Khảo sát doanh nghiệp ngành sản xuất của Navigos cho thấy hơn 50% doanh nghiệp ghi nhận sụt giảm từ 10-40% tổng doanh thu. Trong đó, 44% doanh nghiệp ngành dệt may/da giày và 35% ngành sản xuất vật liệu xây dựng sụt giảm từ 20-40% doanh thu.

Ở góc độ khác, trong 9 tháng đầu năm nay, một số sản phẩm giảm rất sâu so với cùng kỳ năm trước: Ô tô giảm 19,3%; thép thanh, thép góc giảm 14,4%; điện thoại di động giảm 12,8%; xe máy giảm 8,4%; giày, dép da giảm 5,3%; xi măng giảm 4,3%; dầu thô khai thác giảm 3,7%; quần áo mặc thường giảm 3,6%.

Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global đạt 49,7 trong tháng 9, giảm trở lại xuống dưới mốc 50 điểm sau khi đạt trên 50,5 điểm trong tháng 8, cho thấy các điều kiện kinh doanh của các nhà sản xuất Việt Nam suy giảm, mặc dù mức suy giảm là nhỏ.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 9 tăng 0,1% so với tháng 8 và tăng 5,1% so với cùng kỳ. Nhờ những nỗ lực thường xuyên, kịp thời của Chính phủ nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong sản xuất kinh doanh để thúc đẩy sản xuất, phục hồi nền kinh tế nên tính chung 9 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp lần đầu tiên kể từ đầu năm đạt mức tăng trưởng dương (tăng 0,3%).

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/9/2023 tăng 19,4% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm trước tăng 13,4%). Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 9 tháng năm 2023 là 85,3% (bình quân 9 tháng năm 2022 là 76,4%).

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan và phản ánh từ các hiệp hội, mặc dù một số doanh nghiệp đã bắt đầu nhận được đơn hàng mới trong quý III, nhiều doanh nghiệp thuộc các ngành hàng xuất khẩu chủ lực vẫn đang thiếu hụt đơn hàng nghiêm trọng. Kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện giảm 13%, dệt may giảm 12%, giày dép giảm 18%, thủy sản giảm 22%.

Trong ngành gỗ, nhu cầu giảm mạnh khoảng 3 tỷ USD, tương ứng 25% so với cùng kỳ. Doanh số bán ô tô của các thành viên Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam giảm 30% so với cùng kỳ năm 2022 và thấp hơn năm 2021, thời kỳ đỉnh dịch COVID-19.

Việc thiếu đơn hàng, sụt giảm doanh thu khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn trong giữ chân người lao động để chờ đợi thị trường phục hồi. Không ít doanh nghiệp lựa chọn phương án thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm giờ làm, cho lao động nghỉ luân phiên hoặc cắt giảm lao động...

san xuat.jpeg
Chỉ số sản xuất công nghiệp trong nước tháng 9 tăng 0,1% so với tháng 8 và tăng 5,1%. 

Điểm đáng mừng với nền kinh tế Việt Nam thiên về xuất khẩu là kinh tế toàn cầu đã có những dấu hiệu tích cực. Đặc biệt, tín hiệu phục hồi kinh tế tích cực đã xuất hiện ở hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc.

Tại Trung Quốc, theo Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI), dựa kết quả khảo sát các nhà sản xuất lớn, đã tăng lên 50,2 điểm trong tháng 9, từ mức 49,7, vượt dự báo đưa ra trước đó là 50,0.

Chỉ số PMI vượt 50 điểm cho thấy ngành/lĩnh vực được mở rộng trong kỳ khảo sát và cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã bắt đầu chạm đáy và dần lấy lại thăng bằng.

Tại Mỹ, những diễn biến mới trên thị trường lao động khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có thể sớm dừng tăng lãi suất. Dữ liệu công bố ngày 01/9/2023 cho thấy, số việc làm của lĩnh vực phi nông nghiệp ở Mỹ tăng cao hơn dự kiến, đạt 187.000 việc làm trong tháng 8 tuy nhiên tốc độ tăng trưởng việc làm của Mỹ đang chậm lại.

Vì vậy, hoạt động xuất nhập khẩu được dự báo tiếp tục khởi sắc trong những tháng cuối năm do được hỗ trợ bởi các yếu tố như lạm phát có xu hướng hạ nhiệt tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu…, tồn kho tại các nước đang giảm dần. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa cũng thường tăng cao vào dịp lễ hội cuối năm.

Ngoài ra, việc Trung Quốc – thị trường xuất khẩu hàng hóa hàng hóa lớn thứ hai của Việt Nam có động thái đã hạ lãi suất nhằm vực dậy nền kinh tế. Hy vọng nhu cầu tiêu dùng và sản xuất của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ cải thiện tích cực hơn trong thời gian tới.

Việc các nước công nghiệp phát triển tiếp tục đẩy mạnh chiến lược đa dạng hoá nguồn cung, đã dạng hóa chuỗi cung ứng, đa dạng hoá đầu tư (Trung Quốc +1) sẽ giúp Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất và xuất khẩu quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Trước hoàn cảnh đó, hoạt động xuất nhập khẩu được dự báo tiếp tục khởi sắc trong những tháng cuối năm do được hỗ trợ bởi các yếu tố như lạm phát có xu hướng hạ nhiệt tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu…, tồn kho tại các nước đang giảm dần.

Công Sáng và nhóm PV, BTV