Theo Yonhap, sau 6 năm rưỡi nghiên cứu và phát triển, tiêm kích KF-21 Boramae (Diều hâu trong tiếng Hàn) đã cất cánh lần đầu tiên vào ngày 19/7. KF-21 cất cánh từ căn cứ Không quân ở Sacheon, cách thủ đô Seoul khoảng 300km. Tiêm kích, do Công ty Hàng không Vũ trụ Hàn Quốc (KAI) sản xuất, khởi hành từ 15h40, hạ cánh lúc 16h13. Các quan chức quốc phòng vốn muốn tổ chức buổi bay thử vào buổi sáng, nhưng do lý do thời tiết nên lịch trình đã được điều chỉnh.

KF-21 Boramae cất cánh lần đầu tiên. Ảnh: ROKAF

Theo dự kiến, Không quân Hàn Quốc (ROKAF) sẽ được trang bị 40 chiếc KF-21 vào năm 2028 và có đầy đủ phi đội 120 chiếc được triển khai vào năm 2032. Tiêm kích này sẽ được dùng để thay thế những chiếc F-4E Phantom II và F-5E/F đã cũ, đồng thời bổ trợ cho phi đội tiêm kích tàng hình F-35A.

Hình ảnh tổng quan của KF-21 Boramae. Ảnh: ROKAF

Việc sở hữu một máy bay chiến đấu của riêng mình đã là một giấc mơ từ lâu tại Hàn Quốc, và dự án KF-X được ra đời vào năm 2015 nhằm hiện thực hóa giấc mơ này. Vì một số nguyên nhân, việc phát triển một nguyên mẫu máy bay chiến đấu bị gián đoạn trong vài năm, cho tới khi được tăng tốc trở lại vào năm 2019. Và nhờ vào sự nỗ lực không ngừng nghỉ, một nguyên mẫu KF-21 Boramae hoàn chỉnh đã được ra mắt vào năm 2021.

Tính đến hiện tại, đã có 5 nguyên mẫu KF-21 được sản xuất và sẵn sàng đưa vào thử nghiệm. Tiêm kích này được dự báo sẽ phải trải qua 2.000 cuộc kiểm tra trở lên, bao gồm mô phỏng các tình huống chiến thuật thực tế và các nhiệm vụ tác chiến điện tử. Dự kiến, giai đoạn 2 sẽ diễn ra từ năm 2026-2028, công việc chính trong thời gian này là tìm ra những vũ khí phù hợp nhất với "Diều hâu".

KF-21 được cho là lấy nhiều cảm hứng từ thiết kế đuôi kép của F-22 và F-35, nhưng nó không có khả năng "tàng hình" toàn diện như 2 tiêm kích của Mỹ. Mục đích sản xuất của KF-21 là lấp vào khoảng trống giữa F-35 và F-16 về khả năng tác chiến, nhưng rẻ hơn F-35, vốn rất tốn kém trong việc sản xuất và vận hành. Ngoài ra, nguyên mẫu KF-21 có tiết diện phản xạ radar tương đương với tiêm kích Eurofighter Typhoon của châu Âu, nhưng sẽ được cải tiến trong tương lai.

Việt Dũng