, sau một vài người giới thiệu, tháng 4/1993 anh Trần Quang Cơ đã thay mặt lãnh đạo Bộ Ngoại giao điều động tôi tham gia cùng với một nhóm gọn nhẹ của Bộ triển khai các công việc chuẩn bị hội nghị. Từ một vị trí lãnh đạo báo Quốc Tế, cơ quan báo chí của Bộ Ngoại giao, tôi sang làm Vụ phó Vụ các Tổ chức quốc tế chuyên trách chuẩn bị cho hội nghị Pháp ngữ. Khi ấy Vụ này do chị Tôn Nữ Thị Ninh làm Vụ trưởng. Bỏ lại một công việc lý thú là báo chí không phải tôi thích thú gì nhưng trước việc đã được điều động, tôi nhanh chóng thích ứng với công việc mới. 

Thời điểm 1993-1994, nước ta chưa tổ chức Hội nghị cấp thượng đỉnh có nhiều nguyên thủ quốc gia (tổ chức Pháp ngữ có hơn 50 nước tham gia) tới dự bao giờ nên cái gì cũng bỡ ngỡ. Điều đó giải thích vì sao chúng ta phải chủ động để ra hẳn mấy năm chuẩn bị tập dượt và đào tạo nhân lực. Càng về sau càng thấy đó là một quyết định đúng đắn của Bộ Ngoại giao.  

Bắt đầu công việc, hầu như đụng vào việc gì cũng ngỡ ngàng, đơn giản vì chưa gặp một việc tương tự thế bao giờ. Anh Cơ ở cương vị lãnh đạo vĩ mô nhưng do xuất thân từ người lính, nhiều năm là chuyên viên rồi cấp Vụ giải quyết trực tiếp công việc, nên ở anh không có sự quan liêu, chung chung. Anh là người đầu tiên ở cấp lãnh đạo Bộ nắm và điều khiển công việc chuẩn bị âm thầm này.  

{keywords}

Bạn bè và đồng nghiệp đến thăm nhà ngoại giao lão thành Trần Quang Cơ (ngày 20/4/2014). Ảnh do tác giả cung cấp

Hồi mới có bộ khung, chính anh đã sớm nghĩ sao đó phải lập ra một Ủy ban cấp quốc gia để chuẩn bị mọi việc. Bởi Bộ Ngoại giao tài giỏi mấy cũng không sao đảm đương được. Phải có đại diện cấp lãnh đạo Bộ của các ngành khác, sơ tính qua phải hơn chục ngành như Giáo dục đào tạo, Văn hóa thông tin, Tài chính, Khoa học công nghệ, An ninh, rồi UBND Hà Nội - địa phương họp hội nghị… Dứt khoát cần có nơi như văn phòng chính phủ làm “hạt nhân”.  

Quả như vậy, sau này khi Ủy ban Quốc gia được thành lập, do Phó Thủ tướng đứng đầu, có lãnh đạo Bộ Ngoại giao (lúc đó anh Cơ đã rút về hậu trường, Thứ trưởng Nguyễn Đình Bin ở vào vị trí này) và lãnh đạo các bộ ngành khác tham gia… đã đặt trụ sở làm việc thường trực cho Ban thư ký của UBQG tại ngay Văn phòng Chính phủ. Cách nhìn nhận của anh Trần Quang Cơ như vậy là rất sát hợp và có tầm trông xa cho công việc.         

Hai từ “âm thầm” càng đúng với anh Trần Quang Cơ. Bởi khi công việc triển khai tích cực sắp tới ngày gặt hái kết quả, rồi hội nghị diễn ra sau đó rất thành công, gây ấn tượng mạnh trong Cộng đồng Pháp ngữ về khả năng tổ chức của Việt Nam thì anh Trần Quang Cơ trước đó đã lui về tuyến sau, tiếp đó về nghỉ hưu…  

Nguyên do anh cho là mình lớn tuổi, không sử dụng biệt lệ để tại vị. Anh Cơ đã không gặt hái thành tích, hưởng vinh quang khi hội nghị thành tựu dù anh đã góp phần xứng đáng tổ chức và xây dựng đội ngũ chuẩn bị cho hội nghị cấp cao này từ những ngày đầu tiên, tức đặt những viên gạch đầu tiên.   

Nhìn rộng để gút lại thì trong cả hoạt động ngoại giao, làm chính sách cũng như xây dựng ngành, anh Trần Quang Cơ đều làm việc với sự tận tụy và nghiêm túc cao nhất. Anh trực tính và thường đòi hỏi cao nơi các cấp dưới. Phần mình anh rất gương mẫu và hết sức có trách nhiệm trong các quyết định đã quyết, là người giữ vững và bảo vệ nguyên tắc.  

Trong đời thường anh Cơ sống cởi mở và cư xử thân tình, nhân hậu với mọi người. Điều đó khiến nhiều cán bộ ngoại giao quý mến anh và đánh giá rất cao nhân cách và phẩm chất nơi anh. Anh về hưu lâu rồi nhưng nhiều anh chị em lứa sau vẫn nhớ anh, một lòng kính trọng yêu mến anh…  

Hồi đó, trong những lần thông tin qua lại với nhau, anh có chút tâm sự là thời gian này, sau những đêm mất ngủ do tuổi già và bệnh tật, anh có viết ra những điều đã ngẫm nghĩ kỹ, đã cân nhắc suy tư của bản thân mình. Anh bảo chuyển những điều đó cho tôi, đơn giản là quý tôi thì “coi như một điều tâm sự” với một người ở thế hệ đi sau. Anh Cơ còn bảo có điểm nào, câu chữ gì trong bài cần góp ý, cần sửa thì cứ sửa giúp cho anh… 

Ngay hồi đó tôi đọc ngay và đọc đi đọc lại nhiều lần bài viết của anh. Rõ ràng Trần Quang Cơ vẫn một bộ óc và trái tim nhiệt huyết, ngay cả tuổi tác rất cao và bệnh tật hành hạ, anh vẫn dành những suy nghĩ suy tư của mình cho không chỉ bản thân, gia đình mình mà anh còn dành nó cho các vấn đề thuộc nhân quần xã hội.  

Đặc biệt nhất là anh vẫn dành phần nhiều, với bao nỗi trăn trở và tâm huyết nhất cho các suy tư về đối ngoại - công việc suốt một đời anh Trần Quang Cơ đã phụng sự. 

Bài viết của anh với một người từng trải trên con đường ngoại giao vinh quang và gian khó. Dù sang đầu thế kỷ mới nhưng cái bài toán đối ngoại hóc búa nhất xem ra “không mới”, vẫn cũ, vẫn một thách thức khổng lồ với nước non!...  

Giờ đây nhà ngoại giao lão luyện Trần Quang Cơ đã vĩnh viễn đi xa, được sự gợi ý và động viên của nhiều bạn bè và đồng nghiệp, tôi thấy nên viết ít dòng này và tiếp đó, sẽ công bố bài viết đầy tâm huyết và có giá trị ở giai đoạn cuối đời của Ủy viên trung ương Đảng, Thứ trưởng thứ nhất BNG Trần Quang Cơ. 

Nguyễn Vĩnh

(Nguyên Vụ trưởng, Tổng biên tập báo Quốc Tế, Bộ Ngoại giao)