Chiều 12-12, Đoàn khảo sát của Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết 23 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh (gọi tắt Ban Chỉ đạo Trung ương) làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về triển khai thực hiện nghị quyết này. Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương, Trưởng Đoàn khảo sát chủ trì.
Tham gia đoàn khảo sát còn có các đồng chí: Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; Hà Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Nguyễn Minh Triết, Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam.
Về phía TPHCM có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, Chủ tịch UBND TP.HCM; Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM; Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM; cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM.
Mở đầu buổi làm việc, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho biết, tại Hội nghị Trung ương 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII sẽ tổng kết Nghị quyết 23.
Một trong những nội dung rất quan trọng đó là Ban Chỉ đạo Trung ương làm việc với các địa phương, các tổ chức, cơ quan trong hệ thống chính trị để tìm hiểu, quán triệt nội dung thực hiện Nghị quyết 23 những vấn đề đạt được, hạn chế, khuyết điểm, những vấn đề đặt ra trong giai đoạn hiện nay cần phải nghiên cứu.
Tại buổi làm việc, đoàn khảo sát lắng nghe, tìm hiểu, tiếp thu và gợi ý thêm một số vấn đề để TPHCM cùng góp sức, cho ý kiến trong việc tổng kết nghị quyết và chuẩn bị ban hành nghị quyết mới tới đây.
Đồng chí Võ Văn Thưởng gợi mở nhiều nội dung để đại biểu trao đổi, góp ý, đánh giá kết quả 20 năm thực hiện Nghị quyết 23. Theo đồng chí, TP.HCM là một trong những địa phương có thực tiễn sôi động, nhiều kinh nghiệm. Vì vậy đồng chí đặt vấn đề, những biện pháp triển khai thực hiện trong giai đoạn hiện nay đòi hỏi cần có gì mới, đồng thời cần tập trung vào vấn đề nào?
Báo cáo kết quả 20 năm thực hiện Nghị quyết 23, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải tóm tắt một số kết quả nổi bật. Theo đó, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy nghiên cứu, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 23, chương trình hành động số 10, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm, nội dung, phạm vi và hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Thành ủy, các cấp ủy đối với hệ thống chính trị.
Cùng với đó, TP.HCM thực hiện nhiều biện pháp thiết thực, hiệu quả nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên, lãnh đạo hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các hội quần chúng trên địa bàn TP.HCM nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Hệ thống Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tại TP.HCM, nhất là ở cơ sở được củng cố, kiện toàn, phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Phó Bí thư Thành ủy TPHCM đánh giá, để đạt được những kết quả nêu trên là nhờ có sự chỉ đạo, quan tâm sâu sát, thường xuyên của Ban Bí thư, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, sự hướng dẫn kịp thời của các bộ, ngành Trung ương. Cùng với đó, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp; sự tích cực phối hợp thống nhất hành động của các tổ chức thành viên Mặt trận Tổ quốc các cấp tại TP.HCM, nhất là sự ủng hộ, tin tưởng của nhân dân, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, kiều bào....
Bên cạnh đó, sự chủ động, sáng tạo, tích cực, đầy trách nhiệm của đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị TP.HCM phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội linh hoạt, kịp thời điều chỉnh, triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng đúng hướng, đảm bảo chất lượng, tiến độ, có trọng tâm, trọng điểm, đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, ngày càng khẳng định vị thế, vai trò của mình trong hệ thống chính trị của TP.HCM.
Dù vậy, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng chỉ ra những hạn chế. Đồng thời TP.HCM rút ra những bài học kinh nghiệm, trong đó, xác định rõ xây dựng, củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị. Cùng với đó, giữ vững sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng, trong hệ thống chính trị và nhân dân; xây dựng vững chắc mối quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Một bài học kinh nghiệm khác đó là, thực hiện dân chủ ở cơ sở phải thực chất, phải nắm chắc các quan điểm, chủ trương để nâng cao ý thức, trách nhiệm trong thực hiện công tác giám sát, phản biện. Đại đoàn kết toàn dân tộc phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa lợi ích với nhân dân.
Bên cạnh đó, phát huy vai trò, sức mạnh của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng trong việc tập hợp rộng rãi các giới, các ngành, cá nhân tiêu biểu và nhân dân gắn với thực hiện hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở. Cùng với đó, tạo điều kiện tối đa để nhân dân phát huy quyền làm chủ, tham gia góp ý tích cực vào quản lý Nhà nước, quản lý xã hội và các phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua “Dân vận khéo”, các cuộc vận động, các tổ chức tự quản ở cộng đồng dân cư…
Theo báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết 23, đến nay, TP.HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện tổ chức chính quyền đô thị, thành lập “thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương” để TPHCM phát triển nhanh hơn, xứng tầm với tiềm năng hiện có. Đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với Đảng bộ, chính quyền và hệ thống chính trị của TPHCM trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành với công tác dân vận trong thời gian tới.
Cùng với những kết quả to lớn về phát triển kinh tế - xã hội, sự nghiệp đổi mới, khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn thành phố không ngừng tăng cường, củng cố. Lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc tiếp tục được phát huy. Đời sống văn hóa, vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện. Nhân dân tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, với những kết quả tích cực.
Trong những kết quả nổi bật qua 20 năm, các phong trào thi đua đã không ngừng nâng cao chất lượng hiệu quả và lan tỏa đến nhiều lĩnh vực, địa bàn, tạo thành sức mạnh tổng hợp của các phong trào hành động cách mạng, giải quyết các vấn đề dân sinh, dân chủ, dân trí, góp phần xây dựng thành phố có chất lượng cuộc sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Đặc biệt, trong công tác phòng chống dịch Covid-19, có hơn 194 tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong và ngoài nước đăng ký tham gia ủng hộ nhiều loại thuốc, vật tư, phương tiện, trang thiết bị y tế trị giá hơn 2.612 tỷ đồng.
Trong đó có nhiều máy móc, trang thiết bị y tế hiện đại, tiên tiến kịp thời phục vụ cho công tác điều trị, góp phần ngăn chặn và giảm thiểu tỷ lệ tử vong đối với bệnh nhân nhiễm Covid-19; tiếp nhận ủng hộ hàng hóa với tổng giá trị 364 tỷ đồng; vận động mua vaccine phòng dịch Covid-19.
Cùng với đó, có 105 đơn vị đăng ký ủng hộ với số tiền hơn 2.288 tỷ đồng. Trung tâm An sinh TP.HCM đã tiếp nhận hỗ trợ từ các tỉnh thành, các doanh nghiệp và các mạnh thường quân trị giá hơn 139,5 tỷ đồng, đã phân phối về cơ sở để chăm lo cho người nghèo; chuyển 2.245.267 túi an sinh hỗ trợ người dân gặp khó khăn…
Theo Sài Gòn giải phóng