Sáng 2/6, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Viễn thông sửa đổi.

Dự thảo luật này gồm 10 chương, 74 điều. 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Luật Viễn thông 2009 có ý nghĩa quan trọng đối với tiến trình phát triển, hội nhập của nền kinh tế nói chung và ngành viễn thông nói riêng, đánh dấu bước phát triển mới của pháp luật về viễn thông ở nước ta, đặc biệt là trước xu thế toàn cầu hóa.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. (Ảnh: QH)

Sau hơn 12 năm áp dụng, Luật Viễn thông và các văn bản hướng dẫn đã tạo hành lang pháp lý thúc đẩy cạnh tranh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia thị trường.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Viễn thông đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, không phù hợp với bối cảnh mới có nhiều thay đổi. Vì thế, phải sửa đổi toàn diện để xây dựng hành lang pháp lý phù hợp với yêu cầu mới và khắc phục các vướng mắc trong công tác thực thi, quản lý Nhà nước.

Hiện nay, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ số, chuyển đổi số đã diễn ra mạnh mẽ với tốc độ chưa từng có trong hơn 10 năm qua, có tác động lớn đến lĩnh vực viễn thông.

Trong xu thế chuyển đổi số, dữ liệu trở thành tài nguyên quan trọng nhất của nền kinh tế số, là đầu vào mới của sản xuất, nên nhiều nước rất coi trọng hạ tầng trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây và đưa ra các chính sách, quy định để quản lý.

Sự hội tụ của viễn thông, công nghệ thông tin và gần đây là hội tụ với công nghệ số, làm mờ đi ranh giới giữa viễn thông và công nghệ thông tin, đặt ra những khó khăn về xây dựng, hoàn thiện thể chế.

Trước đây, cung cấp dịch vụ viễn thông phải có hạ tầng mạng viễn thông. Quản lý doanh nghiệp hạ tầng mạng là quản lý luôn được dịch vụ viễn thông. Nhưng ngày nay, trên Internet có thể cung cấp được các dịch vụ viễn thông (bao gồm cả những dịch vụ viễn thông cơ bản), thậm chí có thể cung cấp dịch vụ viễn thông xuyên biên giới.

Điều này đặt ra bài toán về quản lý các dịch vụ viễn thông trên Internet, quản lý dịch vụ viễn thông xuyên biên giới bảo đảm nguyên tắc quản lý bình đẳng giữa các dịch vụ viễn thông và vấn đề an toàn, an ninh.

Do vậy, việc sửa đổi luật nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước trong hoạt động viễn thông, phát triển hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác tạo nền tảng cho phát triển kinh tế số, xã hội số.

Sửa luật còn nhằm khắc phục những vấn đề vướng mắc về thể chế, lỗ hổng chính sách, bất cập trong các quy định của Luật Viễn thông 2009 và các quy định pháp luật có liên quan đến hoạt động viễn thông gây hạn chế quá trình phát triển.

Bổ sung quy định đối với các nội dung mới, phù hợp với tiến trình phát triển viễn thông, xu thế hội tụ, hình thành hạ tầng số - hạ tầng của nền kinh tế số.

Đáp ứng kịp thời yêu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày báo cáo thẩm tra dự án luật. Cơ quan thẩm tra cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Viễn thông sửa đổi với những lý do như đã nêu trong tờ trình.

“Việc sửa đổi luật sau hơn 13 năm thi hành nhằm đáp ứng kịp thời những yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thực hiện các cam kết quốc tế; góp phần phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong lĩnh vực viễn thông”, đại diện cơ quan thẩm tra khẳng định.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy.

Theo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, việc sửa đổi luật còn nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng hạ tầng số đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số; đồng thời, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các quy định của pháp luật, khắc phục những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện Luật Viễn thông thời gian qua.

Về những vấn đề cụ thể, ông Lê Quang Huy cho biết, đa số ý kiến tán thành với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật đối với các dịch vụ: trung tâm dữ liệu; điện toán đám mây và dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (OTT viễn thông) để phù hợp với xu hướng phát triển của viễn thông trong bối cảnh chuyển đổi số.

Về bảo đảm bí mật thông tin, ông Lê Quang Huy cho hay, có ý kiến cho rằng, quy định tại điểm b khoản 4 Điều 6 dự thảo luật chưa thực sự bảo đảm quyền lợi của người sử dụng dịch vụ. Do đó, đề nghị quy định chặt chẽ hơn việc trao đổi, cung cấp thông tin liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông giữa các doanh nghiệp viễn thông bảo đảm đúng mục đích, ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng cho rằng dịch vụ trung tâm dữ liệu và dịch vụ điện toán đám mây hiện chưa được điều chỉnh đầy đủ bởi các luật hiện hành. Hai dịch vụ này được xem là dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng, do đó cần phải có chế tài quản lý.

Ông Lê Quang Huy cho biết, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhất trí cần phải có sự quản lý của Nhà nước đối với các dịch vụ trên để bảo đảm quyền lợi của người sử dụng dịch vụ, an toàn, an ninh.

Tuy nhiên đề nghị rà soát, làm rõ sự khác biệt về các sản phẩm và dịch vụ được cung cấp giữa dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây và dịch vụ viễn thông.

Những điểm mới của Luật Viễn thông sửa đổi  

- Dự thảo luật quy định các điều kiện cấp phép theo hướng đơn giản hóa thủ tục.

- Hoàn thiện quy định sử dụng tài khoản SIM thuê bao di động để thanh toán cho dịch vụ viễn thông và dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động hợp pháp.

- Bổ sung đối tượng của hoạt động chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông.

- Hoàn thiện quy định tăng cường sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động giữa các doanh nghiệp viễn thông để đảm bảo sử dụng hiệu quả, tiết kiệm chi phí.

(Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng)