Cùng dự lễ khai mạc có Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM Vũ Hải Quân, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu và nhiều lãnh đạo Trung ương, địa phương khác.

IMG_03FE10747FBD 1.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khai mạc Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia năm 2024. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam phát triển mạnh mẽ

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, nhìn lại 1 thập kỷ vừa qua, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy sự xuất hiện của các doanh nghiệp tiên phong ứng dụng công nghệ mới sẵn sàng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Năm 2024, chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu của Việt Nam đã tăng 2 bậc từ vị trí thứ 58 lên 56 (đứng thứ 5 tại khu vực Đông Nam Á và thứ 12 tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương).

Nhờ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo phát triển mạnh mẽ, Việt Nam đang nổi lên là một trong những nền kinh tế năng động mới nổi và là trung tâm phát triển cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trí tuệ, sức sáng tạo của người Việt Nam đã và đang từng bước khẳng định và vươn ra thế giới.

Trong kỷ nguyên chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo sẽ tiếp tục sát cánh cùng đất nước tiến xa hơn trên con đường hội nhập sâu rộng và phát triển bền vững.

IMG_EE9F0323CBC3 1.jpg
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Các chính sách thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Chính phủ thông qua Đề án 844 hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, Đề án 1665 hỗ trợ học sinh sinh viên khởi nghiệp… với các hoạt động từ hỗ trợ hoàn thiện công nghệ, chuyển đổi mô hình, nâng cao năng lực, tiếp cận nguồn vốn, kết nối đầu tư, mở rộng thị trường, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đã đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp, giúp họ vượt qua những thách thức trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động.

Nhìn về tương lai, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho rằng, cần tiếp tục duy trì động lực phát triển và không ngừng đổi mới sáng tạo. Bộ KH&CN sẽ cùng các bộ, ngành, địa phương tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục cải thiện khung pháp lý, thiết kế các cơ chế hỗ trợ phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có thể vận hành hiệu quả trong môi trường kinh doanh toàn cầu.

Phát triển khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm đến khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, coi đây là một trong những quốc sách hàng đầu cho phát triển nhanh và bền vững. Trong đó, khởi nghiệp sáng tạo là một trong những động lực tăng trưởng mới, tạo lực lượng sản xuất mới cho phát triển trong kỷ nguyên mới.

Thủ tướng cho biết, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các cấp, ngành, địa phương đã tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp và đã đạt được những kết quả quan trọng trong phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia.

hải phòng thủ tướng_3.JPG
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc Techfest Việt Nam năm 2024. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng cũng chỉ rõ một số hạn chế trong công tác này như còn thiếu nguồn lực để có thể tăng tốc và phát triển; chậm đổi mới tư duy, chưa tạo đột phá trong xây dựng pháp lý; nội hàm, khái niệm về khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo còn chưa được chuẩn hóa; chưa nhiều doanh nghiệp lớn quan tâm, hỗ trợ, đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo; không gian, cơ sở hạ tầng về thí điểm, thử nghiệm công nghệ chưa đáp ứng được nhu cầu…

Thủ tướng cho rằng, yêu cầu chủ đạo đặt ra là phải thu hút được các nguồn lực từ các tập đoàn quốc tế, quốc gia cho khởi nghiệp sáng tạo; nuôi dưỡng và phát triển nhiều kỳ lân công nghệ trong các lĩnh vực công nghệ mới…

Khởi nghiệp sáng tạo cần có sự chung tay, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của cả cộng đồng, người dân, doanh nghiệp; phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm.

Thủ tướng chỉ rõ, khởi nghiệp sáng tạo cần có tư duy mới, nhận thức mới, cách làm mới; phải có tư duy hỗ trợ, thay vì không quản được thì cấm; tư duy hợp tác phát triển, thay vì xin - cho; tư duy dài hạn, thay vì chỉ nghĩ đến lợi ích trước mắt.

"Khởi nghiệp sáng tạo cần phải dám nghĩ, dám làm, dám chấp nhận rủi ro, dám tiên phong, dám hành động, vượt lên chính mình, dấn thân vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì tương lai tươi sáng của đất nước", Thủ tướng nói.

Trên tinh thần “đổi mới để bay cao, sáng tạo để vươn xa, hội nhập để tiến lên”, Thủ tướng đã nêu rõ 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam.

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi hỗ trợ và thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Trong đó, tập trung chỉ đạo rà soát, hoàn thiện chiến lược, cơ chế, chính sách, giải pháp nhằm thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo với tinh thần tạo mọi thuận lợi và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân.

Với vai trò kiến tạo, Chính phủ xây dựng thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh; xác lập mô hình quản lý tập trung đảm bảo thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; tạo thị trường cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; chính sách ổn định, lâu dài; xây dựng chính sách hỗ trợ như về nhà ở, thị thực, vốn ưu đãi cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.