Thị trưởng TP Trùng Khánh Hồ Hoành Hoa bày tỏ vui mừng chào đón Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu Việt Nam đến thăm TP.

Ông cũng thông báo ngày 7/11 Thủ tướng Lý Cường và Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến trao đổi công hàm thành lập Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Trùng Khánh.

vna_potal_thu_tuong_pham_minh_chinh_du_toa_dam_doanh_nghiep_viet_nam_ _trung_quoc_7693037.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dự tọa đàm. Ảnh: TTXVN

Ông Hồ Hoành Hoa giới thiệu sơ lược về TP Trùng Khánh. Trùng Khánh và Việt Nam có quan hệ lịch sử lâu đời, giao lưu mật thiết. Một số doanh nghiệp của Trùng Khánh đã đầu tư, hợp tác tại Việt Nam với các sản phẩm ô tô, xe máy, điện tử. Trong khi đó, Việt Nam thành lập văn phòng xúc tiến thương mại, các mặt hàng nông sản Việt Nam được người tiêu dùng Trùng Khánh yêu thích. 5 năm liên tiếp Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trùng Khánh trong khu vực ASEAN.

Phát biểu tại tọa đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Việt Nam và Trung Quốc "núi liền núi, sông liền sông, đường liền đường, biển liền biển", nên có nhiều điều kiện hợp tác. Hai nước cũng có quan hệ truyền thống lâu đời, "mối tình hữu nghị Việt-Hoa vừa là đồng chí, vừa là anh em".

"Chúng ta có nền tảng chính trị vững chắc, nền tảng văn hoá tương đồng, nền tảng pháp lý thuận lợi, nền tảng thị trường rộng mở", Thủ tướng nhấn mạnh. Hai nước cũng đang xây dựng hướng tới Cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược. 

vna_potal_thu_tuong_pham_minh_chinh_du_toa_dam_doanh_nghiep_viet_nam_ _trung_quoc_7693204.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng khẳng định doanh nghiệp hai nước cần đầu tư hợp tác nhiều hơn nữa. Thời gian qua, Trung Quốc đã đầu tư vào Việt Nam khoảng 5 nghìn dự án, với tổng mức đầu tư 30 tỷ USD. Thương mại hai chiều năm 2023 đạt hơn 173 tỷ USD, 9 tháng đầu năm 2024 đạt 190 tỷ (tăng 14%).

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng so với quan hệ chính trị tốt đẹp thì hợp tác kinh tế vẫn chưa tương xứng trong khi tiềm năng còn rất lớn.

Giới thiệu về tiềm năng của Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với gần 200 nước tương ứng với gần 200 thị trường, Việt Nam cũng tham gia 17 Hiệp định thương mại tự do giúp kết nối với khoảng 60 thị trường.

Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với các nước đạt khoảng 700 tỷ USD, trong đó lớn nhất là Việt Nam với Trung Quốc những năm gần đây đạt khoảng 200 tỷ USD. 

Năm 2023, Việt Nam thu hút hơn 36,6 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, giải ngân vốn FDI ở mức kỷ lục hơn 23 tỷ USD. Tính trong 10 tháng đầu năm nay thu hút gần 30 tỷ USD, giải ngân đạt khoảng 20 tỷ USD.  

Trong quan hệ quốc tế, Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Việt Nam xác định xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; tích cực hội nhập hợp tác quốc tế sâu rộng; kiên trì chính sách quốc phòng "4 không"; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Thủ tướng khẳng định, Việt Nam bảo đảm các quyền lợi và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư, bảo đảm ổn định về chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Việt Nam thực hiện 3 đột phá: đột phá về thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, cắt giảm thủ tục; đột phá về hạ tầng nhằm tạo ra không gian phát triển mới, tạo ra giá trị mới, tạo ra hệ thống logistic giúp giảm chi phí vận tải, tăng sức cạnh tranh; đột phá về nguồn nhân lực phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng nêu thêm về "thể chế ba thông" đó là thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh. "Thực hiện bốn cùng" cùng lắng nghe, thấu hiểu, cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển; cùng chia sẻ niềm vui, hạnh phúc và niềm tự hào.

Thủ tướng mong muốn doanh nghiệp hai nước đóng vai trò kết nối hai nền kinh tế, hợp tác với nhau sẽ mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước. “Chúng ta cùng nhau phát triển đất nước hùng cường, lớn mạnh”, Thủ tướng nói. 

Về đề xuất của doanh nghiệp trong đơn giản hoá thủ tục thông quan, Thủ tướng cho biết, hai nước đang thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh.

Về hạ tầng logistics, Thủ tướng cho biết Việt Nam đang tăng cường đầu tư. Việt Nam cũng triển khai giảm lãi suất, thuế, phí; tập trung thu hút đầu tư vào những ngành kinh tế mới nổi như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.