Đại học Kỹ thuật Xây dựng Bucharest tiền thân là "Trường Khảo sát Đất đai" được thành lập năm 1818 và "Trường Cầu, Đường và Mỏ" được thành lập năm 1867; được hợp nhất thành Viện Kỹ thuật Dân dụng Bucharest vào năm 1948; sau đó đổi tên như hiện nay vào năm 1994.

Thủ tướng từng học Khoa Xây dựng dân dụng-công nghiệp, chuyên ngành kết cấu thép; làm Bí thư Ban Chấp hành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh toàn Romania và Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Romania.

W-img-4059-1.jpg
Hiệu trưởng nhà trường đón Thủ tướng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến thăm phòng thí nghiệm thủy lực, thăm khu ký túc xá của sinh viên quốc tế; ghi lưu bút và nhận bằng kỷ niệm (bản sao luận văn, bảng điểm tổng hợp… của Thủ tướng khi theo học) từ lãnh đạo nhà trường.

Tiến sĩ Radu Sorin Văcăreanu - Hiệu trưởng nhà trường đã giới thiệu sơ bộ về trường và sự hợp tác trong lĩnh vực giáo dục giữa Việt Nam và Romania. Giai đoạn 1970-1980, trường đã đào tạo cho Việt Nam khoảng 1.000 lưu học sinh. Từ năm 2008 đến nay, có 5 du học sinh gồm 1 tiến sĩ, 4 cử nhân theo diện học bổng Hiệp định giữa hai Chính phủ.

"Trường rất tự hào khi có cựu sinh viên xuất sắc là Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính. Chúng tôi tin tưởng chuyến thăm của Thủ tướng sẽ góp phần đáng kể vào củng cố quan hệ Romania và Việt Nam", Tiến sĩ Radu Sorin Văcăreanu - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

W-img-3846-1.jpg
Thủ tướng nhận bằng kỷ niệm (bản sao luận văn, bảng điểm tổng hợp… của Thủ tướng khi theo học) từ lãnh đạo nhà trường.

Tiến sĩ Radu Sorin Văcăreanu cũng kể lại kỷ niệm khi từng có thời gian giảng dạy tại Đại học Thuỷ Lợi Việt Nam, ấn tượng về giảng viên, sinh viên của trường vì sự hiếu khách; sự phát triển nhanh chóng của Hà Nội.

"Tôi quý trọng những người Việt Nam, đã in sâu vào tâm trí tôi tạo thành kỷ niệm đẹp mà tôi rất trân trọng trong sự nghiệp giáo dục", Tiến sĩ Radu Sorin Văcăreanu nói.

Hiệu trưởng Đại học Kỹ thuật Xây dựng Bucharest cảm ơn Thủ tướng Phạm Minh Chính dù thời gian eo hẹp nhưng đã về thăm lại trường xưa. Nhà trường cũng đã tìm được trong kho lưu trữ các bản luận văn, bảng điểm tổng hợp của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Và nhân chuyến thăm này lãnh đạo trường đã trao lại bản sao cho Thủ tướng.

Về phần mình, trong suốt cuộc nói chuyện, chia sẻ với cán bộ, giảng viên, sinh viên của trường, Thủ tướng Phạm Minh Chính đôi lần giọng nghẹn lại xúc động khi nói về quãng thời gian học tập trên giảng đường đại học.

Thủ tướng cho biết, lần nào tới Romania, ông cũng quay trở lại thăm trường, dù thời gian ít hay nhiều.

Thủ tướng bày tỏ lòng biết ơn các thế hệ giảng viên đã tận tâm chỉ dạy, truyền đạt tri thức và những giá trị cao đẹp cho các sinh viên; đồng thời gửi lời cảm ơn đến những người bạn đã đồng hành, hỗ trợ với sự gắn kết đặc biệt; trân trọng những kỷ niệm tươi đẹp không thể quên.

Thủ tướng chia sẻ sự tự hào khi chứng kiến những bước phát triển mạnh mẽ cả về cơ sở vật chất, mô hình đào tạo hiện đại, sự đổi mới về giảng dạy và nghiên cứu, những thành tựu đạt được của trường trong nhiều năm qua. Đồng thời, chúc và tin tưởng trường sẽ giành được những kết quả to lớn hơn nữa.

Thủ tướng nhấn mạnh luôn tự hào là sinh viên của Đại học Kỹ thuật Xây dựng Bucharest và hãy cùng nhau góp phần để tình hữu nghị, hợp tác Việt Nam-Romania ngày càng đơm hoa, kết trái.

"Với tôi, Đại học Kỹ thuật Xây dựng Bucharest là một phần cuộc sống của mình", Thủ tướng nói.

W-8a1897753c21967fcf30-1.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khi tới thăm trường Đại học Kỹ thuật Xây dựng Bucharest.

Nói về quan hệ hai nước, Thủ tướng cho biết, Romania là một trong 10 nước đầu tiên trên thế giới công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Romania là một trong những quốc gia đầu tiên ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và giúp Việt Nam xây dựng, phát triển kinh tế.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thăm chính thức Romania vào năm 1957. Thủ tướng cho biết, khi đó Nhà nước và nhân dân Romania đón tiếp Bác Hồ rất nồng hậu, chân tình.

Việt Nam đánh giá cao sự ủng hộ, giúp đỡ về cơ sở vật chất, kỹ thuật, đào tạo nhân lực cho Việt Nam. Trong đó Romania đã giúp Việt Nam xây dựng Nhà máy Xi măng Hải Phòng, Mỏ apatit Lào Cai, một số mỏ than ở Quảng Ninh; giúp nhiều thiết bị công nghiệp, nông nghiệp, quốc phòng…

Sau khi Romania thay đổi thể chế chính trị (tháng 12/1989), hai nước tiếp tục quan hệ hữu nghị truyền thống trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi.

Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam không bao giờ quên sự hỗ trợ, giúp đỡ chí tình, chí nghĩa, hợp tác chặt chẽ của Romania trong rất nhiều lĩnh vực suốt gần 75 năm qua.

W-img-4125-1.jpg
Thủ tướng và phu nhân thăm phòng sinh hoạt của sinh viên Việt Nam học tập tại trường và khu ký túc xá sinh viên quốc tế.

Về hợp tác giáo dục đào tạo, Thủ tướng cho biết, trong giai đoạn 1960-1989, Romania đào tạo khoảng 100-200 lưu học sinh Việt Nam hằng năm. Năm 2003, hai bên ký kết Thỏa thuận hợp tác giáo dục, triển khai từ năm học 2004-2005. Năm 2023 hai bên ký Chương trình hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022- 2026. Số lưu học sinh đi học diện Hiệp định từ 2004-2023 là 139 người, gồm 31 tiến sĩ, 32 thạc sĩ, 76 đại học…

Tính đến nay, Romania đã đào tạo khoảng 4.000 sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam, trong đó nhiều người đã trở thành nhà khoa học, giáo sư, tiến sĩ đầu ngành trên các lĩnh vực và nhiều người là Bộ trưởng, Thứ trưởng…

Thủ tướng trân trọng cảm ơn và mong Romania tiếp tục quan tâm, cấp nhiều học bổng hơn nữa cho sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam.

Thủ tướng khẳng định dù công tác trên cương vị nào cũng luôn hết lòng chung tay vun đắp cho mối quan hệ hai nước ngày càng phát triển, hướng tới mục tiêu hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững.

Kết thúc chia sẻ, Thủ tướng dẫn lại câu ngạn ngữ của Romania "Orice sa fie nou, dar prietenul vechi" - Tất cả mọi thứ có thể qua đi nhưng tình bạn luôn luôn ở lại.

Trần Thường (từ Đại học Kỹ thuật Xây dựng Bucharest, Romania)