Việc đẩy mạnh công tác cải cách hành chính đã tạo hiệu ứng lan tỏa rộng rãi, có hiệu quả về những nội dung cải cách hành chính, từng bước đem lại sự hài lòng cho người dân, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Tỉnh Tiền Giang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cung cấp nhiều dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cho người dân và doanh nghiệp, bước đầu mang lại một số kết quả thiết thực, đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương.
Bà Lê Thị Kim Pha, Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công và Kiểm soát thủ tục hành chính tỉnh Tiền Giang cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, công tác cải cách hành chính của tỉnh được thực hiện đồng bộ, kịp thời và có những chuyển biến tích cực. Tỉnh tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến. Hồ sơ thủ tục hành chính tiếp nhận tại Trung tâm được số hóa và các bước tiếp theo được xử lý trên môi trường điện tử, giúp giảm chi phí, thời gian cho người dân, doanh nghiệp.
Người dân, doanh nghiệp đến thực hiện thủ tục hành chính được hướng dẫn, tuyên truyền thực hiện dịch vụ công trực tuyến, thanh toán phí trực tuyến, tra cứu thông tin liên quan đến thủ tục hành chính trên Hệ thống một cửa điện tử của tỉnh, Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Theo thống kê, từ đầu năm đến ngày 07/6/2023, Trung tâm Phục vụ hành chính công và Kiểm soát thủ tục hành chính tỉnh Tiền Giang đã tiếp nhận 45.981 hồ sơ; trong đó, có 18.320 hồ sơ trực tuyến, 25.079 hồ sơ trực tiếp, dịch vụ bưu chính, 2.582 hồ sơ kỳ trước chuyển qua. Kết quả giải quyết hồ sơ 6 tháng đầu năm 2023 đạt 95,45%.
Các đơn vị triển khai dịch vụ công trực tuyến (một phần và toàn trình) và thanh toán trực tuyến đạt 100%; số hóa hồ sơ đạt 100%. Công chức, viên chức tại các quầy đều thực hiện tốt việc kết nối, khai thác dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ công tác tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính. Không xảy ra tình trạng nhũng nhiễu hay gây khó khăn cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm.
Thời gian tới, Trung tâm Phục vụ hành chính công và Kiểm soát thủ tục hành chính tỉnh Tiền Giang sẽ tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến; nâng cấp, hoàn thiện Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh.
Bên cạnh đó, đơn vị sẽ rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tối ưu hóa quy trình giải quyết, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính; số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực; khai thác, sử dụng dữ liệu quốc gia về dân cư nhanh, gọn. Đồng thời, triển khai các chính sách hỗ trợ, khuyến khích, ưu đãi đối với đối tượng tham gia thực hiện dịch vụ công trực tuyến như miễn, giảm phí, lệ phí...
Trước đó, tỉnh Tiền Giang đã xây dựng Kế hoạch nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp DVC trực tuyến trên địa bàn tỉnh Tiền Giang năm 2023. Cụ thể, tiếp tục rà soát, chuẩn hóa, đơn giản hóa quy trình giải quyết các thủ tục hành chính của tỉnh đảm bảo phù hợp với hình thức DVC trực tuyến; đẩy mạnh tuyên truyền hướng dẫn người dân và doanh nghiệp sử dụng DVC trực tuyến; thanh toán trực tuyến; hóa đơn điện tử; dịch vụ bưu chính công ích trong gửi, nhận kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính.
Đặc biệt, tham mưu trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét ban hành Nghị quyết quy định về giảm phí, lệ phí cho người dân, doanh nghiệp khi nộp hồ sơ trực tuyến trên Cổng DVC của tỉnh để khuyến khích hoạt động cung cấp DVC trực tuyến, khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng DVC trực tuyến.
Mới đây, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị sơ kết tình hình triển khai thực hiện Đề án 06, công tác cải cách hành chính (CCHC) và chuyển đổi số (CĐS) trên địa bàn tỉnh Tiền Giang 6 tháng đầu năm 2023. Cụ thể, đối với công tác CCHC, kết quả công bố Chỉ số CCHC của tỉnh năm 2022 đạt 82,58 điểm, xếp hạng 53/63 tỉnh, thành phố; tăng 09 bậc so với năm 2021; Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công của tỉnh năm 2022, đạt 40,97 điểm, thuộc nhóm trung bình thấp, xếp hạng 45/63 tỉnh, thành phố (tăng 1,88 điểm, thoát khỏi nhóm thấp nhất lên nhóm trung bình thấp, tăng 14 bậc so với năm 2021). Việc triển khai, thực hiện Đề án 06 gắn với CĐS, đến nay, tỉnh đã cơ bản hoàn thành công tác thu nhận hồ sơ cấp Căn cước công dân (CCCD) với trên 1,7 triệu hồ sơ cấp mới, đạt 100,02%. Đối với ngành Y tế có 213/213 cơ sở áp dụng dùng thẻ CCCD khám, chữa bệnh thay thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT), trong 6 tháng đầu năm 2023 có 283.399 công dân dùng thẻ CCCD khám, chữa bệnh thay thẻ BHYT; ngành Giáo dục và Đào tạo có 421/511 đơn vị áp dụng thanh toán học phí, các khoản thu bằng hình thức trực tuyến không dùng tiền mặt. Ngoài ra, kết quả Chỉ số CĐS (DTI) năm 2022, tỉnh Tiền Giang xếp hạng 20 trên cả nước, tăng 3 hạng so với năm 2021 (xếp hạng 23) và xếp thứ 4 trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, các chỉ số thành phần gồm: Chính quyền số (xếp thứ 14, tăng 05 bậc so với năm 2021), kinh tế số (xếp thứ 11 tăng 03 bậc so với năm 2021) và xã hội số (xếp thứ 12, giảm 01 bậc so với năm 2021) trên cả nước; tỉnh Tiền Giang cũng là một trong 10 địa phương dẫn đầu về nhân lực số. Tỉnh Tiền Giang đã tích hợp 1.305 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công quốc gia, đứng thứ 16/63 tỉnh, thành phố. Cổng dịch vụ công của tỉnh đã hoàn thành chức năng kho dữ liệu dùng chung nhằm hỗ trợ cơ quan hành chính nhà nước lưu trữ dữ liệu hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính và hình thành kho dữ liệu điện tử, kết quả giải quyết thủ tục hành chính của tổ chức, cá nhân. |