Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Hàn Quốc của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã thành công trên nhiều mặt. Hai nước cùng nhất trí ra Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, chính thức mở ra chương mới trong quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc.
VietNamNet có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Trần Hải Linh, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân & Đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc (VKBIA) đánh giá về chuyến thăm.
Ông có nhận định thế nào về quan hệ hai nước hiện nay, đặc biệt là sau chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc?
Việt Nam và Hàn Quốc đã thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 22/12/1992, hai nước đã không ngừng nỗ lực để nâng cấp quan hệ lên thành “Đối tác hợp tác toàn diện trong thế kỷ 21” vào năm 2001, “Đối tác hợp tác chiến lược” vào năm 2009. Mới đây nhân chuyến thăm của Chủ tịch nước, lãnh đạo cấp cao hai nước đã cùng nhất trí ủng hộ nâng tầm quan hệ lên “Đối tác chiến lược toàn diện”.
Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc không ngừng phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng, đạt được nhiều thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực: Kinh tế, đầu tư, khoa học công nghệ, an ninh quốc phòng, văn hóa, giáo dục thể thao… Có thể nói quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước đang đứng trước những cơ hội phát triển mới đầy triển vọng.
Với những thành tựu tốt đẹp của lịch sử 30 năm hợp tác, tôi tin rằng lợi ích “Đối tác chiến lược toàn diện” tới đây sẽ là động lực để thắt chặt hơn nữa sự gắn kết giữa hai quốc gia vì lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp tích cực cho ổn định, phồn vinh, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Ông đánh giá thế nào về ý nghĩa chuyến thăm của Chủ tịch nước, nhất là đối với các doanh nhân, doanh nghiệp hai nước?
Chuyến thăm của Chủ tịch nước diễn ra trong bối cảnh hai nước đang kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Giới doanh nghiệp, doanh nhân của cả hai nước đều trông chờ vào những bước tiến mới trong hợp tác Việt - Hàn. Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc 2022 được tổ chức ngày 6/12 quy tụ hàng trăm doanh nghiệp mỗi bên đã thảo luận về phương án hợp tác kinh tế, mở rộng đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam.
Việt Nam - Hàn Quốc đã trở thành những đối tác quan trọng hàng đầu của nhau, tin cậy chính trị và hiểu biết lẫn nhau không ngừng được củng cố và phát triển.
Hợp tác kinh tế, xúc tiến đầu tư và giao thương luôn là trụ cột quan trọng, điểm sáng trong bức tranh tổng thể quan hệ hợp tác song phương. Hàn Quốc hiện đang đứng thứ nhất về đầu tư trực tiếp, thứ hai về hợp tác phát triển (ODA), lao động và du lịch, thứ ba về hợp tác thương mại.
Tôi kỳ vọng hai bên sẽ tiếp tục nâng cao hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và phấn đấu sớm hoàn thành mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 100 tỷ USD vào năm 2023 và hướng tới mục tiêu đạt 150 tỷ USD vào năm 2030, theo hướng cân bằng thương mại.
Tôi cũng cho rằng dư địa và tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn. Ngoài các doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư và mở rộng quy mô đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới, thì các quỹ đầu tư, nhà đầu tư quốc tế khác thông qua “cửa ngõ” Hàn Quốc đã và đang dành sự quan tâm rất lớn cho Việt Nam.
Hiệp hội Doanh nhân & Đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc (VKBIA) luôn sẵn sàng là cầu nối để phát triển những “dư địa” lớn đó và tiếp tục sẽ là “cánh tay nối dài” của Việt Nam. VKBIA sẽ nỗ lực hết sức, cùng đồng hành, góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ và thành công.
Tại buổi gặp gỡ cộng đồng kiều bào, Chủ tịch nước nhấn mạnh việc "cần nâng tầm trí tuệ của người Việt ở những nước phát triển như Hàn Quốc". Theo ông, các doanh nghiệp, kiều bào Việt Nam tại Hàn Quốc phải làm gì để phát huy được trí tuệ, tinh thần từ đó nâng cao vị thế của người Việt tại nước sở tại?
Kết luận số 12 ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới đề cập đến 6 nhiệm vụ, giải pháp và thêm ý kiến từ Chủ tịch nước nêu ra, theo tôi đây là vấn đề quan trọng và cấp thiết cho công tác người Việt Nam ở nước ngoài thời gian tới.
Việt Nam đã và đang tăng cường hợp tác đầu tư nước ngoài với mục tiêu thu hút có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, sản phẩm công nghệ cao và giá trị thặng dư kinh tế là tiêu chí chính. Ngoài ra nước ta cũng ưu tiên các dự án công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, có phương thức quản trị hiện đại, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Tôi cho rằng cần tăng cường thu hút, phát huy nguồn lực đầu tư, thương mại, chất xám, mối quan hệ từ các trí thức, doanh nhân... phục vụ cho mục tiêu phát triển đất nước. Thời gian tới cần tăng cường vai trò của các đại diện kiều bào tiêu biểu trong công tác hỗ trợ cơ quan chức năng Việt Nam để thu hút đầu tư và phối hợp đầu tư có hiệu quả.
Theo tôi cần có “cơ quan đầu mối có thẩm quyền của Việt Nam” trực tiếp hỗ trợ, kết nối trí thức, doanh nhân kiều bào nhằm trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ tiên tiến, làm cầu nối đưa hàng hóa Việt Nam đáp ứng chuỗi cung ứng toàn cầu… Có thể ứng dụng linh hoạt mô hình hay kinh nghiệm của Hàn Quốc đã áp dụng như KOTRA hay KOICA.
Tận dụng thế mạnh liên kết doanh nhân kiều bào, doanh nghiệp Việt - Hàn để thúc đẩy việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản, nông nghiệp... sang Hàn Quốc và các thị trường quốc tế khác qua cửa ngõ là Hàn Quốc. Nếu phối hợp tốt thì các sản phẩm của ta có thể dễ vượt qua các "rào cản kỹ thuật", từ đó tăng cường xuất khẩu của Việt Nam đến Hàn Quốc và ra thế giới, giúp cân bằng thương mại….
Điều này sẽ tiếp tục khai thác tốt tiềm năng, tận dụng lợi thế để thúc đẩy xuất khẩu thông qua giá trị thương hiệu, kết hợp xây dựng thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp với thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Tôi đề xuất nghiên cứu và xem xét việc trọng dụng hơn nữa các kiều bào tiêu biểu, có uy tín và khả năng, trình độ để tham gia trực tiếp vào các cơ quan, tổ chức ở Việt Nam mà vẫn đảm bảo phù hợp theo quy định Nhà nước. Ví dụ cho phép người có quốc tịch Việt Nam ứng cử ĐBQH hoặc tham gia vào các Ủy ban, Hội đồng Tư vấn cấp cao theo đúng chuyên môn, trình độ và khả năng.