Chính phủ vừa có tờ trình gửi Quốc hội một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu khắc phục tác động của đại dịch COVID-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế.

Chưa điều chỉnh chỉ tiêu kinh tế - xã hội

Liên quan kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2020, Chính phủ trình Quốc hội trước mắt chưa điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2020 theo Nghị quyết số 85/2019/QH14 ngày 11/11/2019 của Quốc hội.

Đồng thời, Chính phủ đề nghị cho phép không căn cứ vào các chỉ tiêu này mà dựa trên tình hình thực tiễn trước những tác động, ảnh hưởng lớn của đại dịch và nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước để đánh giá kết quả thực hiện năm 2020.

{keywords}
Tăng trưởng năm 2020 gặp thách thức lớn vì dịch bệnh. Ảnh: Lương Bằng

Đối với dự toán ngân sách nhà nước, Chính phủ trình Quốc hội cho phép chủ động điều hành, điều chỉnh các chỉ tiêu về ngân sách nhà nước năm 2020, trong đó có thu ngân sách, bội chi ngân sách và nợ công cho phù hợp tình hình thực tiễn, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng GDP.

Cụ thể, Bội chi ngân sách nhà nước không quá 309,8 nghìn tỷ đồng, tương ứng khoảng 4,73% GDP, tăng 75 nghìn tỷ đồng so với dự toán đầu năm; nợ công khoảng 55,5% GDP.

Trường hợp tăng trưởng GDP khoảng 3,6%, Chính phủ cho biết thu ngân sách dự kiến giảm khoảng 190 nghìn tỷ đồng. Trường hợp này, bội chi ngân sách không quá 324,8 nghìn tỷ đồng, tương ứng khoảng 5,02% GDP, tăng 90 nghìn tỷ đồng so với dự toán; nợ công khoảng 56,4% GDP.

Với tình hình thu ngân sách như trên, Chính phủ cũng nhấn mạnh sẽ phát động phong trào tiết kiệm trong toàn hệ thống chính trị và xã hội để dồn nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế.

Theo đó, thực hiện cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương (trừ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Y tế, kinh phí thực hiện năm chủ tịch ASEAN 2020 và các hoạt động ngoại giao quốc gia khác của Bộ Ngoại giao) và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020, đặc biệt là các khoản chi mua sắm chưa thực sự cần thiết.

Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương chủ động sử dụng các nguồn dự phòng, dự trữ, tăng thu, tiết kiệm chi, kết dư ngân sách địa phương, nguồn cải cách tiền lương còn dư và các nguồn lực hợp pháp khác để đảm bảo các nhiệm vụ chi quan trọng, trong đó có phòng chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai và các nhiệm vụ cấp bách khác theo quy định.

Bên cạnh đó, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2017-2020 sang năm 2021 và lùi thời gian ban hành định mức phân bổ dự toán chi NSNN để áp dụng cho thời kỳ ổn định ngân sách mới.

Bởi vì, trong điều kiện tình hình kinh tế, cân đối thu chi ngân sách còn có khả năng biến động lớn, Chính phủ cho rằng nếu căn cứ vào các dự báo tại thời điểm hiện nay để xây dựng và trình ban hành hệ thống định mức phân bổ ngân sách của năm 2021 để áp dụng cho cả thời kỳ ổn định NSNN giai đoạn 2021-2025 “có thể dẫn đến những rủi ro, khó khăn” trong cân đối nguồn lực khi tổ chức triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội theo các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng XIII cho 10 năm tới, các Nghị quyết của Quốc hội cho giai đoạn 5 năm, kể cả ở cấp trung ương và các địa phương .

{keywords}
Chính phủ đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

Gỡ vướng về thủ tục, cắt giảm thanh kiểm tra

Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xây dựng đã được Chính phủ trình Quốc hội tại Tờ trình số 366/TTr-CP ngày 28 tháng 8 năm 2019. Quốc hội đã cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, và dự kiến thông qua tại Kỳ họp này. Chính phủ trình Quốc hội cho phép áp dụng các nội dung sau, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.

Cụ thể, miễn giấy phép xây dựng đối với công trình đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở hoặc đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng.

Ngoài ra, bãi bỏ thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng của Bộ Xây dựng và phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép xây dựng đối với công trình cấp đặc biệt.

“Việc sớm áp dụng những quy định nêu trên sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn, giảm chi phí, thời gian cho người dân và doanh nghiệp khi triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình” Chính phủ cho biết.

Chính phủ cũng nhấn mạnh tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ vướng mắc cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh. Sửa đổi, bổ sung phù hợp chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành để khuyến khích gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, phát triển sản xuất trong nước, đặc biệt là đối với ngành công nghiệp ô tô, trình Quốc hội khoá XIV tại Kỳ họp thứ 10.

Đồng thời, Chính phủ yêu cầu cắt giảm, hạn chế các cuộc thanh tra, kiểm tra trong năm 2020, không thanh tra ngoài kế hoạch, trừ trường hợp đặc biệt được cấp có thẩm quyền giao hoặc có dấu hiệu vi phạm. Chuyển đổi phù hợp cơ chế kiểm tra, giám sát từ tiền kiểm sang hậu kiểm, gắn với minh bạch hoá các chế tài xử lý có đủ mức độ răn đe; kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp vi phạm.

Nhằm chia sẻ những khó khăn chung của người dân và doanh nghiệp, thực hiện Kết luận số 77-KL/TW của Bộ Chính trị, Chính phủ trình Quốc hội trước mắt chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 01/7/2020; đồng thời thực hiện điều chỉnh tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng và trợ cấp ưu đãi người có công cùng với thời điểm điều chỉnh tăng lương cơ sở mới.

Lương Bằng

Nhập khẩu từ sợi vải đến khung sắt, phận làm thuê trên quê hương mình

Nhập khẩu từ sợi vải đến khung sắt, phận làm thuê trên quê hương mình

Nếu làm được thép nóng, làm được sợi, vải, phát triển công nghiệp cơ khí, chế tạo... chúng ta sẽ làm chủ được nền tảng sản xuất, quyết định sự thịnh vượng của quốc gia.