Cỗ xe tam mã
Phát biểu tại hội nghị sơ kết ngành tài chính ngày 7/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Dù trong bối cảnh nào, ngành tài chính vẫn là huyết mạch của nền kinh tế, vì “người ta hay nói là có thực mới vực được đạo”, không có nguồn lực tài chính thì khó trong điều hành. Cho nên trong khó khăn, chúng ta càng thấy vai trò quan trọng của ngành tài chính. Cùng với chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa là một trong những công cụ quan trọng nhất của Nhà nước để kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng.
Ví cỗ máy tăng trưởng như cỗ xe tam mã gồm đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng, Thủ tướng đặt vấn đề ngành tài chính đóng góp lực đẩy cỗ xe tam mã này như thế nào để kéo nền kinh tế là câu hỏi lớn của toàn ngành tài chính.
Do đó, Chính phủ, các cấp, các ngành, cả nước đều kỳ vọng, muốn lãnh đạo ngành tài chính đổi mới mạnh mẽ, chỉ đạo đột phá trong tư duy phát triển để chính sách tài khóa nói riêng, chính sách tài chính nói chung thực sự tạo ra những động lực to lớn cho nền kinh tế phục hồi, phát triển, tận dụng tốt cơ hội sớm khống chế thành công dịch bệnh.
Thời gian khó khăn vừa qua chính là thời điểm thể hiện bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam và sự đoàn kết, chung sức đồng lòng của dân tộc ta tỏa sáng, đúng là “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, càng khó khăn, chúng ta càng nỗ lực vượt khó vươn lên. Kết quả quan trọng đạt được cả 3 trụ cột: Phòng, chống dịch; duy trì tăng trưởng; bảo đảm an sinh xã hội. Thủ tướng cho rằng, điều này có đóng góp quan trọng của đội ngũ trên 70.000 cán bộ, công chức, viên chức ngành tài chính.
Thủ tướng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. |
Thủ tướng ghi nhận ngành tài chính đã xử lý kịp thời mọi khoản kinh phí, bảo đảm nhiệm vụ phòng, chống dịch, cách ly xã hội, hỗ trợ người dân, viện trợ nhân đạo, đặc biệt ngay trong lúc dịch bệnh chưa kết thúc, ngành Tài chính đã đưa ra các chính sách hỗ trợ phí, thuế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, đề xuất chính sách chưa nâng lương cho cán bộ, công chức...
Thủ tướng đề nghị tập trung nghiên cứu, triển khai một số quan điểm, định hướng chủ đạo. Trước hết, Bộ Tài chính, cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng nhiệm vụ quản lý Nhà nước về tài chính, ngân sách, cần có sự đổi mới về tư duy phát triển và hoạch định chính sách. Cần có quan điểm chủ động, tích cực hơn về vai trò chính sách tài khóa trong tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng.
"Tài chính không chỉ là bảo đảm thu chi ngân sách Nhà nước, tài chính cần được hiểu theo nghĩa rộng là nuôi dưỡng nguồn thu, tạo động lực thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn hiện nay", Thủ tướng nhấn mạnh.
Về chính sách tài khóa, Bộ Tài chính cần chủ động nghiên cứu xây dựng sớm báo cáo cấp có thẩm quyền các cơ chế, chính sách, giải pháp tài khóa linh hoạt, hiệu quả để hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế.
Cho biết, IMF cũng như nhiều nước trên thế giới đã liên tục đưa ra những gói kích thích tài khóa khổng lồ lên đến trên 11.000 tỷ USD, đưa mức thâm hụt ngân sách toàn cầu lên đến 13,9% GDP, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất cụ thể về các gói kích thích tài khóa, các giải pháp tiếp tục giãn, hoãn, miễn, giảm thuế và huy động thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển để kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng, báo cáo cấp thẩm quyền theo quy định.
Về quy mô tỉ lệ nợ công/GDP, chúng ta đã giảm ở mức dưới 55% GDP. Vì vậy, theo Thủ tướng, có thể nâng mức bội chi và nợ công thêm khoảng 3-4% GDP và không ảnh hưởng đến an toàn tài chính quốc gia cả trước mắt và lâu dài. Vấn đề đặt ra là phải có phương án, có giải pháp sử dụng vốn hiệu quả.
Giãn thuế được 43 nghìn tỷ đồng, thấp hơn dự báo
Trình bày tại hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng ước đạt 44,2% dự toán, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm 2019; nếu thu từ cổ phần hóa đạt tiến độ dự toán, cộng với số thuế đã gia hạn, thì đạt khoảng trên 48% dự toán.
Đây là năm có tiến độ thu ngân sách đạt thấp nhất kể từ năm 2013.
Tổng chi ngân sách nhà nươcs tính đến hết tháng 6 ước đạt 41,8% dự toán, trong đó: chi đầu tư phát triển đạt 33,1% dự toán, chi trả nợ lãi đạt 50,3% dự toán, chi thường xuyên đạt 48,2% dự toán. Nhìn chung, công tác điều hành chi NSNN thực hiện chủ động, đảm bảo chặt chẽ, đúng chính sách, chế độ.
Đến nay ngân sách nhà nước đã chi khoảng 15,3 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trong đó: chi cho công tác phòng chống dịch là 4,1 nghìn tỷ đồng; chi hỗ trợ cho hơn 11 triệu đối tượng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ khoảng 11,3 nghìn tỷ đồng.
Đáng chú ý, theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến cuối tháng 6, cơ quan Thuế đã tiếp nhận, xử lý kịp thời, đúng quy định 149 nghìn đề nghị gia hạn thuế, tiền thuê đất của doanh nghiệp, hộ và cá nhân kinh doanh; tổng số tiền được gia hạn khoảng 43 nghìn tỷ đồng, thấp hơn so với dự báo (khoảng 180 nghìn tỷ đồng).
Lý do là khi tính toán tác động dựa trên tình hình thực hiện những tháng cuối năm 2019, chưa dự báo được những khó khăn nghiêm trọng của kinh tế 6 tháng đầu năm 2020.
Trong những tháng còn lại, diễn biến dịch bệnh Covid-19 trên thế giới còn phức tạp, ảnh hưởng lớn đến kinh tế Việt Nam. Bên cạnh đó, thiên tai mưa bão và các dịch bệnh khác cũng có thể tác động lớn đến sản xuất và đời sống người dân.
"Song với tinh thần quyết tâm cao nhất, không chủ quan, ngành Tài chính phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ thu, chi NSNN năm 2020", Bộ Tài chính cho biết.
Hà Duy
Tăng trưởng giảm, ngân sách hụt thu: Chính phủ ra giải pháp ứng phó
Trường hợp tăng trưởng GDP khoảng 4,5%, thu ngân sách dự kiến giảm khoảng 163 nghìn tỷ đồng.