“Sắp tới đây, Chính phủ và các bộ, ngành sẽ có cơ chế để đặt hàng đối với Học viện về những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn cuộc sống, trong quản lý, chỉ đạo, điều hành, trong tư vấn, phản biện chính sách”, Thủ tướng phát biểu tại buổi làm việc với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Sáng nay, tại Hà Nội, trước khi dự lễ khai giảng năm học 2017-2018 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt của Học viện.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo chủ chốt của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: VGP |
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là cơ quan trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chính phủ; đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của Ban Bí thư.
Học viện đã có truyền thống vẻ vang 68 năm xây dựng và phát triển (1949-2017), có vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống chính trị của đất nước, nhất là trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị.
Học viện đã xây dựng được đội ngũ cán bộ hùng hậu với gần 2.200 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (trong đó có 12 giáo sư, 177 phó giáo sư, gần 514 tiến sĩ).
Mỗi năm, Học viện mở 70 lớp cao cấp lý luận chính trị hệ tập trung và hơn 100 lớp cao cấp lý luận chính trị hệ không tập trung.
Đối với đào tạo đại học và sau đại học, tính đến tháng 8 vừa qua, Học viện đã quản lý hơn 10.000 sinh viên đại học, cao học và nghiên cứu sinh. Học viện đã chủ trì thực hiện 43 nhiệm vụ khoa học cấp Nhà nước, 38 đề tài, đề án cấp bộ trọng điểm.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả mà Học viện đạt được với những cải cách, đổi mới thiết thực hơn, chất lượng nâng lên một bước. Học viện đã có nhiều đóng góp vào việc xây dựng đường lối, chính sách, thể chế pháp luật và quản lý điều hành đất nước.
Tuy nhiên, Học viện còn một số tồn tại như chưa phát huy hết tiềm thế của trường Đảng Trung ương. Việc thực hiện chức năng định hướng về mặt chuyên môn cho hệ thống trường Đảng các địa phương còn một số vấn đề cần chú ý hơn. Có nội dung, chương trình đào tạo chưa phù hợp với thực tiễn kinh tế-xã hội của đất nước và tình hình thế giới đang thay đổi rất nhanh chóng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi, trò chuyện với các học viên của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: VGP |
Nêu các định hướng lớn đối với Học viện, Thủ tướng cho rằng, Học viện cần có tầm nhìn mới trong phát triển, cần đặt mục tiêu vươn ra khu vực và thế giới với sứ mệnh quan trọng là góp phần hình thành nền tảng lý luận của Đảng, phục vụ yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới và đào tạo ra những nhà chính trị tương lai cho đất nước, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo trong thời kỳ toàn cầu hóa, cách mạng công nghiệp 4.0.
Cần đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu thông qua đổi mới được động lực của từng giảng viên, từng đơn vị và mở rộng hợp tác quốc tế để cập nhật kiến thức, kỹ năng của thế giới. Để làm được điều đó, cần 2 việc là có hệ thống đánh giá chất lượng đào tạo, nghiên cứu và cải thiện thu nhập, bổ nhiệm dựa trên kết quả làm việc, giảng dạy, nghiên cứu.
Cần xây dựng đối tác chiến lược với các trường tốt trên thế giới để trao đổi học thuật, xây dựng và hoàn thiện chương trình học tập, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho giảng viên của Học viện.
Phải tiếp tục thu hút nhân tài. Giao thêm quyền tự chủ và hiện đại hóa cơ sở vật chất; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, đào tạo, nghiên cứu khoa học.
Cần thực hiện tốt phương châm gắn lý luận với thực tiễn. Học viện là trường chính trị, nhưng cũng đặt trong môi trường học thuật để có những nghiên cứu khoa học khách quan, những phản biện sáng tạo được đúc rút từ thực tiễn để đóng góp vào kho tàng hệ tư tưởng của Việt Nam.
Học viện và các phân viện cần tăng cường quản lý Nhà nước về đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, nhất là đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ.
Về cơ cấu tổ chức, Bộ Chính trị đã thông qua dự thảo Nghị định về cơ cấu, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Học viện. Học viện và các cơ quan khẩn trương hoàn thiện để Thủ tướng ký sớm Nghị định này (thực hiện đúng tinh thần của Trung ương về tinh giản cán bộ, thu gọn đầu mối, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tăng cường kỷ luật kỷ cương).
Với vị trí vừa là cơ quan của Đảng, vừa là một trong 8 cơ quan thuộc Chính phủ, Học viện cần chủ động tăng cường cơ chế phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các trường đại học để hỗ trợ lẫn nhau để nghiên cứu, đào tạo sát thực tiễn, đồng thời hỗ trợ vận hành thông suốt, hiệu quả hệ thống 72 trường chính trị.
“Trong các cuộc họp của Chính phủ, đều mời lãnh đạo của Học viện tới để có thể phát biểu một số vấn đề trước Chính phủ, chứ không chỉ nghe từ các bộ, ngành”, Thủ tướng nói.
Ảnh: VGP |
“Sắp tới đây, Chính phủ và các bộ, ngành sẽ có cơ chế để đặt hàng đối với Học viện về những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn cuộc sống, trong quản lý, chỉ đạo, điều hành; trong tư vấn, phản biện chính sách”.
Thủ tướng cũng mong Học viện chủ động nghiên cứu, đánh giá, đề xuất những giải pháp, kế sách góp phần phát triển đất nước. “Một vấn đề đặt ra là nhà khoa học giỏi, giảng viên giỏi đồng thời phải là nhà tư vấn tốt”, Thủ tướng nhấn mạnh.
“Cá nhân Thủ tướng luôn lắng nghe các ý kiến của Học viện. Các đồng chí nếu có sáng kiến, kế sách gì xây dựng đất nước thì có thể thông qua Học viện hoặc gửi trực tiếp cho Thủ tướng. Thủ tướng cầu thị, trân trọng ý kiến trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm các đồng chí”.
Về phía Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu các bộ, các địa phương chủ động phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để Học viện cũng như các trường Đảng trong cả nước hoạt động hiệu quả hơn.
Thủ tướng mong có nhiều ý kiến đóng góp cho đổi mới giáo dục
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Hội Cựu giáo chức Việt Nam đã có nhiều sáng kiến, đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo, với Đảng, Nhà nước
Thuật dùng người độc đáo của Bộ trưởng Giáo dục
Đề nghị chuyển bác sĩ Đặng Văn Ngữ về ĐH Y khoa, xếp ngạch giáo sư và báo tình hình với vợ giáo sư ở Hà Tĩnh - công điện của Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên.
Thủ tướng tiếp GS Ngô Bảo Châu và nhóm Đối thoại Giáo dục
Chiều nay, Thủ tướng đã thân mật tiếp GS Ngô Bảo Châu và nhóm Đối thoại Giáo dục, một nhóm tự nguyện gồm 8 trí thức Việt kiều