Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, nhờ sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương và sự tham gia, hưởng ứng tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân, chuyển đổi số đã ‘đến từng ngõ, gõ từng nhà, vào từng người’ và tiến bộ vượt bậc.
Lựa chọn chiến lược
Trong phát biểu báo cáo thêm về tình hình kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15 vào chiều 12/11/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu cho phát triển nhanh, xanh, bền vững và đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng, tạo cơ hội lớn nhưng cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển Chính phủ số và triển khai hiệu quả Đề án 06 từ Trung ương đến cơ sở.
“Nhờ sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương và sự tham gia, hưởng ứng tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân, chuyển đổi số đã ‘đến từng ngõ, gõ từng nhà, vào từng người’ và tiến bộ vượt bậc”, Thủ tướng cho hay.
Theo Thủ tướng, thương mại điện tử phát triển mạnh, thuộc nhóm 10 nước có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới. Chuyển đổi số phục vụ người dân, an sinh xã hội có bước phát triển mạnh mẽ. Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2024 tăng 15 bậc, xếp hạng 71/193 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, đây là lĩnh vực mới nên các quy định pháp luật, cơ chế, chính sách về chuyển đổi số còn chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời. Cải cách hành chính còn chậm; thủ tục còn rườm rà, ách tắc; chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa chuyển biến rõ nét; chưa khắc phục được tình trạng "manh mún, cát cứ thông tin, co cụm dữ liệu".
Ngoài ra, nhân lực cho chuyển đổi số chưa đáp ứng nhu cầu. Bên cạnh đó, mặc dù Chỉ số an toàn, an ninh mạng của nước ta năm 2024 tăng 8 bậc, xếp hạng 17/194, nhưng an toàn thông tin, an ninh mạng còn tiềm ẩn nhiều phức tạp, rủi ro. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức về chuyển đổi số chưa đầy đủ; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là người đứng đầu còn thiếu quyết liệt, sâu sát; tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, thiếu công cụ theo dõi, đánh giá, giám sát, kiểm tra, xử lý các mặt tiêu cực.
Thời gian tới, với phương châm "tăng tốc, bứt phá", Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo: Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp. Hoàn thiện hành lang pháp lý số (như Luật Dữ liệu, Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân); đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, ưu tiên để hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp, người dân chuyển đổi số. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, nhất là công nghệ vệ tinh, Internet vạn vật, điện toán đám mây.
Đồng thời, xây dựng trung tâm công nghiệp kỹ thuật số, dữ liệu lớn, ứng phó khẩn cấp sự cố an ninh mạng; phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành; đẩy mạnh triển khai Đề án 06 ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương. Huy động nguồn lực cho nghiên cứu và phát triển phục vụ chuyển đổi số; xây dựng chính sách ưu đãi, kể cả ưu đãi tài chính để thu hút mạnh mẽ đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ lớn. Phát triển nguồn nhân lực số, nhất là nhân lực chất lượng cao cho các ngành, lĩnh vực mới nổi; triển khai hiệu quả Đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030”.
Muốn đón đầu phải đi vào công nghệ mới
Trong phát biểu thảo luận tại tổ về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số tại chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15 ngày 23/11/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là dự luật này rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay nên tinh thần phải thay đổi tư duy, bởi tư duy là nguồn lực, là tầm nhìn, là động lực.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, khi tình hình thay đổi, nhiệm vụ thay đổi thì phương thức quản lý, tổ chức cũng phải thay đổi. Pháp luật về công nghệ thông tin trước đây chưa bao gồm các khái niệm mới như chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây và Internet vạn vật.
Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, đặc biệt là AI, đòi hỏi một khung pháp lý rõ ràng để vừa thúc đẩy, vừa quản lý hiệu quả. Trong bối cảnh đó, việc ban hành Luật Công nghiệp công nghệ số là cần thiết, bởi chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong phát triển của giai đoạn mới và phải có luật để quản lý.
Chia sẻ về tư duy sửa đổi pháp luật nhanh chóng để cập nhật theo bối cảnh thực tiễn, Thủ tướng nhấn mạnh, việc xây dựng và sửa đổi pháp luật được thực hiện trên cơ sở tổng kết thực tiễn và nhận thức trong hiện tại, khi nhận thức thay đổi, có vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn thì việc tiếp tục sửa đổi pháp luật cho phù hợp là cần thiết.
Cho rằng quy định hiện hành rõ ràng đang có vướng mắc, nên doanh nghiệp nhà nước không đầu tư được nhiều, Thủ tướng đề nghị, những gì đã chín đã, rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì đưa vào luật, những gì còn đang biến động, chưa ổn định thì giao Chính phủ quy định, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội. Từ đó, phát huy được nguồn lực từ hàng triệu tỷ đồng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, các doanh nghiệp Nhà nước tăng cường đầu tư và chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Đảng, Nhà nước và nhân dân.
“Trí tuệ nhân tạo bây giờ khác lắm, và rõ ràng ta thấy đời thực như thế nào thì đời ảo như thế”, Thủ tướng nói và đặt vấn đề, thực tế Việt Nam vẫn giao dịch tiền Bitcoin, tại sao không đưa vào quản lý?
Theo Thủ tướng, muốn phát triển cần có chính sách ưu đãi. Thủ tướng cho rằng, “muốn chạy nhanh, chạy xa, muốn đi trước đón đầu, phải đi vào các công nghệ mới này”. Bên cạnh các động lực tăng trưởng truyền thống (là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), ngoài việc làm mới các động lực này thì phải thúc đẩy những động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ.
Để thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tri thức, phát triển lĩnh vực chip bán dẫn, cần có những ưu đãi đặc biệt về đất đai, nguồn cung cấp nước sạch, điện năng, cơ sở hạ tầng và tài chính… Trong đó, ưu đãi về tài chính là một cách thức thu hút nhà đầu tư, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của thế giới mở rộng hoạt động sản xuất chip tại Việt Nam, tạo cơ hội tiếp cận và chuyển giao công nghệ.
Cùng với ưu đãi, cần có những hỗ trợ phù hợp để tận dụng tốt ưu thế địa lý, đảm bảo sức thuyết phục với các nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn. Đồng thời, việc thu hút doanh nghiệp lớn phải tính toán kỹ lưỡng lợi ích quốc gia trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Phải lấy lợi ích tổng thể, lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết.
Đang đi đúng hướng các trọng tâm về chuyển đổi số
Ngày 12/10/2024, phát biểu tại chương trình chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024 (ngày 10/10), Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số cho biết, chúng ta đang đi đúng hướng với các trọng tâm về thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển hạ tầng. “Trong đó, chuyển đổi số, như chúng ta đã và đang làm, đã mang lại lợi ích rất rõ cho đất nước, cho người dân”, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ.
Theo Thủ tướng, nếu làm tốt công tác chuyển đổi số, xếp hạng của Việt Nam về chuyển đổi số trên thế giới sẽ được tăng lên, góp phần xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia, qua đó thúc đẩy xúc tiến, thu hút đầu tư tốt nhất.
“Chúng ta đi sau về chuyển đổi số nên phải có tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên”, Thủ tướng nói và nêu rõ ba đột phá trong chuyển đổi số là thể chế số, hạ tầng số và con người số.
Thủ tướng lưu ý điều này đòi hỏi sự vào cuộc tích cực, nhất là người đứng đầu của các cấp, các ngành; đồng thời không được để thiếu điện, thiếu sóng viễn thông, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.