Trong khi đó, cải cách môi trường kinh doanh hiện nay lại suy giảm, các điều kiện kinh doanh đã bị cắt bỏ nay đang quay trở lại, cùng với đó là “đẻ” thêm những điều kiện kinh doanh mới.

Báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2022 (PCI) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong năm 2023 và 2024 là 35%, chỉ tăng 1% so với 2021. 

Trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp dự định giảm quy mô kinh doanh hoặc đóng cửa là 10,7%, một con số khá cao kể từ năm 2019. Tốc độ tăng trưởng và hiệu quả kinh doanh của khối doanh nghiệp tư nhân đang suy giảm, thấp hơn so với giai đoạn 2016-2020.

Môi trường kinh doanh xấu đi chính là nguyên nhân khiến cho doanh nghiệp tư nhân teo tóp. Các doanh nghiệp cho biết, một trong những vướng mắc lớn hiện nay là phải chịu rất nhiều áp lực bởi các quy định thiếu đồng bộ, thống nhất. Các quy định thay đổi thường xuyên và chồng chéo khiến doanh nghiệp muốn hoạt động ổn định cũng rất khó. 

Chẳng hạn, chỉ một quy định kiểm soát chặt về vấn đề phòng cháy, chữa cháy đã khiến cho hàng loạt doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực điêu đứng, thậm chí ngừng hoạt động thời gian qua.

lao dong.jpeg
Cải cách môi trường kinh doanh 2023 đang suy giảm. 

Mấy năm nay Chính phủ đã nỗ lực cải thiện, cải tiến rất nhiều để giảm các điều kiện kinh doanh và các loại kinh doanh có điều kiện, nhưng bây giờ, thông qua các văn bản của các bộ, ngành, các địa phương đã phát sinh ra hàng ngàn thủ tục mới. 

Đây là một vấn đề rất lớn hiện nay, nó làm cản trở và làm ách tắc tất cả các hoạt động của nền kinh tế. Trong khi đó, khảo sát của VCCI cho thấy, khả năng dự đoán sự thay đổi chính sách của các doanh nghiệp, có xu hướng giảm liên tục. Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết thường xuyên dự đoán được sự thay đổi chính sách giảm từ mức 14,29% vào năm 2013 xuống còn dưới 5% hiện nay. Sự suy giảm khả năng dự đoán chính sách là xu hướng nhất quán trong gần 10 năm qua. 

Đây là một thực tế rất đáng quan ngại về môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Lý do là các chính sách, quy định pháp luật của Việt Nam thường thay đổi bất ngờ, diễn ra quá nhanh trong thời gian ngắn, khiến doanh nghiệp không thể dự đoán được. Trong khi đó, doanh nghiệp cần những chính sách ổn định lâu dài, minh bạch, dễ dự báo, áp dụng nhất quán để yên tâm sản xuất kinh doanh.

Do đó, quan trọng nhất là môi trường kinh doanh minh bạch, thể chế rõ ràng. 

Khó khăn lớn nữa là cán bộ các cấp sợ, né tránh, đùn đẩy và lẩn tránh không làm. Các thủ tục đầu tư hiện nay hoặc phải mất độ 2 năm mới giải quyết được một vấn đề. Môi trường kinh doanh xấu đi, nhưng tinh thần giải quyết công việc của cán bộ các cấp không có, khiến cho các doanh nghiệp không thể làm được và rủi ro tăng cao, dẫn đến co cụm lại.

Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành khi ban hành các văn bản pháp luật mới hoặc sửa đổi, bổ sung không được đặt thêm các rào cản, không đi ngược lại những cải cách đã có, gây khó khăn, tốn kém cho doanh nghiệp. Tập trung và dành nguồn lực, để hoá giải sự kháng cự lại xu thế cải cách, cũng như các nỗ lực đang nhen nhóm phục hồi những công cụ quản lý đã lỗi thời, những quyền lợi, lợi ích đã bị triệt tiêu trong quá trình cải cách trước.

Muốn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng GDP nhanh hơn, bền vững hơn, không còn cách nào khác, phải tập trung cải cách thị trường. 

Chính phủ cần chú trọng đến cải cách thực chất ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh. Đơn giản hoá, tạo sự minh bạch về thủ tục hành chính, duy trì sự ổn định của chính sách. Khắc phục bất cập do mâu thuẫn, chồng chéo trong quy định pháp luật. Thực hiện hiệu quả các hoạt động đối thoại với doanh nghiệp. Bám sát các chỉ số quốc tế có uy tín để nhận diện khoảng cách, vấn đề và tạo áp lực, động lực cải cách. Huy động sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp vào xây dựng chính sách và thường xuyên thực hiện các đánh giá độc lập.

Không hình sự hoá quan hệ kinh tế - dân sự. Quản lý, điều tiết thị trường bằng các giải pháp thị trường, không bằng mệnh lệnh hành chính, thay đổi luật pháp theo lối “giật cục”, khó đoán định, làm đứt gãy hoạt động bình thường của thị trường. Cùng với đó là phải hoá giải các nỗi sợ của công chức Nhà nước, nhất là ở địa phương, bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm.

Cải cách môi trường kinh doanh là yếu tố giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng, thậm chí có ý nghĩa nhiều hơn so với các gói hỗ trợ. Việc cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, sẽ giúp giảm thiểu chi phí, là một nhân tố quan trọng để doanh nghiệp phục hồi. 

Huy Linh và nhóm PV, BTV