Theo thông tin từ hãng Boeing, hai tiêm kích F/A-18E Super Hornet (Ong bắp cày) của hải quân Mỹ đã hoàn thành nhiều lần thử nghiệm cất cánh bằng cầu nhảy tại căn cứ hải quân Hansa (bang Goa, Ấn Độ), được mô phỏng theo sàn đáp của tàu sân bay INS Vikrant.

"Boeing hân hạnh được giới thiệu khả năng thích ứng của F/A-18E Super Hornet với các tàu sân bay ở Goa. Là tiêm kích đa năng đã được kiểm chứng khả năng tác chiến và giá cả phải chăng, "ong bắp cày" sẽ mang lại bộ mặt mới cho hải quân Ấn Độ. Các tiêm kích được cung cấp cho hải quân Ấn Độ cũng sẽ là thế hệ mới nhất, Block III, đi kèm với đó là sự hỗ trợ về kỹ-chiến thuật từ hải quân Mỹ", Alain Garcia, Phó chủ tịch Boeing Ấn Độ chia sẻ.

F/A-18E Super Hornet chuẩn bị cất cánh bằng cầu nhảy. Ảnh: Boeing

Lần biểu diễn trực tiếp tại Ấn Độ của F/A-18E diễn ra sau 8 thử nghiệm cất cánh bằng đường băng dạng cầu nhảy tại Trạm Hàng không hải quân Patuxent River năm 2020. Đây được coi là nỗ lực của Boeing trong việc thuyết phục hải quân Ấn Độ đặt hàng máy bay chiến đấu của Mỹ cho dự án Tiêm kích hạm đa năng trên tàu sân bay INS Vikrant. Tàu sân bay Vikrant đang sử dụng thiết kế cầu nhảy và cáp hãm đà, có ưu điểm là thiết kế và vận hành đơn giản, nhưng giới hạn đáng kể tải trọng vũ khí và nhiên liệu của phi cơ, cũng như chủng loại máy bay.

F/A-18E Super Hornet cất cánh từ cầu nhảy. Ảnh: Boeing

Hiện tại, đối thủ cạnh tranh trực tiếp với "ong bắp cày" cho 26 vị trí cất cánh trên tàu sân bay INS Vikrant là tiêm kích Dassault Rafale M của Pháp. Cũng giống như đối thủ, Rafale M đã hoàn thành các thử nghiệm cất cánh bằng cầu nhảy tại căn cứ Hansa, nhưng theo một số nguồn tin, F/A-18E dường như nhận được nhiều đánh giá tích cực hơn tiêm kích tới từ Pháp.

Việt Dũng