Hỗ trợ các chủ thể OCOP đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử

Anh Vũ Ngọc Dũng (xã Phù Lãng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) tốt nghiệp Đại học Thương mại và từng làm việc tại nhiều công ty lớn nhỏ ở Hà Nội nhưng quyết định về quê để tiếp nối nghề gốm của gia đình. 

“Năm 2017, trở về tiếp quản xưởng gốm gia đình, tôi thấy công việc quá vất vả, không được sắp xếp khoa học. Việc quản lý đơn đặt hàng được thực hiện theo cách truyền thống, sổ sách chép tay, trao đổi trực tiếp hoặc qua điện thoại với khách hàng. Gia đình tôi không chú trọng quảng bá sản phẩm nên phần lớn khách là do khách cũ giới thiệu. Việc vận chuyển cũng bất cập bởi sản phẩm gốm rất dễ vỡ”, anh Dũng chia sẻ.

Với mong muốn lưu giữ, phát triển sản phẩm gốm cổ truyền quê hương, anh Dũng đã đăng ký tham gia chương trình OCOP của tỉnh Bắc Ninh và được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh hỗ trợ hoàn thiện phân tích chất lượng sản phẩm, lập hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm theo đúng quy định của pháp luật. Anh cũng chuyển việc quản lý sổ sách bằng máy tính, phần mềm. Đồng thời tăng cường quảng bá sản phẩm gốm trên các trang mạng xã hội Zalo, Facebook, Instagram...; đẩy mạnh bán hàng trên các trang trang thương mại điện tử như: Lazada, Shopee, Tiki, Vỏ Sò, Postmart...

“Giờ đây tôi không còn lo lắng về vấn đề vận chuyển khi đã có đơn vị vận chuyển chuyên nghiệp của các sàn thương mại điện tử. Nhờ những thay đổi này mà đơn hàng ngày càng nhiều, gia đình tôi sắp mở rộng xưởng để sản xuất, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân địa phương”, anh nói.

Để gốm cổ truyền ra thị trường, tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử, có sự thúc đẩy tích cực của chương trình OCOP tỉnh Bắc Ninh. Ông Đặng Trần Trung - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, để nâng cao giá trị sản phẩm OCOP, Bắc Ninh đã đẩy mạnh áp dụng công nghệ, chuyển đổi số trong quá trình triển khai chương trình. Trong đó, hiệu quả nhất chính là khâu đưa sản phẩm OCOP ra thị trường tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử.

Tỉnh Bắc Ninh chú trọng công tác xác lập, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiêu biểu, sản phẩm của các làng nghề, làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP

Đa số các chủ thể OCOP ở Bắc Ninh rất năng động; họ tìm hiểu, nghiên cứu rất nhanh và tích cực tham gia nhiều kênh tiêu thụ khác nhau từ hệ thống siêu thị, điểm bán hàng của tỉnh đến các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, từ đó mở ra một kênh tiêu thụ hàng hóa lớn, bảo đảm vấn đề đầu ra, nâng cao giá trị sản phẩm.

Tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm, lắng nghe ý kiến khách hàng

Bắc Ninh hiện đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong thông tin tuyên truyền về chương trình OCOP. Đặc biệt tỉnh đã xây dựng phần mềm quản lý thực hiện chương trình có các tính năng về quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP, số hóa quá trình tiếp nhận hồ sơ, quy trình chấm điểm, phân hạng sản phẩm, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP với các sàn thương mại điện tử, tiếp nhận phản hồi sản phẩm OCOP từ khách hàng tới chủ thể và cơ quan quản lý chương trình OCOP cấp tỉnh.

Sàn thương mại điện tử Bắc Ninh (ecombacninh.vn) hoạt động từ tháng 10/2017 do Trung tâm xúc tiến thương mại (Sở Công thương Bắc Ninh) vận hành, quản lý, chuyên hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tham gia mua bán sản phẩm hàng hóa thông qua môi trường trực tuyến đảm bảo uy tín theo quy định của pháp luật

Chị Đào Ngọc Hương, chủ một nhà trẻ tư thục tại xã Đông Thọ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh cho biết, từ ngày biết đến sàn thương mại điện tử Bắc Ninh chị đều vào chọn mua thực phẩm. 

“Tôi có thể biết rõ thông tin sản phẩm, đơn vị sản xuất, chất lượng, phương thức liên hệ... và sản phẩm được vận chuyển tận nơi giúp tôi tiết kiệm đáng kể thời gian khi không phải ra chợ, siêu thị lựa chọn thực phẩm mỗi ngày. Tôi còn có thể gửi thực đơn cả tuần kèm link sản phẩm cho phụ huynh yên tâm”, chị nói.

Do sản phẩm OCOP được tích hợp vào trong hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản, thực phẩm tỉnh Bắc Ninh (http:://check.bacninh.gov.vn); được cấp tem điện tử thông minh để truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng ứng dụng trên điện thoại thông minh. Nên nếu sản phẩm có vấn đề gì chị Hương đều có thể báo ngay cho nhà sản xuất hoặc phản ánh với bộ phận hỗ trợ khách hàng của sàn thương mại điện tử Bắc Ninh để xử lý.

Tương lai của sản phẩm OCOP 

Sau 4 năm thực hiện chương trình OCOP, Bắc Ninh đã có 146 sản phẩm của 60 chủ thể đăng ký tham gia, công nhận được 75 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên. Sản phẩm đạt 3 sao chiếm tỷ lệ 30,7%; sản phẩm đạt 4 sao chiếm 69,3%.

OCOP đang tiếp tục góp phần tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn của tỉnh Bắc Ninh. 

Giai đoạn 2022-2025, tỉnh Bắc Ninh dành nguồn kinh phí khoảng 55 tỷ đồng hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất tham gia chương trình OCOP khi có đăng ký kinh doanh về mở rộng quy mô sản xuất, ứng dụng công nghệ trong sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm, hoàn thiện mẫu mã, bao bì, an toàn thực phẩm, đăng ký thương hiệu. Đặc biệt, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số và tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm; phối hợp xúc tiến các sản phẩm OCOP vào các trung tâm, siêu thị lớn trong và ngoài tỉnh; sử dụng các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream)…quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

Từ đó, Bắc Ninh phấn đấu được công nhận ít nhất 200 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, có từ 2 sản phẩm trở lên đạt 5 sao; có 20% chủ thể OCOP trở lên là HTX và 30% chủ thể là các doanh nghiệp; ít nhất có 40% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi; sàn giao dịch thương mại điện tử…).

Thu Hoài