Chủ trương trồng cây mắc ca là chủ trương lớn, phải nghiêm túc với dân chứ không thể mạnh ai nấy nói. 

LTS:  Có lẽ, trong số các chủ trương phát triển trồng trọt từ trước đến nay ít có loại cây nào tạo ra tranh luận đa chiều, sôi nổi như cây mắc ca – một cây trồng mới được Chính phủ chủ trương mở rộng mạnh mẽ, triển khai ráo riết và cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Người chủ trương và ủng hộ mệnh danh mắc ca là “nữ hoàng” của các loại hạt, người do dự cũng không ít lý do để mà cảnh báo. Xin giới thiệu thêm góc nhìn của ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, để bạn đọc trao đổi.

Mấy tháng nay trên báo giấy, phát thanh truyền hình và trên các trang mạng điện tử rầm rộ thông tin về chủ trương trồng cây Mắc ca - "Cây tỷ đô" hay có báo mỹ miều gọi là "nữ hoàng tỷ đô".

Mới đây nhất, các báo lớn như Tuổi Trẻ, Lao Động đăng phát biểu của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát và các sếp ngân hàng, GĐ dự án Mắc ca Lâm Đồng khẳng định rằng nông dân sẽ không biết nghe và làm gì với một loại cây trồng lạ hoắc này, nếu báo đài cứ tiếp tục  những thông tin có tính "đồn thổi".

{keywords}
Một vườn mắc ca tại Tuy Đức, Đắk Nông

Sở dĩ nói đồn thổi là vì kế hoạc ôm đồm của dự án này. Người ta dự kiến sẽ chuyển dịch một diện tích đất trên 200 ngàn ha sang một loại cây trồng mới mà không hề đưa ra qui hoạch, kế hoạch, đặc biệt không có luận chứng kinh tế kỹ thuật nào đủ thuyết phục, xong ai cũng phát ngôn thổi phồng giá trị loại cây này, khiến dân biết tin ai?  Một dự án kinh tế có giá trị 22.000 tỷ đồng, sử dụng 220.000 ha đất nhưng cách làm thật chẳng giống ai.

Đại diện ngân hàng nói: "Trồng mắc ca 2 năm là cho bói, sau 4 năm trả hết vốn gốc và lãi vay. Chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ”. Thật là dễ ăn hơn phong trào trồng "Khoai lang bồ" những năm 1978 - 1979!  Sếp nhà băng còn khẳng định: "Chúng tôi không quăng tiền qua cửa sổ".

Dĩ nhiên, ông ngân hàng không quăng tiền nhưng dân là người phải trả nợ. Nếu không trả được, mất tiền thì tiền đó cũng không phải tiền túi của riêng ai. Còn đề cập tới trách nhiệm thì rõ ràng rất nhiều món đưa ra cho vay nay đã trở thành nợ khó đòi.  Bài học nhãn tiền là các vụ đầu tư cho cao su, cà phê các tỉnh phía Bắc nhiều năm qua.

Một phát ngôn khác "choáng" hơn, đó là của GĐ dự án, với các lập luận như: "Cây mắc ca đã trồng thử nghiệm cách đây hơn 10 năm tại Lâm Đồng - "Thủ phủ cây mắc ca thế giới"(!) và nông dân đã tăng thu nhập đáng kể nhờ vào cây trồng này".

Từng là người theo dõi đời sống nông nghiệp lâu năm, tôi xin đặt ra những câu hỏi như: Ai trồng? Diện tích bao nhiêu mà gọi là thủ phủ? Thị trường nào? Lợi nhuận bao nhiêu? Chưa trồng mà muốn "nhất thế giới" , phải chăng vẫn là bệnh nặng ở ta.

Nhân chuyện thông tin "bất nhất" về loại cây này, tôi liên tưởng đến dạo trước xem phóng sự trên truyền hình về trồng Cao su ở miền ngoài. Bà con dân tộc trả lời phỏng vấn nói là nhờ có dự án này mà bà con có việc làm, đời sống được cải thiện, lương 3-4 triệu đồng/tháng. Trong khi trên màn hình hiện ra hình ảnh cây Cao su cao mới cao lên khỏi đầu người. Rồi nhà đài kết luận: "Trồng Cao su ở vùng này rất hiệu quả"! Cách thông tin như vậy, liệu thuyết phục được ai?

Tở lại với cây mắc ca, chỉ có một điều giúp tôi an ủi là Bộ trưởng Bộ NN&PTNT chia sẻ trên báo Lao động (ngày 6/4): “Trước mắt ta nên trồng mắc ca ở những nơi đã khảo nghiệm thành công. Trồng 10.000 ha cho đến năm 2020. Chúng ta không nên mở rộng diện tích ồ ạt, cần phải có nghiên cứu đánh gía kết quả, trên cơ sở đó có thể điều chỉnh hợp lý”.

Bước đi thận trọng nói trên cần được chia sẻ để nông dân thấu hiểu, thay vì thói quen lâu nay, cứ hễ nghe "báo đài nói" là tin và làm theo, thậm chí nghe đồn vu vơ cũng làm không hề có kiểm chứng. 

Kinh qua nhiều giai đoạn thăng trầm, chứng kiến không ít phong trào ban đầu rầm rộ mà rồi về sau hậu quả nông dân lãnh chịu nên tôi rất lo.

Trồng cây mắc ca là chủ trương lớn, phải nghiêm túc với dân chứ không thể mạnh ai nấy nói  để rồi dân không biết tin ai. Trong số những người quảng bá (hay quảng cáo) không loại trừ kẻ cơ hội lừa bán giống. Mà giống có rẻ đâu. Đừng làm nông dân khổ thêm!

 

Theo quy hoạch đến năm 2020 sẽ có 200.000 ha trồng mắc ca tại Tây Nguyên và 30.000 ha tại Tây Bắc. Dự kiến đến năm 2025 tổng sản lượng hạt mắc ca của Việt Nam đạt 200.000 tấn hạt. Mục tiêu này là quá cao nếu lưu ý rằng sau mấy chục năm phát triển, đến nay cả thế giới mới có 80.000 ha cây mắc ca. Mặt khác cũng chưa lý giải được thỏa đáng tại sao ở những nơi xuất xứ và thuận lợi cho mắc- ca lại có công nghệ cao như Úc, Nam Phi, Mỹ, Guatemala mà họ không mở rộng diện tích nhanh chóng.

Việt Nam chưa có nhiều chuyên gia về cây mắc ca, còn chuyên gia về sản phẩm mắc ca thì gần như chưa có. Trong khi đó thì nhiều ý kiến khác (chủ yếu là người không nghiên cứu) lại khuyến nghị mở rộng một cách thái quá rất dễ gây ấn tượng mắc ca là một huyền thoại. Một số ngân hàng lớn nhanh chóng hưởng ứng, cam kết đầu tư hàng chục ngàn tỉ đồng, có vị lãnh đạo ngân hàng nói “sẽ không chỉ bàn mà làm luôn”, vị khác quyết tâm: “Không ai làm thì tôi cũng tự trồng”. Phải chăng cứ có tiền là trồng được? (GS. TS  Nguyễn Tử Siêm - Nguyên Cục trưởng Cục khuyến nông và khuyến lâm, Bộ NN&PTNT - Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn).

  • Nguyễn Minh Nhị