Sáng 14/10, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài cùng các đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 4 tiếp xúc cử tri huyện Gia Lâm và quận Hoàng Mai trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15. Đây là lần đầu tiên bà tiếp xúc cử tri Thủ đô kể từ khi nhận nhiệm vụ Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội.
Thành lập mới 6 thị trấn
Tại hội nghị, các cử tri huyện Gia Lâm và quận Hoàng Mai nêu một số kiến nghị như: Thúc đẩy tiến độ các văn bản hướng dẫn triển khai Luật Thủ đô (sửa đổi); Giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường các dòng sông ở huyện Gia Lâm; Sớm trình đề án sắp xếp đơn vị hành chính xã, phường để Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua; Sớm phê duyệt các quy hoạch quan trọng của Thủ đô để có cơ chế đặc thù xử lý vấn đề ùn tắc giao thông, úng ngập…
Trả lời kiến nghị của cử tri, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, thành phố đang tích cực phối hợp với các bộ ngành, cơ quan Trung ương để tham mưu các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi). Với nội dung thuộc thẩm quyền của thành phố, tới đây, HĐND sẽ xem xét thông qua, tạo điều kiện để triển khai các nội dung trong luật có hiệu lực từ 1/1/2025.
Về vấn đề sắp xếp đơn vị hành chính, theo bà Hà, các cơ quan Trung ương đã về Hà Nội khảo sát, thống nhất với đề án của thành phố. Hiện các công việc đang triển khai theo đúng tiến độ, đáp ứng việc thẩm định của cơ quan Trung ương.
Dự kiến sẽ có việc thành lập 6 thị trấn mới sau sắp xếp. Việc này liên quan đến một số nội dung phải chờ Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045 - tầm nhìn đến năm 2065 được thông qua. Khi quy hoạch này được thông qua, sẽ có cơ sở để Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết phê duyệt đề án, trong đó có nội dung thành lập 6 thị trấn mới.
“Trong số 6 thị trấn mới thành lập sau sắp xếp, có 2 thị trấn tại huyện Gia Lâm. Việc thông qua đề án sắp xếp đơn vị hành chính sẽ tạo điều kiện để triển khai các công việc liên quan đến tổ chức đại hội đảng ở cơ sở”, bà Hà thông tin.
Về vấn đề ô nhiễm môi trường sông, kênh chảy qua địa bàn huyện Gia Lâm, bà Hà cho biết, vấn đề này liên quan đến các tỉnh như Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên. Chính phủ đã có chỉ đạo khắc phục ô nhiễm sông Bắc Hưng Hải và giao nhiệm vụ cho Bộ NN&PTNT, TN&MT, các tỉnh, thành có liên quan.
Bà Hà cho biết, TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở TN&MT thực hiện các nhiệm vụ liên quan khắc phục tình trạng ô nhiễm sông Bắc Hưng Hải. Tiếp thu ý kiến của cử tri, thành phố sẽ chỉ đạo rà soát các nhiệm vụ được phân công thực hiện để sớm có kết quả báo cáo cử tri.
Được giao nhiều cơ chế đặc thù, vượt trội
Trao đổi với cử tri, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài nhấn mạnh, các ý kiến của cử tri đều là vấn đề lớn, liên quan đến thẩm quyền của Quốc hội, các cơ quan Trung ương. Về Luật Thủ đô (sửa đổi), thành phố đang rất tích cực phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan để ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành.
“Trong Luật đã cho thành phố nhiều cơ chế đặc thù, vượt trội mà nơi khác không có. Thành phố đang triển khai theo quy trình, thủ tục, các bước theo quy định, phối hợp với các bộ, ngành để sớm triển khai các chính sách đặc thù”, bà Hoài nói và cho biết, đây là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng để phát huy được tiềm năng, nội lực của thành phố phục vụ sự phát triển.
Nói về vấn đề ô nhiễm môi trường, bà Hoài cho rằng, “đây là vấn đề bức xúc”. Theo bà, lãnh đạo thành phố, sở, ngành sẽ tiếp tục bàn bạc, phối hợp với các bộ, cơ quan Trung ương để sớm giải quyết những bức xúc của nhân dân.
Chia sẻ với cử tri về một số thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là việc tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, những hoạt động này đã khích lệ sự tự hào, khơi dậy truyền thống hào hùng của Thủ đô, tạo tâm thế cống hiến, vượt qua những khó khăn, thách thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thành phố.
Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, thành phố đang quyết liệt triển khai một số nhiệm vụ, như tổ chức triển khai Luật Thủ đô; thúc đẩy tiến độ dự án trọng điểm như Vành đai 4, các tuyến vành đai để góp phần mở rộng không gian phát triển, tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội. Thành phố chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở, không để phát sinh điểm nóng trên địa bàn.
“Các cấp ủy, chính quyền ở Gia Lâm và Hoàng Mai cần tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc bức xúc, không để phát sinh điểm nóng trên địa bàn ngay từ nơi phát sinh, tránh để từ dưới không giải quyết rồi lên quận, lên thành phố”, bà Hoài nói.