- ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) dựa vào kết quả lấy phiếu tín nhiệm hai lần để nhận định Thủ tướng và nhiều thành viên Chính phủ đã bứt phá ngoạn mục, nâng hạng tín nhiệm ấn tượng so với đầu nhiệm kỳ.
Đánh giá nhiệm kỳ của các lãnh đạo nhà nước tại phiên họp QH sáng nay, ĐB Trần Thị Quốc Khánh nhận xét: "Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng quyết liệt, miệng nói tay làm. Thống đốcNHNN Nguyễn Văn Bình bình tĩnh, chia sẻ khó khăn với người dân và doanh nghiệp. Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng kiên trì với đề án nhà ở xã hội.
Bộ trưởng KHCN Nguyễn Quân khiêm nhường, tháo gỡ nút thắt khó khăn cho khoa học. Các Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, Đinh Tiến Dũng, Hoàng Tuấn Anh đã thể hiện vai trò, vị trí người đứng đầu và quyết liệt thay đổi".
ĐB Trần Thị Quốc Khánh: Thủ tướng và nhiều thành viên Chính phủ đã bứt phá ngoạn mục. Ảnh: Hoàng Long |
Về nhiệm kỳ Chính phủ và Thủ tướng, ĐB Trần Du Lịch đánh giá cao sự kiên trì với 3 mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, chống lạm phát và an sinh xã hội, góp phần đưa đất nước ổn định phát triển.
Trong khi đó, ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng nhiệm kỳ vừa qua ngoài những thành tích mà cử tri công nhận, Chính phủ còn một số vấn đề tồn tại. Như tình hình tham nhũng nghiêm trọng, tình hình phạm pháp đang diễn ra tràn lan...
Ông Nghĩa cho rằng trách nhiệm để tình trạng ấy là của cả hệ thống chính trị nhưng Thủ tướng, Chính phủ phải thể hiện vai trò.
"Trong nhiệm kỳ vừa qua, cử tri cho rằng giá mà Thủ tướng sớm xử lý kỷ luật một số vụ có lẽ tình hình sẽ cải thiện hơn. Không nên chờ đến khi đổ bể, họ phải ra tòa", ông nói.
ĐB cho hay, cử tri đề nghị Chính phủ tới đây phải cải cách cách thức điều hành, Thủ tướng phải mạnh dạn kỷ luật, thậm chí thay thế các thứ trưởng, bộ trưởng, chủ tịch UBND, phó chủ tịch UBND cấp tỉnh có sai phạm hoặc không hoàn thành nhiệm vụ, không đợi hết nhiệm kỳ để chấm dứt tình trạng "trên bảo dưới làm lơ".
Chủ tịch nước đã toàn tâm toàn ý
Hoạt động cùng đoàn ĐBQH với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cho biết cử tri đánh giá Chủ tịch nước toàn tâm toàn ý thực hiện nhiệm vụ, luôn trăn trở vấn đề phát triển đất nước, an ninh, bảo vệ chủ quyền. Ông đã gắn bó với cử tri, tham gia đầy đủ hơn 70 buổi tiếp xúc, trực tiếp xem xét nhiều đơn khiếu nại tố cáo.
ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cho rằng, Chủ tịch nước đã có nhiều cố gắng nhưng nguyên nhân khách quan do Hiến định, muốn làm cũng khó.
Xem clip đại biểu Nguyễn Anh Sơn phát biểu:
"Cử tri nói Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước khi tiếp xúc cử tri đều thể hiện rất căm ghét tham nhũng, nhưng không biết Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước đứng ở vị trí nào, quyền hạn đến đâu trong cuộc chiến chống tham nhũng?", ông nhận xét.
Ông Sơn kiến nghị nhiệm kỳ tới Chủ tịch nước cần trình QH ban hành luật chế định Chủ tịch nước để cụ thể hoá nhiệm vụ quyền hạn trong từng lĩnh vực.
Về những trăn trở, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho hay, cử tri lo lắng tình trạng tham nhũng, lãng phí, chạy chức, chạy quyền.
"Gần đây Tổng bí thư có nêu khái niệm 'chạy luân chuyển', có chính sách gì mới là phải chạy. Việc này dân biết, Đảng biết, Chính phủ và các ban ngành đều biết nhưng thiếu cơ sở để gắn trách nhiệm trong quá trình xử lý. Câu hỏi 'chạy ai, ai chạy' vẫn chưa trả lời được", ông nói.
ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) buồn phiền vì ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức và nhân dân.
"Khi thảm họa xảy ra ở Nhật, người ta cho rằng nước Nhật sẽ không rối loạn và nhanh chóng phục hồi, không chỉ vì tiềm lực kinh tế mà còn vì ý thức kỷ luật và chấp hành pháp luật. Nhìn lại chúng ta, không so đâu xa, chỉ cần so với thời bao cấp, ý thức chấp hành pháp luật đã đi xuống một cách đáng báo động", ông Cường nói.
Ảnh: Hoàng Long |
ĐB Quảng Bình phân tích: Dân chủ phải đi với kỷ cương, dân chủ đã có những bước tiến đáng ghi nhận nhưng kỷ cương chưa theo kịp. Vi phạm giao thông, vượt đèn đỏ, chen lấn, không xếp hàng, xả rác, bật loa đài ầm ĩ, bán hàng giả, làm ăn chụp giật..., cho đến vi phạm nội quy lao động, kỷ luật cơ quan, tham nhũng, lãng phí... Điều nguy hiểm là không tuân thủ pháp luật được coi là bình thường, người chấp hành pháp luật bị gọi là "hâm".
Ông Cường cho rằng tuyên truyền là không đủ, phải có biện pháp khả thi và xử phạt nghiêm minh.
"Đừng ban hành những quy định như quên gạt chân chống xe thì bị phạt nặng hay bắt xe con có bình chữa cháy... Đừng phạt cho tồn tại những vi phạm về xây dựng, làm hàng giả không bị tiêu hủy... Đừng để kẻ côn đồ không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ ngang nhiên không bị xử phạt, người hiền lành lấn làn một chút lại bị phạt nặng... Xử lý công khai, công bằng giữa người dân và cán bộ, công chức", ông Nguyễn Mạnh Cường nói.
Ông cũng cho rằng, trao quyền cho người thi hành công vụ và bảo vệ họ khi làm đúng, xử lý nghiêm khắc người lạm quyền. Đó là kinh nghiệm thành công trong cấm đốt pháo và bắt buộc đội mũ bảo hiểm, "những việc tưởng chừng không làm được".
Chung Hoàng - Thúy Hạnh - Duy Tiến - Nguồn clip: VTV