Chiều 6/12, phát biểu kết luận hội nghị toàn quốc nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, các nghị quyết và kết luận được Hội nghị Trung ương thông qua rất hệ trọng, tiếp tục cụ thể hóa chủ trương lớn nhất quán của Đảng.

“Đó là xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; đổi mới phương thức lãnh đạo cầm quyền của Đảng; công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước… Những nội dung này đã được các đồng chí báo cáo viên giới thiệu, truyền đạt rất đầy đủ và sâu sắc tại hội nghị”, ông Võ Văn Thưởng nói.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng.

Thường trực Ban Bí thư nêu rõ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và đổi mới phương thức lãnh đạo cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị là rất hệ trọng nên trong quá trình tiến hành phải kiên định; có quyết tâm chính trị cao, đồng thời phải cẩn trọng, có bước đi vững chắc.

Với những vấn đề thực tiễn đòi hỏi đã rõ, thực tiễn chứng minh là đúng, có sự thống nhất cao thì kiên quyết đổi mới, kiên quyết thực hiện.

Những vấn đề cần thiết nhưng chưa rõ, còn nhiều ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, thực hiện thí điểm. Với những chủ trương đã thực hiện nhưng không phù hợp thì nghiên cứu, điều chỉnh, sửa đổi kịp thời.

Sức ép từ tổ chức, từ dư luận xã hội để công việc tốt hơn 

Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh đến vấn đề phân cấp, phân quyền làm rõ hơn nữa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức, cá nhân trong bộ máy Nhà nước.

Ông Võ Văn Thưởng yêu cầu khắc phục cho được tình trạng cấp dưới đi hỏi cấp trên những vấn đề thuộc về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình hoặc cấp trên trả lời chung chung khi có vướng mắc.

Thường trực Ban Bí thư cũng đề cập đến công tác cán bộ. Theo ông, Trung ương khẳng định quyết tâm cao về xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ. Đồng thời, nhấn mạnh phương châm “có vào, có ra, có lên, có xuống” trong công tác cán bộ.

Sau 2 ngày làm việc nghiêm túc và trách nhiệm, hội nghị đã hoàn thành chương trình đề ra. Ảnh: Nhật Bắc.

Ông Thưởng cho hay, phương châm “có vào, có ra, có lên, có xuống” không phải bây giờ nghị quyết mới nói, mà đã được đề cập từ hơn 20 năm trước. Nhưng cơ bản là chưa thực hiện được. “Lên thì khó nhưng xuống cũng không dễ, thậm chí còn khó hơn”, Thường trực Ban Bí thư thẳng thắn nêu

Vì vậy, thực hiện phải kiên trì, đặc biệt là sau khi có quy định về từ chức, miễn nhiệm và chủ trương bố trí lại cán bộ sau kỷ luật thì bước đầu đã giải quyết được một số trường hợp. Điều này, được dư luận đánh giá cao.

Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, chúng ta cũng phải đặt ra sức ép trong Đảng, trong xã hội, trong tổ chức để cán bộ từ chức khi có khuyết điểm, sai phạm.

Ông Võ Văn Thưởng dẫn lại việc, vừa qua một số Ủy viên Trung ương bị kỷ luật cảnh cáo, nếu nhiệm kỳ trước là vẫn tại vị, hết nhiệm kỳ nhưng hiện nay cho thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương.

Hay có chủ tịch tỉnh từ chức đề đảm nhận nhiệm vụ thấp hơn theo tinh thần “ngã chỗ nào, đứng dậy chỗ đó, cố gắng làm và nỗ lực khắc phục khó khăn”.

“Đó cũng là một cách theo văn hóa của Việt Nam. Đó là sức ép từ tổ chức, từ dư luận xã hội để công việc tốt hơn lên. Tôi tin rằng với xu hướng này sắp tới sẽ tốt hơn”, Thường trực Ban Bí thư nhận định.

Thường trực Ban Bí thư cũng đề cập đến tâm lý sợ trách nhiệm, ngại trách nhiệm của một số cán bộ, đảng viên.

“Nhiều người dân nói, đôi khi cán bộ vì sự an toàn của mình mà đẩy hết khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Có đồng chí còn nói, không phải chỉ là đẩy cho doanh nghiệp, người dân đâu, mà còn đẩy ra khỏi phòng mình nữa. Đẩy được là cứ đẩy, qua phòng bên cạnh cũng được”, ông Võ Văn Thưởng nêu.

Theo ông Võ Văn Thưởng, vấn đề này phải sửa và muốn sửa thì phải trở lại “chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng tổ chức, cá nhân trong bộ máy Nhà nước phải rõ để việc anh làm không thể chối được”.

Sau hội nghị, ông Võ Văn Thưởng yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng cần tập trung, tiếp tục tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng nội dung Nghị quyết Trung ương 6 với nhiều hình thức phù hợp; giúp cho các cấp ủy tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ, thấm nhuần nội dung các nghị quyết Hội nghị Trung ương 6.