Trong đó, lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng vọt 1,14 triệu tỷ đồng so với cùng kỳ, đạt 6,84 triệu tỷ đồng.
Lượng tiền gửi của dân cư tính đến tháng 12/2023 đạt 6,53 triệu tỷ đồng, tăng 500.000 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế và dân cư cao nhất từ trước đến nay bất chấp lãi suất huy động liên tục giảm trong hầu hết những tháng của năm 2023, ngoại trừ 3 tháng đầu năm ngoái.
Tiền gửi vào hệ thống các ngân hàng liên tục đạt kỷ lục mới qua từng tháng theo công bố của NHNN, nhất là kể từ quý III/2023.
Bên cạnh việc tạo dư địa để giảm lãi suất cho vay, việc các ngân hàng giảm lãi suất huy động xuống mức thấp chưa từng có cũng là một trong những giải pháp “chữa bệnh thừa tiền” trong gần một năm qua.
Trong các cuộc họp của NHNN về hoạt động tín dụng, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú không ít lần nhắc lại thực trạng toàn hệ thống ngân hàng đang phải "chữa bệnh thừa tiền". Cũng giống như các doanh nghiệp bị tồn kho hàng hóa, các ngân hàng thương mại cũng đang tồn kho tiền.
Lãi suất huy động tiếp tục diễn biến theo chiều hướng giảm kể từ đầu năm 2024. Hiện lãi suất huy động kỳ hạn 1-5 tháng tại Agribank và Vietcombank chỉ từ 1,6-1,9%/năm, và từ 1,7-2,1%/năm theo công bố của BIDV và VietinBank.
Lãi suất huy động kỳ hạn 6-11 tháng tại nhóm big4 ngân hàng chỉ từ 2,9-3,1%/năm, trong khi lãi suất các kỳ hạn 12-24 tháng tại BIDV, VietinBank và Agribank là 4,7%/năm, còn tại Vietcombank là 4,6%/năm.
Tuy nhiên, lãi suất huy động đang rục rịch tăng tại một số ngân hàng kể từ cuối tháng 3 đến nay. Các ngân hàng đã tăng lãi suất huy động gồm: HDBank, MSB, Eximbank, NCB, VPBank và KienLong Bank.