Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Đảng ta trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt từ khi đẩy mạnh thực hiện công cuộc Đổi mới toàn diện đất nước từ 1986 đến nay. 

Nhiều chủ trương, đường lối quan trọng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa với tinh thần xuyên suốt, nhất quán là hướng tới đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm đưa đất nước trở thành nước công nghiệp phát triển có cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất.

Tuy vậy, năng lực cạnh tranh và khả năng tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu của ngành công nghiệp nói chung và các doanh nghiệp công nghiệp nói riêng còn hạn chế. Công nghiệp hỗ trợ và năng lực doanh nghiệp trong nước chưa đáp ứng yêu cầu để thu hút các ngành công nghệ tiên tiến và thúc đẩy liên kết có hiệu quả. 

Việt Nam xếp hạng 105/137 về số lượng nhà cung ứng nội địa và 116/137 về chất lượng nhà cung ứng nội địa, kém hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippines.

Bên cạnh đó, tỷ lệ nội địa hóa chưa cao, bình quân chỉ đạt 20-25%. Cụ thể, dệt may, da giày (40-45%), lắp rắp ô tô (7-10%), công nghiệp công nghệ thông tin và điện tử viễn thông (15%). Theo khảo sát của JETRO, tỷ lệ nội địa hoá của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam là 33,2%, năm 2018 là 36,3% trong khi đó, tại  Trung Quốc là 68%, Thái Lan là 57%.

Ngoại trừ ngành sản xuất xe máy, tỷ lệ cung ứng cho các ngành công nghiệp quan trọng khác như ô tô thì điện tử, công nghiệp công nghệ cao còn khá hạn chế. Khả năng tự cung ứng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước còn nhiều bất cập. 

Hầu hết các doanh nghiệp hỗ trợ trong nước là nhà cung cấp cấp 3 hoặc cấp 4, chủ yếu cung cấp các sản phẩm đơn giản, linh kiện và vật tư có giá trị thấp (ví dụ như bao bì và các chi tiết đơn giản). Chỉ có khoảng 35 doanh nghiệp trong nước là nhà cung ứng cấp 1 cho Samsung và 136 là nhà cung cấp cấp 2, chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số các nhà cung cấp.

W-tay-ho-9-62-1.jpeg
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Đảng. 

Theo UNIDO, giá trị gia tăng của công nghiệp chế biến chế tạo bình quân đầu người đạt thấp so với một số nước trong khu vực ASEAN. 

Báo cáo năng lực cạnh tranh ngành công nghiệp của UNIDO năm 2020 (CIP 2020), năm 2018, chỉ số giá trị gia tăng của công nghiệp chế biến chế tạo bình quân đầu người theo giá hiện hành của Việt Nam đạt 394 USD, bằng 22,8% của Thái Lan; 50,9% của Inđônêxia; 8,3% của Brunây; 15,9% của Malaisia; 57,9% của Philipines và 3,6% của Singapore; chỉ cao hơn các nước Lào (gấp hơn 2 lần) và Campuchia (gấp 1,7 lần). 

Thứ hạng giá trị gia tăng của công nghiệp chế biến chế tạo bình quân đầu người của Việt Nam ở vị trí khá thấp trong xếp hạng của thế giới. Xếp hạng 100 trong tổng số 152 quốc gia, thấp hơn nhiều so với thứ hạng của các nước Singapore (3), Malaysia (40), Thái Lan (49), Indonesia (72). 

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (sửa đổi, bổ sung năm 2011) yêu cầu: "Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên, môi trường". 

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, để trở thành nước công nghiệp, nước phát triển, đạt mức thu nhập cao đều phải tiến hành quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. 

Chỉ có một số ít nước không trải qua công nghiệp hóa vẫn trở thành nước phát triển hay nước công nghiệp như Singapore, Thụy Sĩ, Canada, New Zealand, Australia, Israel vì các nước này có những đặc điểm rất đặc thù. 

Với đặc điểm và điều kiện của Việt Nam, để trở thành nước có nền công nghiệp theo hướng hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2045 tất yếu phải tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa với quyết tâm cao và nỗ lực bền bỉ.

Văn Giáp và nhóm PV, BTV