Nhận lời mời của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte và Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo, Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Đại Công quốc Luxembourg, Vương quốc Hà Lan, Vương quốc Bỉ và dự Hội nghị cấp cao ASEAN - EU tại Brussels, Bỉ.
Đây là lần thứ hai, Thủ tướng Phạm Minh Chính công du đến châu Âu, sau chuyến đi đầu tiên dự Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Anh vào tháng 11/2021.
Tháp tùng Thủ tướng có: Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Quốc phòng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Công an Nguyễn Duy Ngọc, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Khánh Toàn, Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Thành, Thứ trưởng GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng TT&TT Phạm Đức Long, Thứ trưởng LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi.
Dự kiến trong những ngày đầu tiên của chuyến công tác, Thủ tướng sẽ thăm chính thức và làm việc tại Luxembourg. Sau đó, Thủ tướng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức và làm việc tại Hà Lan.
Những ngày cuối của chuyến công tác, Thủ tướng thăm chính thức, làm việc tại Bỉ và dự Hội nghị cấp cao ASEAN – EU.
Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với Luxembourg, Hà Lan và Bỉ từ năm 1973.
Trong những năm qua, Luxembourg luôn là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong EU; thu nhập GDP đầu người của đứng đầu thế giới. Các lĩnh vực thế mạnh của Luxembourg là thương mại, dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, hóa chất, cao su, nhựa, sản xuất thép, thực phẩm. Luxembourg là thành viên sáng lập của nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có Liên minh châu Âu và Liên Hợp Quốc.
Tính đến tháng 1/2022, Luxembourg có 51 dự án đầu tư với tổng số vốn 2,1 tỷ USD, đứng vị trí thứ 5 các nước châu Âu và đứng 18/140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Việt Nam - Hà Lan đã xây dựng mối quan hệ hữu nghị, hợp tác tốt đẹp; được đánh giá là điển hình của mối quan hệ năng động và hiệu quả, phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh, ngày càng đi vào chiều sâu.
Tháng 10/2010, hai nước thiết lập đối tác chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước. Sau đó, hai bên thiết lập đối tác chiến lược về nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực vào tháng 6/2014.
Tháng 4/2019, Việt Nam – Hà Lan nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện nhân chuyến thăm của Thủ tướng Mark Rutte đến Việt Nam.
Những năm gần đây, Hà Lan luôn là nhà đầu tư châu Âu lớn nhất tại Việt Nam. Tính đến tháng 1/2022, Hà Lan xếp thứ 8/140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 380 dự án trị giá hơn 13,5 tỷ USD; trong đó phải kể đến dự án điện Mông Dương trị giá 2,1 tỷ USD; nhà máy điện Phú Mỹ 3, trị giá 410 triệu USD…
Bỉ là đối tác thương mại lớn thứ 6 trong EU, là đối tác chiến lược trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam. 10 tháng đầu năm 2022, thương mại hai chiều đạt 4,068 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Bỉ đạt hơn 3,4 tỷ USD, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm trước, nhập khẩu đạt 622,8 triệu USD.
Tính đến tháng 10/2022, có 82 dự án đầu tư FDI của Bỉ vào Việt Nam còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 1,1 tỷ USD.
Năm 2022 đánh dấu 45 năm thiết lập quan hệ đối thoại ASEAN - EU, cũng là năm thứ hai ASEAN và EU nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược. Sau 45 năm, quan hệ ASEAN - EU đã phát triển năng động, mở rộng bao trùm các lĩnh vực và đang có kế hoạch hành động triển khai quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - EU giai đoạn 2023-2027.