Ngày 1/3 tới, Dune 2 - Hành tinh Cát 2 sẽ được trình chiếu tại Việt Nam với dàn diễn viên nổi tiếng Timothée Chalamet, Zendaya, Rebecca Ferguson… Bộ phim được đầu tư tới 190 triệu USD chuyển thể từ truyện Xứ Cát của Frank Herbert. 

Trailer 'Dune 2 - Hành tinh cát 2' được Warner Bros. Pictures và Legendary tung ra vào tháng 12/2023

Nhiều năm nay, các nhà phê bình dành đủ lời có cánh cho bộ truyện Xứ Cát: “Một trong những tượng đài tiểu thuyết khoa học giả tưởng hiện đại” (Chicago Tribune), “Không gì sánh nổi, ngoại trừ Chúa Nhẫn” (Arthur C. Clarke), “Một phần vĩ đại của công trình tưởng tượng, ma lực không thể phủ nhận” (Los Angeles Herald Examiner), “Bức tranh toàn cảnh về một xã hội ngoài hành tinh hoàn thiện và chi tiết hơn bất kỳ tác giả nào trong lĩnh vực này từng dựng được… Một câu chuyện vừa lôi cuốn bởi hành động vừa bởi tầm nhìn triết học” (Washington Post Book World)… 

Xứ Cát cũng đạt thành công lớn về mặt doanh thu khi bán được khoảng 20 triệu bản và dịch sang hơn 20 thứ tiếng. Truyện được các nhà làm phim lựa chọn để chuyển thể. Năm 2022, phim Dune - Hành tinh cát đã giành 6 giải Oscar. Phần 2 sẽ ra mắt trên toàn cầu từ ngày 28/2 tới. 

Tuy nhiên, con đường tới với độc giả của tiểu thuyết khoa học viễn tưởng đồ sộ này lại thật long đong. 

xu cat 1.jpg
Hàng loạt ngôi sao tham gia đóng bộ phim chuyển thể từ 'Xứ Cát' của Frank Herbert. Ảnh: The Direct

Dành 10 năm để hoàn thành sách

Sinh năm 1920 tại Mỹ, Frank Herbert làm nhiếp ảnh gia suốt 6 tháng trong hải quân. Nhưng rồi ông dính vào một vụ tai nạn gây chấn thương và phải xuất ngũ, chuyển sang làm báo ở tuổi 19. Ngoài ra, ông còn lăn lộn đủ nghề như thợ lặn bắt hàu, chuyên viên hướng dẫn kỹ năng sống sót trong rừng rậm… 

Herbert là hình ảnh tiêu biểu của một người không muốn lãng phí thời gian vào những thứ ông cho là vô ích. Người con trai Brian tiết lộ cha mình chưa học hết đại học do chỉ muốn tìm hiểu những gì ông quan tâm.

Ý tưởng viết Xứ Cát hình thành vào thời gian Herbert được tòa soạn giao viết bài về các cồn cát ở bang Oregon. Năm 1957, Herbert tìm hiểu cách Bộ Nông nghiệp Mỹ ngăn chặn sự xâm lấn của cồn cát bằng cỏ biển. Ông thấy hứng thú khi nghiên cứu hệ sinh thái của sa mạc và bắt đầu suy nghĩ về các tôn giáo, đặc biệt là Hồi giáo, đã phát sinh như thế nào trong điều kiện khắc nghiệt. 

Ông mê đắm đề tài đó, thu thập một lượng tư liệu khổng lồ và nảy ra mong muốn viết một cuốn tiểu thuyết. 

xu cat top.jpg
Timothée Chalamet trong vai Công tước trẻ tuổi Paul Atreides. Ảnh: Variety

Để hoàn thành Xứ Cát, Herbert đã dành 10 năm nghiên cứu và viết. Người đọc sẽ theo chân nhà quý tộc trẻ Paul Atreides vượt qua nghịch cảnh đến với sứ mệnh của mình là nhà lãnh đạo trên hành tinh khô cằn Arrakis. Truyện giống như một cuốn sử thi, có bối cảnh đa dạng, hệ sinh thái, tôn giáo và chính trị phức tạp. 

Tác phẩm của Herbert không chỉ dừng lại ở riêng Paul hay hành tinh Arrakis, nơi người dân phải gom nhặt từng giọt nước để tồn tại. Tiểu thuyết khoa học giả tưởng với diễn biến lôi cuốn dẫn dắt đi sâu vào triết học, tôn giáo, chính trị, tâm lý học, sinh thái học. Từ đó, nhiều độc giả đã trở nên say mê các lĩnh vực trên, hâm mộ tới mức cuồng tín Herbert và vũ trụ xoay quanh Xứ Cát. 

xu cat 4.jpg
Frank Herbert vào tháng 9/1982. Ảnh: History Link

Bị 20 nhà xuất bản từ chối, khiến 1 biên tập viên bị đuổi việc 

Ban đầu, Xứ Cát được đăng nhiều kỳ trên tạp chí Analog từ năm 1963 tới 1965. Sau đó, Herbert nghĩ tới việc xuất bản thành sách nhưng hành trình đó cam go không kém cuộc phiêu lưu của các nhân vật trong trường thiên tiểu thuyết. 

Herbert phải đối mặt với vô số lời từ chối của các công ty xuất bản không quan tâm đến tiểu thuyết khoa học viễn tưởng tập trung nhiều vào chính trị và tôn giáo. Xứ Cát bị 20 nhà xuất bản phớt lờ. Cuối cùng, một công ty nhỏ đã chấp nhận bản thảo của Herbert. Đó là Chilton Books, một đơn vị chuyên in cẩm nang sửa chữa ô tô. Herbert được trả trước 7.500 USD. 

Gian nan chưa dừng ở đó. Khi mới phát hành, Xứ Cát không thu hút được độc giả ngay lập tức do độ dài và giá bán đắt đỏ là 5,95 USD - một con số rất lớn vào thời điểm đó. Do doanh thu sách thấp, biên tập viên Sterling E. Lanier đã bị sa thải và Xứ Cát mang tiếng thất bại. 

Không chỉ thế, giới phê bình lúc đó cũng đánh giá thấp cuốn truyện. Vào những năm 1960, hầu hết tiểu thuyết khoa học viễn tưởng đều nói về người ngoài hành tinh và các cuộc chiến tranh không gian. Trong khi đó, Xứ Cát ẩn chứa nhiều thông điệp về chính trị, tôn giáo, sinh thái học. 

xu cat.jpg
Cuốn 'Xứ Cát' được xuất bản tại Việt Nam. Ảnh: Nhã Nam

Tuy nhiên, mọi thứ dần thay đổi. Bất chấp đánh giá kém thiện cảm từ giới phê bình, độc giả bị cuốn vào câu chuyện về những hành tinh xa xăm, bí ẩn của Xứ Cát. Tác phẩm trở thành hit lớn trong ngành xuất bản thời bấy giờ. 

Gia đình cũng hỗ trợ cho Herbert rất nhiều cho ông toàn tâm cho sự nghiệp viết lách. Ông kết hôn ba lần. Trong đó có cuộc hôn nhân kéo dài 38 năm với Beverly Ann Stuart, người vợ thứ hai mà ông yêu từ khi học Đại học Washington. Bà Beverly là người tận tụy gánh vác, kiếm tiền chính trong nhà để chồng có thể tập trung sáng tác. 

Sau hơn 20 năm lo cho gia đình, bà Beverly mới bắt đầu được cùng chồng tận hưởng quả ngọt từ Xứ Cát. Những năm 1970, Herbert thu được thành công đáng kể về mặt thương mại. Ông tiếp tục viết các cuốn kế tiếp của bộ trường thiên Xứ Cát và hàng loạt tác phẩm khác. 

Năm 1986, Herbert qua đời do biến chứng tắc mạch phổi sau ca mổ ung thư tuyến tụy, thọ 66 tuổi. 

Mười năm sau đó, con trai ông là Brian và tác giả Kevin Anderson đã bắt tay viết tiếp bộ Xứ Cát dựa trên các ghi chú, đề cương, bản thảo rời rạc của cha. 

Đọc sách cùng người lạ trong quán bar

Đọc sách cùng người lạ trong quán bar

Có khá nhiều điều thú vị trong cách đọc của giới trẻ ngày nay. Ví dụ, ở New York, cơn sốt mới nhất do TikTok thúc đẩy là đọc sách với người lạ trong quán bar.