Thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06), tỉnh Hà Giang đang từng bước được hiện thực hóa trong quản trị, điều hành hành chính công và đời sống xã hội.
Là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn về kinh tế, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 80% dân số, tỷ lệ hộ nghèo cao, một bộ phận người dân còn chưa biết đọc, biết viết, biết tiếng phổ thông; một bộ phận không nhỏ người dân không có điện thoại di động, chưa có điều kiện tiếp cận với internet; cơ sở vật chất, hạ tầng, nguồn lực còn nhiều hạn chế; trang thiết bị về công nghệ thông tin còn thiếu, lạc hậu. Hiện nay trên địa bàn tỉnh còn 27 thôn, bản chưa có sóng viễn thông, nhiều khu vực chất lượng phủ sóng còn thấp, chưa ổn định; 112 thôn, bản chưa có điện lưới…
Tuy nhiên, qua 2 năm thực hiện Đề án 06, công tác triển khai trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao nghiêm túc; nhận thức, hành động của các cấp, ngành và nhân dân về Đề án 06 đã có sự chuyển biến tích cực; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, triển khai quyết liệt, đồng bộ và linh hoạt các giải pháp với quyết tâm cao. Qua đó, các nhiệm vụ Đề án 06 thuộc trách nhiệm của địa phương cơ bản được tổ chức thực hiện kịp thời và đạt được những kết quả tích cực.
Công an huyện Yên Minh giải quyết thủ tục cấp Căn cước công dân trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến. |
Tính đến hết quý I/2024, tổng số thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến các tổ chức, cá nhân có hiệu lực áp dụng trên địa bàn tỉnh trong nhóm tiện ích phục vụ giải quyết TTHC, dịch vụ công trực tuyến là 1.876 thủ tục. So với năm 2023, toàn tỉnh đã tiếp nhận, giải quyết trực tuyến 39.960 hồ sơ, đạt 88,8%, tăng 16,5%; kết quả giải quyết TTHC đúng hạn và trước hạn trên Cổng dịch vụ công quốc gia đạt 95,7%, tăng 5%; số lượng hồ sơ thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công đạt tỷ lệ 93,75%, tăng 29%.
Đối với kết quả giải quyết 25 dịch vụ công thiết yếu, trong 3 tháng đầu năm, tỷ lệ tiếp nhận, giải quyết trực tuyến đạt 95%, tăng 18% so với năm trước, 100% các sở, ngành, địa phương đều thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu được giao. Tỉnh đang tích cực phối hợp với Bộ Công an triển khai kết nối Cổng dịch vụ công của tỉnh với Hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an phục vụ đăng nhập bằng VNeID (SSO), phấn đấu hoàn thành đúng lộ trình trước tháng 6.2024.
Trong nhóm tiện tích dịch vụ phát triển KT – XH, tỷ lệ triển khai khám, chữa bệnh sử dụng thẻ Căn cước công dân thay thế thẻ BHYT toàn tỉnh đạt 92,7%, tăng 11% so với năm 2023, vượt chỉ tiêu được giao; triển khai chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt đạt 100% trên tổng số đối tượng có nhu cầu chi trả qua tài khoản.
Với nhóm tiện ích phục vụ công dân số, đã triển khai phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử toàn tỉnh, đã kết nối liên thông với 17/17 bệnh viện; triển khai tích hợp lên ứng dụng VNeID; tỷ lệ người dân đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử đạt 66,7%; triển khai thông báo lưu trú trên ứng dụng VNeID đạt hơn 24.800 lượt người... Những kết quả trên đã góp phần giúp chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) của tỉnh năm 2023 tăng 29 bậc so với năm 2022, đưa Hà Giang xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn khẳng định: Những kết quả của Đề án 06 đã mang lại những giá trị quan trọng cho công tác chuyển đổi số của tỉnh. Tuy nhiên, đây chỉ là bước đầu, nhiệm vụ trong thời gian tới sẽ ngày càng khó khăn và nhiều thách thức. Vì vậy cả hệ thống chính trị cùng nỗ lực phấn đấu, khắc phục mọi khó khăn để tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC, tiếp tục triển khai hiệu quả các mục tiêu chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển KT – XH của tỉnh.
Theo Lương Hà (Báo Hà Giang)