Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành Kế hoạch và Đầu tư ngày 4/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhắc lại nhận định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan tổng tham mưu có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng".

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã bám sát, nắm chắc tình hình trong và ngoài nước để thực hiện vai trò của cơ quan tổng hợp tham mưu cấp chiến lược, cơ quan đầu mối, điều phối điều hành kinh tế vĩ mô, có sản phẩm cụ thể, hiệu quả lượng hóa được.

Trong đó, một dấu ấn là trình cấp có thẩm quyền ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội có quy mô 347.000 tỷ đồng, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đất nước, với 4 lĩnh vực trọng tâm mà thực tế khẳng định là đúng và trúng: An sinh xã hội, y tế, hạ tầng và hỗ trợ doanh nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (Ảnh: Chinhphu.vn)

Bộ làm tốt hơn công tác tham mưu, hoàn thiện thể chế liên kết vùng, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tổng kết, phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ ngành, báo cáo Bộ Chính trị, Chính phủ ban hành các nghị quyết về phát triển vùng (Tây Nguyên và Đông Nam Bộ), Chương trình hành động của Chính phủ về định hướng, giải pháp phát triển 6 vùng kinh tế - xã hội; đồng thời tích cực xây dựng quy hoạch 6 vùng này...

Bộ đã tham mưu trình cấp có thẩm quyền cắt giảm gần 5.000 dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn; đồng thời định hướng đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, manh mún, kéo dài, kém hiệu quả; đẩy mạnh các hoạt động hợp tác công - tư.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng nêu rõ, công tác của ngành kế hoạch, đầu tư và thống kê vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Thủ tướng yêu cầu làm tốt hơn nữa công tác tham mưu chiến lược, phản ứng chính sách; sử dụng hiệu quả nguồn lực nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển...

Thủ tướng yêu cầu Bộ tiếp tục nỗ lực hơn trong công tác tham mưu chiến lược, điều hành kế hoạch, điều phối kinh tế vĩ mô, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội...

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình khu vực và thế giới; nhận diện rõ thời cơ, thách thức; tăng cường công tác dự báo, cảnh báo, chủ động xây dựng kịch bản để kịp thời tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp trong chỉ đạo, điều hành.

Thủ tướng nhắc lại yêu cầu góp phần xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế thực chất, sâu rộng, hiệu quả. Đây cũng là nhiệm vụ được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 3/1.

Thủ tướng phân tích, qua các cuộc khủng hoảng, các khó khăn, thách thức, chúng ta ngày càng nhận thức rõ hơn yêu cầu xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ là hết sức quan trọng; có nền kinh tế độc lập, tự chủ thì mới có điều kiện để giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Mặt khác, Việt Nam đang chuyển trạng thái trong quan hệ hợp tác với các nước, các đối tác, từ giai đoạn các đối tác chủ yếu là hỗ trợ Việt Nam vượt qua khó khăn, xóa đói, giảm nghèo, sang giai đoạn hợp tác bình đẳng, hai bên cùng có lợi.

Thủ tướng lưu ý, với nguồn vượt thu năm 2022 là 392.000 tỷ đồng, cần ưu tiên xử lý các vấn đề cấp bách, đột xuất, bất ngờ và đầu tư hạ tầng giao thông chiến lược. Nguồn lực này để thực hiện bằng được mục tiêu của Đại hội XIII của Đảng là tới năm 2025, cả nước có 3.000km cao tốc và tới năm 2030 có 5.000km cao tốc để tạo không gian, động lực phát triển mới cho đất nước, làm "ra tấm ra món", dứt khoát không dàn trải, manh mún, kéo dài.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã làm tốt công tác quản lý nhà nước về kế hoạch, đầu tư và thống kê; thường xuyên cập nhật, dự báo tình hình, xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế; tập trung tham mưu tổng hợp về xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp lớn…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Năm 2022 có thể nói là năm thay đổi về mặt tư duy và nhận thức, chuyển từ công tác phân bổ kế hoạch sang công tác xây dựng cơ chế, thể chế, chính sách pháp luật; từ trạng thái thực hiện sang trạng thái tham mưu, kiến tạo sự phát triển.

Trong năm, Bộ đã dành phần lớn thời gian tập trung vào nhiệm vụ tổng hợp, nghiên cứu cơ chế, chính sách và tham gia xây dựng văn bản pháp luật. Cụ thể, chủ trì xây dựng 3 Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển cho địa phương gồm: Cần Thơ, Khánh Hòa, thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk)…

Tăng trưởng GDP cao nhất kể từ 2007Kể từ năm 2007 đến nay, nền kinh tế Việt Nam chưa bao giờ cán đích với mức tăng trưởng GDP 8%. Năm 2022 đánh dấu lần đầu tiên sau 15 năm mức tăng trưởng 8% được nhắc đến.