Ngày 22/6, trước sự quan tâm, góp ý của các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về Luật Viễn thông sửa đổi, trong phát biểu giải trình và tiếp thu, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, cơ quan soạn thảo đã lắng nghe, tiếp thu đầy đủ và sẽ tiếp tục hoàn thiện dự luật.

Giải trình, làm rõ thêm một số nội dung, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết sẽ đặc biệt quan tâm đến các vấn đề như, cân đối giữa quy định cứng, nguyên tắc của luật và sự linh hoạt ở tầm nghị định đối với những vấn đề mới, công nghệ mới, dịch vụ mới, đang có sự thay đổi nhanh; cân đối giữa quản lý và phát triển, giữa phát triển và bền vững, cũng như hài hoà lợi ích 3 nhà: Nhà dân, nhà cung cấp dịch vụ và Nhà nước; quản lý thì tối thiểu nhưng thực thi thì thật nghiêm minh; vấn đề giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp và chi phí thực thi pháp luật của Nhà nước; vấn đề hội tụ của viễn thông, CNTT và công nghệ số. Với mục tiêu là xây dựng một hạ tầng số dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu làm rõ các vấn đề đại biểu quan tâm. (Ảnh: QH)

Quốc gia nào cũng đặt mục tiêu phổ cập viễn thông, Internet

Nêu ý kiến tại hội trường về Luật Viễn thông sửa đổi, đại biểu Sùng A Lềnh (đoàn Lào Cai) quan tâm đến Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích. Đại biểu cho rằng, cần phân định rõ ràng từng dịch vụ viễn thông công ích, bổ sung quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành tại các địa phương trong việc sử dụng và quản lý quỹ.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích là Quỹ dịch vụ phổ cập. Quốc gia nào thì cũng phải đặt mục tiêu phổ cập viễn thông, phổ cập Internet; phủ sóng vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, nhất là để phát triển kinh tế số, xã hội số.

Nếu Nhà nước nhận lấy trách nhiệm phổ cập bằng ngân sách Nhà nước thì các nhà mạng có xu thế chỉ đầu tư ở những nơi đông dân, có lãi cao, và vì thế, Nhà nước phải đầu tư rất nhiều. Bởi vậy, đa số các quốc gia đều chọn cách yêu cầu nhà mạng phải có trách nhiệm phổ cập. 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, có hai cách để nhà mạng thực hiện việc này. Một là yêu cầu các nhà mạng phải phủ sóng rộng, cách này có khó khăn cho các nhà mạng nhỏ. Cách thứ hai là các nhà mạng đóng góp vào Quỹ phổ cập theo doanh thu, "to đóng nhiều, nhỏ đóng ít", sau đó, Nhà nước dùng quỹ này để phổ cập dịch vụ. Đa số các quốc gia đều theo cách thứ hai này.

Đại biểu Quốc hội Sùng A Lềnh quan tâm đến Quỹ dịch vụ viễn thông công ích.

Ở Việt Nam thì quỹ này cơ bản lại giao cho chính các nhà mạng thực hiện, tức là cơ bản nhà mạng nhận lại tiền đóng góp của mình để phổ cập dịch vụ. Phổ cập 2G xong thì đến 3G, rồi 4G, rồi 5G và tiếp tục không dừng lại. Quỹ đã góp phần tích cực để Việt Nam có vùng phủ sóng rộng, người dân được phổ cập dịch vụ và có điện thoại, vào loại nhóm đầu thế giới. 

Nhưng vừa qua, vận hành của quỹ có một số bất cập, như giải ngân chậm, tồn quỹ. Cần phải điều chỉnh các quy định trong dự thảo Luật theo hướng xác định rõ mục tiêu, cách thức thu, quản lý, sử dụng để quỹ để vận hành tốt hơn thay vì dừng hoạt động quỹ.

Riêng Quỹ dịch vụ phổ cập thì ngoài phủ sóng vùng khó khăn còn hỗ trợ bà con vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo cả thiết bị và chi phí sử dụng dịch vụ ở mức cơ bản. Các chương trình giảm nghèo của Nhà nước đều có dùng quỹ này để hỗ trợ bà con.

Do vậy, Bộ TT&TT đề nghị Quốc hội xem xét tiếp tục cho duy trì quỹ này. Bộ TT&TT sẽ báo cáo Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho đổi tên thành Quỹ dịch vụ phổ cập, và thay đổi một số cơ chế để khắc phục các tồn tại.

Quản lý ở mức tối thiểu, xử phạt nghiêm minh

Nêu ý kiến tại hội trường, đại biểu Vương Quốc Thắng (đoàn Quảng Nam) cho rằng, phạm vi điều chỉnh luật lần này sẽ mở rộng đối với 3 loại dịch vụ mới, đó là trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây và dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet gọi tắt là OTT viễn thông.

Đại biểu đồng tình với việc mở rộng này nhằm điều chỉnh, quản lý kịp thời các dịch vụ ứng dụng mới xuất hiện hoạt động trên nền tảng Internet mà không sử dụng tài nguyên số phụ thuộc vào kết nối viễn thông.

Đại biểu Quốc hội Vương Quốc Thắng, đoàn Quảng Nam.

Tuy nhiên, theo đại biểu đoàn Quảng Nam, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc tính toán thật hợp lý, vì nếu quản lý chặt chẽ quá sẽ ảnh hưởng đến việc khuyến khích dịch vụ mới phát triển và đổi mới sáng tạo.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Vương Quốc Thắng về dịch vụ OTT viễn thông, Bộ trưởng Bộ TT&TT cho biết, đây là các dịch vụ thoại và nhắn tin, giống như dịch vụ viễn thông cơ bản, nhưng được cung cấp bởi công nghệ Internet. Quan điểm của Bộ TT&TT là quản lý dịch vụ không phụ thuộc vào công nghệ. 

Nhưng dịch vụ OTT viễn thông thì không có hạ tầng, người dùng dễ thay đổi nhà cung cấp do thủ tục đăng ký dịch vụ đơn giản, thị trường thì rất cạnh tranh vì nhiều nhà cung cấp, do vậy, quản lý phải ít hơn, phải mềm hơn dịch vụ viễn thông truyền thống.

“Quản lý có giống như dịch vụ viễn thông thì chủ yếu là ở khía cạnh liên quan đến lợi ích công cộng”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Bộ TT&TT nhận thấy nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội là xác đáng, cơ bản là quản lý cần mềm hơn, nhẹ tay hơn, không phát sinh thêm nhiều chi phí tuân thủ cho nhà cung cấp dịch vụ. Do vậy, Bộ TT&TT xin được báo cáo Chính phủ nghiên cứu tiếp thu theo các hướng sau:

Quản lý thì ở mức tối thiểu nhưng xử phạt thì nghiêm minh. Quản lý cơ bản dựa trên những gì mà nhà cung cấp dịch vụ đã có, để tránh phát sinh thêm chi phí tuân thủ. Quản lý sẽ không phân biệt nhà cung cấp dịch vụ lớn hay nhỏ, thu tiền hay không thu tiền, trong nước hay ngoài nước. Vì quản lý đã ở mức tối thiểu thì không cần phân biệt.

Yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ phải minh bạch thông tin với khách hàng: Về giá, về điều kiện hợp đồng, về chất lượng dịch vụ. Yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ bảo mật thông tin của khách hàng, cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra khi có yêu cầu. Khách hàng khi đăng ký sử dụng dịch vụ thì phải cung cấp thông tin, như số điện thoại. Hầu hết các nhà cung cấp dich vụ đã thực hiện việc đăng ký và xác thực thông qua số điện thoại, do vậy, quy định này không làm phát sinh thêm chi phí. Bộ TT&TT sẽ báo cáo Chính phủ cân nhắc giảm nhẹ các điều kiện kinh doanh, từ cấp phép, đăng ký xuống hình thức thông báo. 

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng.

Về trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, loại dịch vụ mới này rồi cũng phải được quản lý ở đâu đó để chính danh, để giải quyết các tranh chấp, các vấn đề phát sinh giữa những doanh nghiệp, để đảm bảo chất lượng với khách hàng, để Nhà nước đảm bảo sự phát triển theo chiến lược, quy hoạch, tiêu chuẩn và quy chuẩn.

Luật Đầu tư đã xác định trung tâm dữ liệu là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Nhưng đến nay chưa có quy định chuyên ngành về điều kiện kinh doanh trung tâm dữ liệu.

“Đưa vào viễn thông để quản lý và tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển là vì hạ tầng viễn thông đã chuyển sang hạ tầng số, là vì trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây cung cấp dịch vụ thông qua mạng viễn thông, giống như dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Tiếp thu ý kiến của nhiều Đại biểu Quốc hội, Bộ T&TT sẽ đề xuất Chính phủ chỉnh lý quy định theo hướng “quản lý mềm”, giống như nhiều quốc gia khác, để tạo ra sự phát triển mạnh mẽ của loại hình hạ tầng và dịch vụ này, nhưng vẫn đảm bảo an toàn, an ninh, bảo vệ quyền lợi người sử dụng.

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, trung tâm dữ liệu có tính hạ tầng, phát triển phải phù hợp với quy hoạch, nên cần đăng ký. Điện toán đám mây là dịch vụ nên chỉ cần thông báo. Các thủ tục đăng ký, thông báo có thể làm trực tuyến, dựa trên cam kết của doanh nghiệp mà không tiền kiểm. Về tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài thì cho phép đến 100%. Các doanh nghiệp trong và ngoài nước đều quản lý như nhau, không bảo hộ ngược.

Hạ tầng viễn thông sẽ tăng gấp bội, nên càng cần chia sẻ

Nêu ý kiến hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) quan tâm đến vấn đề chia sẻ hạ tầng viễn thông. Theo đại biểu, quy định trong dự thảo khá chi tiết, trên cơ sở kế thừa Luật Viễn thông 2009. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo quy định cụ thể hơn các trường hợp được kết nối mạng, chia sẻ hạ tầng.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Tâm quan tâm đến vấn đề chia sẻ hạ tầng viễn thông.

Về phát triển hạ tầng viễn thông, Bộ trưởng Bộ TT&TT cho biết, quan điểm chung ở đây là, hạ tầng viễn thông là hạ tầng thiết yếu, được Nhà nước ưu tiên xây dựng và được Nhà nước bảo vệ. Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp viễn thông triển khai hạ tầng trên đất công, tài sản công. Nhà nước ban hành quy hoạch, quy định, quy chuẩn về sử dụng chung hạ tầng giữa các doanh nghiệp viễn thông, sử dụng chung hạ tầng với các ngành khác, bảo đảm hiệu quả đầu tư và mỹ quan đô thị.

Đặc biệt, khi sang 5G/6G, tần số cao nên phủ sóng hẹp, cần nhiều trạm phát sóng, phục vụ không chỉ con người mà còn là vạn vật, cần dung lượng lớn. Do vậy, hạ tầng sẽ tăng gấp bội, nên sẽ càng cần hơn việc chia sẻ, dùng chung hạ tầng.

Luật Viễn thông sửa đổi quy định rõ ràng hơn về thẩm quyền của Chính phủ, Bộ TT&TT, Bộ Xây dựng và UBND cấp tỉnh về quy hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn và xử lý tranh chấp đối với hạ tầng viễn thông.

Đấu giá tài nguyên viễn thông: Mã đẹp, số đẹp do thị trường quyết định 

Về đấu giá tài nguyên viễn thông, theo Bộ trường Nguyễn Mạnh Hùng, sửa đổi quan trọng nhất là mã đẹp, số đẹp sẽ do thị trường quyết định, không do cơ quan Nhà nước quyết định như trước đây. Giá khởi điểm đấu giá sẽ cố định và không phải thực hiện việc xác định giá khởi điểm, vì số lượng số đẹp là rất nhiều, thế nào là đẹp cũng khác nhau với từng người, rất khó xác định. Mã và số mang ra đấu giá không ai mua thì sẽ cấp trực tiếp cho doanh nghiệp. Với cơ chế mới rõ ràng hơn, dễ làm hơn, minh bạch hơn trong dự thảo Luật sẽ tạo điều kiện cho Chính phủ quy định chi tiết để thực thi hiệu quả.