Ngày 26/4, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp của Hội đồng thẩm định quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 (quy hoạch điện VIII), quy hoạch ngành quốc gia đặc biệt quan trọng trong hệ thống quy hoạch ngành quốc gia.
Hội đồng đã bỏ phiếu đánh giá và đa số phiếu nhất trí thông qua dự thảo quy hoạch điện VIII để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt trong tháng 5/2022.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhất trí với đánh giá của Hội đồng thẩm định, theo đó quy hoạch điện VIII được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, khoa học, với tinh thần trách nhiệm cao, cầu thị, trên cơ sở tham khảo, tiếp thu tối đa ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.
Quy hoạch điện VIII cũng bám sát Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045; gắn liền với các cam kết liên quan đến chuyển dịch năng lượng theo tinh thần cam kết tại Hội nghị COP 26.
Tới thời điểm hiện nay, có thể khẳng định quy hoạch điện VIII đạt được các mục tiêu, khắc phục được một số tồn tại trước đây. Cụ thể, tổng quy mô công suất nguồn điện dự kiến phát triển đến năm 2030 khoảng 146.000 MW, giảm khoảng 35.000 MW so với phương án trước. Nếu giữ nguyên như trước thì mức đầu tư sẽ lớn, dàn trải.
“Chúng ta cũng thống nhất cao về cơ cấu phân bổ vùng miền, hạn chế truyền tải đi xa. Điều này rất quan trọng bởi với từng ấy sản lượng điện nhưng nếu chuyển từ miền Trung ra miền Bắc để sử dụng thì sẽ lãng phí đường dây, hao hụt…”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Điểm tồn tại nữa mà quy hoạch lần này đã khắc phục theo Phó Thủ tướng là cơ cấu nguồn điện, giảm điện than, tăng năng lượng tái tạo. Quy hoạch có sự đổi mới tư duy, cách làm khi liên quan đến lợi ích của các địa phương, doanh nghiệp, với mong muốn giữ lại nhiều dự án trong Quy hoạch.
“Tinh thần xây dựng quy hoạch là đặt lợi ích chung lên trên hết, tiết kiệm hàng chục tỷ USD. Việc giảm đầu tư đường dây, giảm chi phí vận chuyển sẽ giúp giảm giá thành điện”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương và các bộ ngành khẩn trương tiếp thu ý kiến Hội đồng thẩm định, hoàn thiện dự thảo trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt trong tháng 5/2022.
Phó Thủ tướng yêu cầu, tuyệt đối không lồng ghép cơ chế, chính sách trong dự thảo quy hoạch. Việc phân công nhiệm vụ cho các bộ, ngành phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước và tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật.
“Các Bộ: Công Thương, Tư pháp, Văn phòng Chính phủ rà soát thật kỹ dự thảo quy hoạch, dự thảo Quyết định phê duyệt quy hoạch của Thủ tướng, đảm bảo không lồng ghép bất kỳ cơ chế, chính sách nào ngoài các quy định hiện hành của pháp luật”, Phó Thủ tướng lưu ý và yêu cầu Bộ Công Thương phải xây dựng một kế hoạch tổ chức thực hiện Quy hoạch theo lộ trình.
Thu Hằng
Giảm quy mô đầu tư quy hoạch điện VIII gần 2 triệu tỷ đồng
Đại biểu QH: Tư nhân làm truyền tải, có thể giá điện sẽ cao
ĐB Vũ Thị Lưu Mai cho hay, có thể giá điện sẽ cao khi tư nhân tham gia vận hành truyền tải điện. Do vậy, cần có đánh giá tác động để đảm bảo bình ổn giá, tránh ảnh hưởng đến người dân.
Xóa bỏ rào cản để có biểu giá điện minh bạch, không bù chéo
Xoá bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá điện minh bạch; không bù chéo; xây dựng biểu giá công khai, minh bạch và sẽ lấy ý kiến người dân để lựa chọn phương án phù hợp.