Đám cưới không tình yêu

Ngày còn trẻ, ông Giáp Văn Chung (nay 69 tuổi) và bà Châu Thị Huệ (nay 69 tuổi) sống trên cùng một con hẻm ở TPHCM. Dẫu vậy, ông bà chưa một lần dừng lại trò chuyện dù nhiều lúc gặp mặt, đi ngang qua nhau trên đường.

Thế nhưng, duyên nợ lại tìm đến, kết nối hai người thành vợ chồng.

Đến tuổi dựng vợ, bố mẹ ông Chung chỉ thấy con trai chơi với đám trẻ con trong xóm, nên quyết định mai mối, cưới vợ cho con.

Thấy con trai hay đến nhà người thân của bà Huệ chơi, bố mẹ ông Chung ngỡ ông có cảm tình với người phụ nữ này. Không cần thông báo trước, bố mẹ ông Chung lên kế hoạch đến hỏi cưới bà Huệ cho con trai.

tinh-tram-nam-1.png
Ông Chung và bà Huệ không trải qua thời gian tìm hiểu, đã nên vợ nên chồng. Ảnh chụp lại từ chương trình

Tại chương trình Tình trăm năm tập 205, ông Chung kể: “Bố mẹ mai mối mà không hề báo trước cho tôi. Một hôm, tôi chuẩn bị đi làm thì bố mẹ bảo thu xếp đến nhà vợ tôi bây giờ bỏ rượu (lễ dạm ngõ ở miền Nam).

Tôi rất bất ngờ nhưng vẫn nghe theo. Bỏ rượu xong, tôi ra về. Sau đó, bố mẹ tôi thông báo 3-4 tháng sau sẽ làm đám hỏi.

Từ lúc bỏ rượu đến khi làm đám hỏi, tôi và bà ấy cũng không gặp mặt, trò chuyện với nhau lần nào. Dù có đến chơi nhà và xác định bà ấy sẽ là vợ của mình, tôi cũng chỉ ngồi trò chuyện với các em nhỏ rồi ra về”.

Trong khi đó, bà Huệ rất bất ngờ khi được bố mẹ thông báo bà sẽ trở thành vợ của ông Chung. Bởi lúc ấy, bà như đóa hoa mới nở, được nhiều thanh niên trong xóm theo đuổi, chinh phục.

Sau nhiều đắn đo, bà quyết định nghe lời bố mẹ, đồng ý lấy ông Chung, người chưa một lần trò chuyện làm chồng. Lý do là vì bà thấy ông hiền lành, ít nói, không bao giờ trêu chọc, tán tỉnh bà như những người đàn ông khác.

Trước lễ cưới ít ngày, mẹ ông Chung bất ngờ không đồng ý việc con dâu tương lai khác tôn giáo. Mẹ ông Chung nhất quyết bắt bà Huệ phải cải đạo, theo tôn giáo của nhà chồng.

Sự việc khiến bố bà Huệ tức giận. Bố bà Huệ cự tuyệt lời đề nghị của thông gia, đòi hủy bỏ đám cưới. Rất may sau đó, ông Chung và bố của mình đến nhà bà Huệ giải thích nên chuyện cưới xin được tiếp tục.

Cưới người mình không yêu, chưa có tình cảm, dù lễ hỏi hay trong ngày cưới, đôi vợ chồng trẻ cũng không nói chuyện, lộ vẻ hạnh phúc. Thậm chí hôm rước dâu, ông Chung cũng không dám đứng gần, đi bên cạnh cô dâu.

tinh-tram-nam-2.png
Ông bà có với nhau cuộc hôn nhân bền chặt. Ảnh chụp lại từ chương trình

Ông Chung kể: “Đêm tân hôn, tôi cũng không dám gần gũi vợ mà mạnh ai nấy ngủ.

Chúng tôi sợ và ngại ngùng đến mức không dám nhúc nhích hay nhìn mặt nhau. Cưới được một tuần, tôi mới dám ngỏ lời xin bà ấy để tôi được phép 'làm chồng'”.

Hạnh phúc đến muộn

Vốn không được lòng mẹ chồng, bà Huệ về làm dâu trong tủi cực. Bà bị mẹ chồng phân biệt đối xử với những người con dâu khác. Thậm chí, có lần bà bị mẹ chồng đuổi đi.

Uất ức, bà gọi chồng dùng xích lô chở mình cùng 2 con nhỏ sang quận 8 (TPHCM) ở nhờ nhà người quen. Tại đây, bà và 2 con sống trong ngôi nhà chật hẹp, ẩm thấp trong khi ông Chung vô tâm quay xe, trở về nhà bố mẹ đẻ.

Không có chồng giúp đỡ, bà Huệ để con ở nhà, đi làm công nhân. Chiều về, bà chứng kiến cảnh con nheo nhóc nhớ mẹ khóc đến sưng mắt, gầy xọp. Không thể chịu đựng thêm, bà gọi chồng đưa mình đến ở nhờ nhà của người chị dâu thứ 2.

Sau đó, bố bà Huệ cắt cho con gái mảnh đất nhỏ để bà dựng chòi lá nuôi con. Khổ nỗi, đây là vùng đất trũng, thường xuyên ngập nước. Mỗi khi triều cường, mẹ con bà lại bó gối ngồi trên giường tre chờ nước rút mới dám xuống đất.

tinh-tram-nam-3.png
Hiện, ông bà có cuộc sống hạnh phúc trong gia đình tứ đại đồng đường. Ảnh chụp lại từ chương trình

Thương con, bà xin người cô cho ở trên mảnh đất khô còn trống. Được đồng ý, bà lại chuyển nhà, đến cất chòi lá ở tạm. Ông Chung lúc này vẫn ở nhà bố mẹ đẻ, ngày nửa buổi đạp xe xích lô mưu sinh.

Bà Huệ kể: “Mỗi ngày, ông ấy chỉ đạp xích lô nửa buổi thôi. Nửa buổi còn lại, ông ở nhà. Dẫu vậy, ông cũng không đến thăm hỏi, xem vợ con của mình sinh sống như thế nào. Tôi sinh 4 người con, hầu như không một lần nào được chồng đưa đến bệnh viện. Tôi giận, buồn và tủi thân vô cùng”.

Nhắc lại chuyện xưa, ông Chung thừa nhận mình vô tư đến nỗi vô tâm, chỉ biết đi làm kiếm tiền, mặc vợ con lang bạt. Dẫu vậy, mỗi khi chạy xích lô có tiền, ông đều đưa hết cho vợ chứ không bỏ túi riêng đồng nào.

Năm 1981, vợ chồng ông Chung mua đất, sửa sang lại căn chòi lá. Sau 8 lần sửa chữa trong 30 năm, ông bà có được căn nhà đúng nghĩa.

Dù sống trong khó khăn, thiếu thốn nhưng vợ chồng ông Chung không để xảy ra cự cãi, bất hòa. Sống cùng 4 người con, ông bà chọn cách giữ vững hôn nhân, tình cảm gia đình để làm gương.

Khi có mâu thuẫn, cả hai luôn tìm cách giải quyết một cách nhẹ nhàng, tình cảm. Mỗi khi giận dỗi, muộn phiền chồng, bà Huệ chỉ để trong lòng, không cự cãi. Biết lỗi, ông Chung tìm cách làm lành rồi tự sửa sai.

Nhờ vậy, dù hiện nay phải sống cùng con, dâu, rể, cháu nội, ngoại trong một nhà, ông bà vẫn thuận hòa, yêu thương lẫn nhau.

Cuối chương trình, ông Chung bất ngờ gửi lá thư đầu tiên cho vợ sau 51 năm chung sống. Trong thư, ông nhắc nhớ kỷ niệm tự tay đưa vợ con rời nhà đến ở nhờ nhà người khác. Ông cũng chia sẻ việc vợ bị mẹ chồng đối xử bất công.

Cuối cùng, ông cám ơn bà đã âm thầm chịu đựng sự bất công ấy để vẫn yêu thương, chăm lo cho ông và các con. Cuối thư, ông khẳng định mình biết ơn và luôn yêu thương bà thật nhiều.

Lời thư xúc động khiến bà Huệ nở nụ cười hạnh phúc. “Tôi rất vui bởi sau 51 năm mới được nhận món quà đặc biệt như thế này”, bà tâm sự.