Thành lập văn phòng giúp việc Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

Tại phiên họp thứ 2 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban đã giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương nhằm thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi số trong thời gian tới.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Trưởng ngành và Ban chỉ đạo chuyển đổi số các bộ, ngành, địa phương khẩn trương, quyết liệt tổ chức triển khai các nhiệm vụ được giao trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược quốc gia phát triển Chính phủ số, Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số, Kế hoạch năm 2022 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số. Các kế hoạch, chương trình này đã được cụ thể từ Nghị quyết Đại hội của Đảng, từ kế hoạch 5 năm và chương trình 10 năm. Phải thực hiện nghiêm túc trên tinh thần "tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, hành động phải quyết liệt, có hiệu quả, lựa chọn có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó".

Thủ tướng Phạm Minh Chính giao các nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số. (Ảnh: Đoàn Bổng)

Về một số nhiệm vụ trọng tâm, Thủ tướng giao Bộ TT&TT sớm đề xuất thành lập văn phòng giúp việc của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số sao cho có hiệu quả nhưng không làm tăng thêm đầu mối về tổ chức, bộ máy, biên chế, từ đó hình thành văn phòng giúp việc ban chỉ đạo ở các cấp. 

Hoàn thành đánh giá, công bố chính thức danh sách các nền tảng số đáp ứng yêu cầu phục vụ chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Bộ TT&TT phối hợp với Bộ KH&ĐT hoàn thành hệ thống phục vụ thống kê, theo dõi dự án đầu tư công cho chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Phối hợp với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan nghiên cứu triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng dựa vào phong trào thanh niên. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước. Nâng cao chất lượng nhân lực làm công nghệ thông tin chuyên trách.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành. Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện dự thảo Nghị định về định danh và xác thực điện tử, trình Chính phủ ban hành trong tháng 5/2022.

Tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử. Hoàn thành việc kết nối, chia sẻ, xác thực thông tin công dân. Hoàn thiện ứng dụng di động VNEID, nhằm định hình hệ sinh thái công dân số phục vụ nhu cầu định danh, xác thực thông tin theo hướng người dân có thể được định danh và xác thực điện tử dễ dàng thông qua môi trường mạng.

Văn phòng Chính phủ tập hợp, kiểm tra, theo dõi việc thực hiện các chương trình chung của Ủy ban; tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện tài liệu phiên họp chất lượng, ngắn gọn, bao quát, dễ hiểu, dễ nghe, dễ tuyên truyền, dễ nói, dễ làm, dễ giám sát, kiểm tra và đánh giá.

Tập trung, xây dựng, đưa vào sử dụng Hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo thời gian thực; có công cụ phân tích dữ liệu, dự báo hỗ trợ chỉ đạo, điều hành dựa trên cơ sở dữ liệu số. 

Thí điểm đề án đại học số trong quý II/2022

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở y tế, cơ sở khám chữa bệnh sẵn sàng chấp nhận thanh toán viện phí, thanh toán các khoản chi phí khám chữa bệnh theo phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Bộ GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở đào tạo sẵn sàng chấp nhận thanh toán học phí theo phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; phối hợp với Bộ TT&TT, các bộ, ngành liên quan tiến hành chuyển đổi số; triển khai mô hình "Giáo dục đại học số" và hoàn thành Đề án thí điểm trong quý II/2022.

Phiên họp thứ 2 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số diễn ra sáng 27/4. (Ảnh: Đoàn Bổng)

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với với Bộ TT&TT, các địa phương thúc đẩy thương mại điện tử, thương mại số.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng cơ sở dữ liệu để người nông dân có thể khai thác được trong nuôi, trồng, sử dụng đất đai có hiệu quả, làm thế nào để có thị trường và liên kết.

Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ TT&TT và các bộ, ngành tham mưu đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phương án đổi tên đơn vị chuyên trách về CNTT cho phù hợp, đúng với nội hàm chuyển đổi số.

Bộ KH&ĐT thực hiện chuyển đổi số theo chức năng nhiệm vụ, nắm được tình hình đầu tư, phân tích được tính kịp thời, hiệu quả, đúng chủ trương của các dự án đầu tư.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì, phối hợp với Bộ TT&TT và cơ quan chủ quản thí điểm thực hiện công tác giám sát, kiểm tra, đánh giá hiệu quả đồng vốn thông qua hệ thống điện tử.

Các bộ, ngành, địa phương ban hành hoặc cập nhật kế hoạch, chương trình hành động đến năm 2025 của cấp chính quyền với đầy đủ 3 trụ cột chính là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, phù hợp với chiến lược quốc gia và tình tình của đơn vị mình.

Ban Chỉ đạo chuyển đổi số các bộ, ngành, địa phương ban hành Kế hoạch hành động năm 2022 để thực hiện các nhiệm vụ theo Kế hoạch hoạt động năm 2022 theo từng quý.

Thực hiện tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia năm 2022 theo danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tại Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 4/4/2022).

Đối với việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa cấp bộ, cấp tỉnh phải được triển khai ngay từ 1/6/2022. Riêng 25 dịch vụ công thiết yếu triển khai theo yêu cầu Quyết định 06/QĐ-TTg thực hiện số hóa từ ngày 1/7/2022.

Thủ tướng đồng ý chủ trương huy động chuyên gia chuyển đổi số và thúc đẩy hợp tác quốc tế, vừa làm vừa rút kinh nghiệm; coi trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực. Bộ TT&TT chủ trì công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức nhưng các cơ quan truyền thông cần dành nhiều thời gian cho hướng dẫn, tọa đàm làm rõ các vấn đề mới, vấn đề khó để nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; hiểu được chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ để các chính sách đi vào thực thi cũng như giám sát khâu thực hiện.

Duy Vũ