Đây là một trong những quy định mới của dự án luật viễn thông (sửa đổi) đang được lấy ý kiến và chuẩn bị trình Quốc hội thông qua.

avalong.jpg
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Lê Mỹ.

Sáng ngày 5/10 tại TP.HCM, Thường trực Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (UBKHCN&MT) Quốc hội phối hợp với Bộ TT&TT đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện dự án luật viễn thông (sửa đổi), tham dự có ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ TT&TT, ông Nguyễn Phương Tuấn, Phó Chủ nhiệm UBKHCN&MT Quốc hội.

Nhiều quy định mới về nghĩa vụ của doanh nghiệp viễn thông và người sử dụng

Một trong những nội dung mới của dự án luật viễn thông (sửa đổi) lấy ý kiến lần này là bổ sung thêm các quy định về việc ngăn chặn SIM rác, cuộc gọi rác, tin nhắn rác, cuộc gọi lừa đảo. Đồng thời, bổ sung nhiều quy định về nghĩa vụ của doanh nghiệp viễn thông và người sử dụng.

Cụ thể, doanh nghiệp viễn thông phải có nghĩa vụ: Xác thực, lưu giữ, quản lý thông tin thuê bao, đảm bảo trùng khớp với giấy tờ khi giao kết hợp đồng; Có biện pháp để người dùng kiểm tra thông tin thuê bao, danh sách các số thuê bao đang sử dụng; Ngăn chặn, xử lý SIM rác, tin nhắn, cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo, cuộc gọi giả mạo số; Triển khai sử dụng tên định danh đối với cuộc gọi, tin nhắn của thuê bao viễn thông; Đình chỉ dịch vụ thuê bao đang sử dụng SIM vi phạm pháp luật, tuỳ theo mức độ sử dụng.

Còn người sử dụng dịch vụ viễn thông có nghĩa vụ: Thông báo cho doanh nghiệp viễn thông để ngừng dịch vụ nếu không còn nhu cầu sử dụng số thuê bao đã đăng ký; Không sử dụng SIM thuê bao di động không do mình đăng ký, trừ trường hợp đăng ký cho con dưới 14 tuổi, người thuộc quyền giám hộ, cho thiết bị và trường hợp khác theo quy định của Chính phủ.

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long, việc bổ sung rất nhiều trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông và khách hàng nhằm giải quyết triệt để các vấn đề SIM rác, cuộc gọi rác, tin nhắn rác, cuộc gọi lừa đảo. Chẳng hạn, hiện nay, vẫn có tình trạng sinh viên ra đăng ký SIM rồi đem bán, thông tin lúc này đối chiếu chính xác 100%, nhưng mà không phải người dùng chính, nên giờ đưa ra quy định hành vi đó là vi phạm pháp luật. Vì thế, khách hàng không sử dụng SIM nữa phải báo cáo lại nhà mạng ngừng dịch vụ, chứ không phải SIM mua xong không dùng thì vất đi, người khác lấy dùng.

Quản lý “nhẹ” (light-touch regulation) các dịch vụ OTT, điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu

Theo ông Nguyễn Phương Tuấn, Phó Chủ nhiệm UBKHCN&MT Quốc hội, trong đợt lấy ý kiến tháng 8/2023, Quốc hội cơ bản thống nhất đưa 3 nội dung quản lý OTT, điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu vào điều 28 và 29 của Luật để điều chỉnh, phương thức quản lý 3 loại hình dịch vụ này, thường vụ Quốc hội đồng ý theo hướng quản lý “nhẹ” (light-touch regulation).

Tại buổi lấy ý kiến sáng ngày 5/10, đại diện USABC (Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ - ASEAN), cho rằng, việc áp dụng quản lý “nhẹ” với các dịch vụ này là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, đại diện USABC mong muốn luật cần ghi rõ ràng, các hình thức dịch vụ viễn thông này chỉ quản lý gói gọn trong điều 28 và 29, để tránh trường hợp chồng chéo với các quy định của dịch vụ viễn thông khác.

Trả lời vấn đề này, đại diện Vụ pháp chế Bộ TT&TT cho biết, hiện sau khi tiếp thu các ý kiến của các tổ chức quốc tế, dự án luật viễn thông (sửa đổi) đã thiết kế riêng một mục liên quan đến các dịch vụ mới này, trong đó quy định rõ nghĩa vụ phải thực hiện, đều gói gọn trong điều 28 và 29. Các hình thức quản lý được đưa ra cũng rất đơn giản, chỉ là đăng ký và thông báo, hình thức đăng ký doanh nghiệp xác nhận thêm một số thông tin kê khai để cơ quan chức năng có sự kiểm soát nhất định đối với việc cung cấp dịch vụ.

Với các dịch vụ này, Thứ trưởng Bộ TT&TT cũng nhấn mạnh, đây là 3 dịch vụ mới và Bộ TT&TT đi tiên phong khi thế giới có khoảng 27 nước đưa vào quản lý dịch vụ OTT. Bộ TT&TT sẽ rà soát và làm rõ hơn, xem xét loại trừ các điều chồng chéo làm doanh nghiệp băn khoăn và cố gắng xử lý minh bạch tường minh để luật rõ ràng và dễ hiểu nhất. Bộ TT&TT vẫn kiên định trong việc quản lý 3 hình thức mới này trong một số vấn đề liên quan đến an toàn, an ninh thông tin, nhưng sẽ quản lý trên tinh thần mở.

img 2687.jpg
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh:  Lê Mỹ

Mạng di động ảo phải đảm bảo chất lượng theo quy chuẩn

Liên quan đến ý kiến góp ý của đại diện MobiCast tại hội thảo về mạng di động ảo, khi vị đại diện này cho rằng, mạng di động ảo không có hạ tầng mạng nên chỉ công bố chất lượng kĩ thuật chứ không có nghĩa vụ trong việc đảm bảo chất lượng hạ tầng mạng. Đồng thời, mạng di động ảo thì thông tin khách hàng nằm trên hệ thống hạ tầng mạng của doanh nghiệp chủ, chính vì thế yêu cầu mạng di động ảo cung cấp thông tin khách hàng ở đây sẽ có sự chồng chéo.

Trả lời vấn đề này, đại diện Cục Viễn thông, Bộ TT&TT cho biết, về chất lượng dịch vụ viễn thông, tất cả các doanh nghiệp viễn thông đều phải đảm bảo chất lượng dịch vụ theo quy chuẩn, tiêu chuẩn sử dụng dịch vụ của Bộ TT&TT, không phân biệt doanh nghiệp có hạ tầng hay không hạ tầng và hiện nay Bộ TT&TT cũng yêu cầu các doanh nghiệp phải từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ. Về cơ sở dữ liệu thông tin khách hàng đối với mạng di động ảo, khi đã kinh doanh dịch vụ thì phải xây dựng và trong hợp đồng với mạng chủ phải ghi rõ để quản lý được cơ sở dữ liệu, nhằm quản lý và cung cấp các thông tin cho cơ quan chức năng Nhà nước có thẩm quyền khi được yêu cầu.

Cũng liên quan đến thắc mắc của đại diện MobiCast trong việc đấu giá kho số hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn và chưa thể thực hiện được, doanh nghiệp kiến nghị nhiều chưa được giải quyết, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cho biết, số điện thoại là loại tài nguyên đặc biệt, nhưng hiện nay chưa có quy định cụ thể về việc đấu giá tài nguyên này, nên bắt buộc phải theo quy định 16 về đấu giá hiện tại. Các văn bản hướng dẫn đã có, tuy nhiên, hiện chưa có sở cứ nào để đưa ra mức giá, bởi theo chi phí hình thành nên sản phẩm này cũng không làm được, theo doanh thu cũng không làm được. Bộ TT&TT tham khảo so sánh các mẫu để làm, thông tư Bộ Tài chính có nhiều mẫu, nhưng không tìm được mẫu nào để tham chiếu, không thể nào xác định được giá khởi điểm để tiến hành đấu giá. Đồng thời, hiện không thể biết như thế nào là số có cấu trúc đặc biệt vì thế phương án đưa ra là niêm yết số trên thị trường, sau đó thị trường hay người dân cho rằng số đó là số có cấu trúc đặc biệt thì đem đấu giá, giá khởi điểm là giá xác định trước, rồi tiến hành đấu giá.

Đất phát triển hạ tầng viễn thông sẽ thuộc đối tượng ưu tiên

Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Bình Dương Nguyễn Thị Ngọc Xuân đưa ra câu hỏi về đất xây hạ tầng viễn thông hiện đang theo quy định nào, khi luật đất đai sửa đổi đã bỏ điều khoản đối với các loại đất khác trái luật thì áp dụng theo luật đất đai, điều này có nghĩa đất xây hạ tầng viễn thông hiện nay sẽ phải theo luật xây dựng. Vì thế, theo bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân, dự án luật viễn thông cần có quy định áp dụng rõ là đất cho mục đích viễn thông, để các địa phương tạo điều kiện cho việc phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông và các công trình viễn thông.

Về điều này, đại diện Vụ Pháp chế, Bộ TT&TT cho biết, Bộ TT&TT trong quá trình sửa luật viễn thông, cũng đang có nhiều luật liên quan đến viễn thông sửa đổi như luật nhà ở, luật đất đai và luật đường bộ. Đối với quy định luật đất đai, ban soạn thảo đã làm việc với Bộ TN&MT đưa vào nội dung dự thảo quy định đất phát triển cho hạ tầng viễn thông là một trong những đối tượng được ưu tiên để bố trí cho việc phát triển hạ tầng. Đồng thời, cũng đưa vào luật đất đai, đối với đất xây dựng các công trình viễn thông là đất đa mục đích sử dụng. Vì hiện nay, doanh nghiệp viễn thông đi phát triển hạ tầng, trong nhiều trường hợp như cắm trạm BTS trên các loại đất nông nghiệp, lâm nghiệp với diện tích rất nhỏ, thế nhưng, muốn sử dụng phải đăng ký chuyển đổi mục đích sử dụng, thủ tục rất phức tạp.