Ảnh minh họa: Internet

Sau khi đối mặt với áp lực gia tăng từ phía Mỹ, công ty mẹ ByteDance đang cân nhắc chuyển nhà khỏi Trung Quốc sang nước khác. Họ hi vọng có thể chứng minh bản thân không có bất kỳ liên hệ gì với chính phủ Trung Quốc và các lo ngại an ninh là không cần thiết.

Năm 2019, TikTok phát triển vũ bão, cướp khách không ít của Instagram và Snapchat. Ứng dụng chế video, hát nhép nhanh chóng đứng đầu bảng xếp hạng ứng dụng Mỹ và có số lượt tải khổng lồ. Theo hãng phân tích App Annie, TikTok có 665 triệu người dùng hàng tháng, trong đó 20 triệu từ Mỹ.

Dù vậy, thành công đi cùng với nghi vấn về ByteDance, công ty nay trở thành đối tượng của cuộc đánh giá an ninh quốc gia về liên hệ với chính phủ. Dù nhấn mạnh chính sách và hoạt động kinh doanh của họ không liên quan gì tới lợi ích của Trung Quốc, ByteDance còn bị giám sát gắt gao hơn và mới đây nhất, TikTok bị cấm trên điện thoại Hải quân Mỹ.

Tháng 11, ByteDance bắt đầu tách TikTok ra khỏi hoạt động kinh doanh Trung Quốc với hi vọng có thể thuyết phục quan chức Mỹ và tránh được nguy cơ phải bán TikTok. Theo Bloomberg, đây là một phần trong kế hoạch lớn hơn nhằm chuyển trụ sở ra khỏi quê nhà.

Không có thành phố Mỹ nào nằm trong danh sách địa điểm mới nhưng Singapore là một trong các lựa chọn khả thi. ByteDance cũng nghiên cứu London (Anh) và Dublin (Ireland). Dù thế nào, nó vẫn phải thuộc khu vực có tiềm năng tăng trưởng mạnh như châu Âu và Đông Nam Á.

Kế hoạch chuyển trụ sở đã diễn ra nhiều tháng nay, song song với việc tuyển dụng nhiều người Mỹ hơn trong nhóm quản trị TikTok. Cuộc điều tra mới đây của Mỹ buộc công ty phải đẩy nhanh kế hoạch nhằm bảo vệ mảng kinh doanh 75 tỷ USD vẫn còn nhiều “đất” để phát triển.

Ngoài ra, ByteDance còn có kế hoạch lớn dành cho thị trường nghe nhạc qua Internet thông qua mở rộng mô hình đã thử nghiệm với TikTok. Nếu thuyết phục được Mỹ, Apple và Spotify có thể phải dè chừng TikTok trong tương lai gần.