Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến công tác kiểm tra và làm việc về tình hình triển khai các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông.
Về dự án Nhà ga hành khách T3 Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Thủ tướng đánh giá, ACV đã có nhiều cố gắng, nỗ lực để triển khai dự án đáp ứng tiến độ yêu cầu. Tuy nhiên, nhu cầu đưa dự án vào khai thác sớm là rất cấp thiết nhằm giảm tải cho Nhà ga T1.
Vì vậy, cần phấn đấu rút ngắn tiến độ, hoàn thành và đưa vào khai thác công trình trước ngày 30/4/2025.
Thủ tướng yêu cầu ACV khẩn trương rà soát, nghiên cứu phương án kết nối giữa 3 nhà ga tại Cảng Hàng không Tân Sơn Nhất để bảo đảm thuận tiện, lưu thoát nhanh, không gây ách tắc cục bộ.
Chỉ đạo các nhà thầu, đơn vị liên quan tập trung xây dựng lại tiến độ chi tiết, xây dựng tiến độ tổng thể với đường "găng" theo mục tiêu mới về thời điểm hoàn thành dự án.
Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng nghiên cứu phương án di dời trung tâm chỉ huy của Sư đoàn Không quân 370 để chuyển mặt bằng cho hàng không dân dụng nhằm tạo thuận lợi cho giao thông, cảnh quan khu vực Nhà ga T3 và khai thác hiệu quả Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất...
Về dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, đây là dự án quan trọng quốc gia, quá trình triển khai giai đoạn đầu rất chậm do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chủ quan của chủ đầu tư.
Đến nay có nhiều chuyển biến rất tích cực, sau 2 năm đã triển khai được khối lượng lớn công việc, trong đó đặc biệt đã lựa chọn được nhà thầu quốc tế đối với gói thầu lớn, quan trọng nhất của dự án...
Về tiến độ, Thủ tướng yêu cầu quán triệt đến các đơn vị liên quan (nhà thầu, tư vấn, giám sát…), đến từng cán bộ, kỹ sư, công nhân, người lao động xác định rõ năm 2024 là năm tăng tốc, năm 2025 là năm bứt phá để 6 tháng đầu năm 2026 tập trung hoàn thiện, bàn giao đưa vào khai thác.
Các bộ, ngành khẩn trương triển khai dự án thành phần, bảo đảm hoàn thành đồng bộ với hạng mục chính của dự án khi đưa vào vận hành khai thác. Phấn đấu, cố gắng rút ngắn tiến độ hoàn thành, thi công khẩn trương, tiết kiệm thời gian thi công.
Về chất lượng, các cơ quan liên quan phải thường xuyên kiểm tra, tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm chất lượng công trình theo quy định.
Về mỹ thuật, vệ sinh môi trường phải đảm bảo yêu cầu về mỹ thuật, vệ sinh môi trường; công trình phải mang dấu ấn kiến trúc, bố trí cây xanh cảnh quan phù hợp.
Thủ tướng giao tỉnh Đồng Nai khẩn trương nghiên cứu quy hoạch phát triển thành phố Long Thành là thành phố sân bay.
Về các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc, trong đó với dự án đường vành đai 3 TP.HCM, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo, chủ trì cuộc họp các bộ và địa phương (An Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Tây Ninh, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh…) để có phương án điều phối, giải quyết dứt điểm cát đắp nền đường cho dự án.
Bộ GTVT và các địa phương (tỉnh Bình Dương, Đồng Nai) phối hợp chặt chẽ với UBND TP.HCM trong quá trình triển khai đầu tư tuyến đường vành đai 3 TP.HCM bảo đảm tiến độ hoàn thành các dự án thành phần.
Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đẩy nhanh tiến độ thi công công trình cầu Nhơn Trạch thuộc đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch, phấn đấu hoàn thành vào dịp 30/4/2025.
Về các dự án giao thông kết nối với TP.HCM, Đồng Nai, Bộ KH&ĐT khẩn trương thực hiện công tác thẩm định Dự án đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tổng công ty đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) hoàn thiện phương án nghiên cứu đầu tư mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Bộ GTVT chủ trì nghiên cứu tổng thể kết nối giao thông giữa Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, bao gồm đầu tư đường sắt kết nối (trên cao hoặc đi ngầm), bảo đảm kịp thời khai thác, vận hành đồng bộ hai Cảng hàng không.
Về phát triển cảng biển, hàng hải, với bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Bộ GTVT khẩn trương xem xét quyết định theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định kiến nghị của Cục Hàng hải Việt Nam và Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn.
Ưu tiên đầu tư hệ thống giao thông đường thủy nội địa (nhất là tuyến đường thủy nội địa kết nối với khu bến Cái Mép - Thị Vải với ĐBSCL, miền Đông Nam Bộ), phát triển bến thủy nội địa, cảng cạn và tuyến đường sắt để tạo điều kiện thuận lợi vận chuyển hàng hóa đi/đến cảng biển lớn.