Giấc mơ hãng bay Việt

Ít ai biết sự ra đời của Vietjet, một hãng hàng không tư nhân, lại thai nghén từ câu hỏi chứa đầy mong ước của một bà mế nghèo trong một gia đình có công với cách mạng ở vùng cao: "Bao nhiêu tấn thóc để có thể mua được một chiếc vé máy bay?”

Câu hỏi tưởng chừng đơn giản đó đã khiến nữ doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo nhận ra khao khát cháy bỏng của đa số người dân Việt Nam: được đặt chân lên máy bay để khám phá đất nước, khám phá thế giới và xa hơn là thay đổi cuộc sống, kết nối Việt Nam với thế giới.

Từ kế hoạch xây dựng một hãng hàng không 5 sao, cuộc gặp bà mế vùng cao đã khiến người sáng lập Vietjet thay đổi ý định, thành lập một hãng hàng không mà mọi người đều có thể bay và bay là thích ngay.

Việt a1.jpg

Vietjet ra đời trở thành luồng gió mới cho ngành hàng không. Những nghi ngờ ban đầu về mô hình hàng không tư nhân đã bị đánh tan khi Vietjet liên tục mở rộng mạng bay, biến giấc mơ bay của hàng triệu người dân thành hiện thực.

Với sự đổi mới, sáng tạo không ngừng, bí quyết thành công của Vietjet chính là tập trung tối đa vào khâu đổi mới dịch vụ và quản lý chi phí. Hãng đi đầu trong việc thay đổi từ vé máy bay giấy sang vé điện tử và thanh toán trực tuyến, liên tục cải thiện quy trình hoạt động, hướng đến sự chuẩn hóa và tinh gọn. Vietjet sở hữu những đội bay mới và hiện đại, cùng đội ngũ nhân viên đến từ nhiều quốc gia, trẻ trung, nhiệt tình và có tinh thần đồng đội cao.

Hành trình phát triển Vietjet cũng như nhiều doanh nghiệp khác, đều trải qua những giai đoạn thăng trầm, nhất là trong đại dịch Covid-19. Đây là thời điểm cực kỳ khó khăn với toàn bộ nền kinh tế thế giới. Song, đây là lúc nguồn năng lượng, ý chí vượt khó, tinh thần sáng tạo, đổi mới được thể hiện rõ nét nhất ở đội ngũ Vietjet. 

Trước việc phải ngừng vận chuyển hành khách, chung tay cùng Chính phủ ngăn chặn đại dịch, Vietjet đã chuyển hướng sang vận chuyển hàng hóa, tận dụng lợi thế này để phục hồi. Vietjet đã thực hiện hàng trăm chuyến bay vận chuyển lực lượng chống dịch, trang thiết bị vật tư y tế, vắc xin,… vào vùng dịch và giải tỏa hàng trăm nghìn hành khách ra khỏi vùng dịch, hỗ trợ thực hiện trên 2 triệu mẫu xét nghiệm, hàng triệu mũi tiêm vắc xin. Mặc dù đại dịch khiến Vietjet phải tạm hoãn một số kế hoạch mở rộng thị trường mới, nhưng hãng đã nỗ lực hết sức để bù đắp lại khoảng thời gian đã mất.

Việt a2.jpg

"Trong nguy có cơ", đại dịch lại là cơ hội để Vietjet đổi mới, vươn lên đầy bản lĩnh. Sau đại dịch, trong vòng một năm qua, hãng đã tiên phong mở thêm 33 đường bay quốc tế mới, trở thành hãng lớn nhất bay đến Úc, Ấn Độ, đồng thời tiếp tục mở rộng tại những thị trường lớn đã khai thác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều điểm đến mới trong các khu vực truyền thống Đông Nam Á.

Vietjet góp sức làm cầu nối đưa Việt Nam ra thế giới, đưa thế giới đến với Việt Nam. Bất kỳ ai bay cùng Vietjet cũng đều tự hào, xúc động khi giai điệu ca khúc "Hello Vietnam" vang lên. Ca khúc đó đã thể hiện tư duy toàn cầu của Vietjet, của nữ tỷ phú Phương Thảo, Chủ tịch HĐQT Vietjet, thể hiện khát vọng xây dựng một hãng bay không chỉ của Việt Nam mà còn là của khu vực và toàn cầu, kết nối Việt Nam với thế giới, kết nối con người thuộc mọi nền văn hóa.

Đi đầu xu thế

Trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, không hiếm nữ lãnh đạo tài năng, có nhiều đóng góp cho nền kinh tế đất nước. Nhưng nữ giới thành công trong ngành hàng không như bà Phương Thảo rất hiếm trên thế giới, bởi đây vốn được coi là “lãnh địa” của nam giới.

Nữ tỷ phú luôn đặt việc bảo vệ và thúc đẩy quyền lợi của phụ nữ vào trọng tâm văn hóa doanh nghiệp và luôn hành động vì bình đẳng cho nữ giới. Vietjet là hãng hàng không mang lại giấc mơ bay cho nhiều phụ nữ, đào tạo nên những nữ phi công, nữ cơ trưởng, nữ kỹ thuật máy, phụ nữ làm công nghệ thông tin. Sự đa dạng này bắt nguồn từ việc bà Phương Thảo tôn trọng những điều khác biệt của phụ nữ.

Việt a3.jpg

Cũng như nhiều phụ nữ Á Đông khác, bà Phương Thảo phải chịu áp lực “vừa giỏi việc nước, vừa đảm việc nhà”. Áp lực đó khiến mọi phụ nữ đều cố gắng gấp đôi, gấp ba lần nam giới. Nhưng nữ tỷ phú Phương Thảo chưa bao giờ cảm thấy bị kìm hãm vì mình là phụ nữ.

Bởi thế, ngoài việc thành lập Vietjet, nữ doanh nhân đa ngành Phương Thảo với kiến thức của một tiến sĩ kinh tế - tự động hóa, quan tâm tới hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế. Không dừng ở đó, bà bắt đầu quan tâm hỗ trợ các lĩnh vực công nghệ, giáo dục, y tế… nhằm đem đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân.

Những doanh nghiệp của bà cùng cộng đồng doanh nghiệp đã và đang đóng góp cho sự lớn mạnh của khu vực kinh tế tư nhân, góp phần kiến tạo nên hình ảnh một đất nước hội nhập, tự cường, đổi mới và phát triển.

Việt a4.jpg

Bà Phương Thảo khuyên phụ nữ khởi nghiệp phải đi đầu xu hướng kinh doanh, xu hướng công nghệ và tự động hóa, hướng tới môi trường đa quốc gia, đa văn hóa để hiện thực hóa ước mơ, khát vọng hạnh phúc, thịnh vượng cho mỗi thành viên của tổ chức mình.

Những ai quan tâm đến sự phát triển và hội nhập của nền kinh tế Việt Nam, của thị trường chứng khoán Việt Nam đều biết đến bà Phương Thảo với mong muốn góp phần đưa thị trường chứng khoán Việt Nam với tầm nhìn quốc gia phát triển đến năm 2045, có lộ trình ngắn nhất để sánh vai các thị trường lớn như London, New York, mang lại tương lai tươi sáng hơn nữa cho nền kinh tế đất nước. Năm 2021, khi sàn chứng khoán HOSE liên tục quá tải và nghẽn lệnh, bà Phương Thảo đưa ra sáng kiến để Tập đoàn Sovico cùng FPT tài trợ giải pháp công nghệ “giải cứu” HOSE. Giải pháp này sau đó đã trở thành điểm sáng của ngành tài chính và kinh tế Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng sâu rộng tới mọi mặt của nền kinh tế.

Ước mơ từ trái tim nhân ái

Phụ nữ Việt Nam thường được dạy về tinh thần hy sinh, quan tâm, tỉ mỉ, duyên dáng, rộng lượng, biết cho đi mà không đòi hỏi, luôn nghĩ đến người khác.

Và, phụ nữ thường mơ mộng, lãng mạn. Với nữ tỷ phú Phương Thảo, mơ mộng là những ước mơ xuất phát từ trái tim nhân ái, từ mong muốn đem đến những điều tốt đẹp nhất cho cộng đồng. Đó là những ước mơ lớn mà theo dõi hành trình của bà sẽ thấy bà luôn hành động để biến những ước mơ ấy thành hiện thực.

Bà đã lan tỏa, hiện thực hóa ước mơ đó đến với toàn bộ nhân viên của mình, đến với cộng đồng trong nhiều hoạt động thiện nguyện.

Trong giai đoạn Covid-19, các doanh nghiệp của bà tổ chức nhiều chuyến bay miễn phí đưa cán bộ, nhân viên y tế và vắc xin, vật tư đến các tâm điểm dịch; tặng hàng trăm ngàn suất ăn tại TP.HCM; tài trợ xe cứu thương, kit xét nghiệm cho các địa phương,… Nữ doanh nhân cũng chính là người thúc đẩy việc xây dựng website đóng góp trực tuyến cho Quỹ phòng chống Covid-19 như là đầu mối để kêu gọi quyên góp từ trong và ngoài nước để chống dịch bệnh.

Những dịp Tết, bà đã tổ chức nhiều chuyến bay miễn phí đưa người lao động nghèo, đưa học sinh mồ côi cha mẹ về quê đoàn tụ với gia đình, người thân. Mỗi chuyến bay cất cánh, niềm hạnh phúc đến với mọi nhà.

Đều đặn vào cuối tuần hoặc các dịp lễ Tết, bà Phương Thảo dành thời gian của mình để đến những nơi bà có thể biến ước mơ thành hiện thực. Bà thường đến thăm và tặng quà các em nhỏ ở trại trẻ mồ côi, phát cơm từ thiện. Hàng chục nghìn phần quà cũng được bà gửi đến nhiều nơi vùng sâu vùng xa trên khắp cả nước vào dịp Tết mỗi năm.

Một cách không ồn ào, thành công của nữ doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo và đội ngũ, cùng với thành công của cộng đồng doanh nghiệp, của phụ nữ Việt Nam đã góp phần đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân, đưa đất nước phát triển, đưa Việt Nam kết nối gần hơn với thế giới.

Thanh Hà