IMG_FB762C39EF23 1.jpg
Một buổi tập huấn về chuyển đổi số tại huyện Mường Khương.

Với phương châm đưa công nghệ số cộng đồng đến từng hộ dân, Tổ công nghệ số cộng đồng thôn Xóm Mới, thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương (Lào Cai) đang từng bước giúp người dân khai thác các tiện ích mà công nghệ mang lại. Từ đó góp phần thay đổi nhận thức của toàn dân tham gia vào quá trình chuyển đổi số ở địa phương.

Thúc đẩy chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06, huyện Mường Khương cũng chỉ đạo các xã, thị trấn tiến hành kiện toàn lại, nâng cao chất lượng hoạt động của 157 Tổ công nghệ số cộng đồng với hơn 1000 thành viên. Trong đó lấy các tổ chức chính trị làm nòng cốt, tập trung hướng dẫn người dân biết sử dụng thiết bị thông minh, cài đặt sử dụng định danh điện tử mức độ 2 và thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường mạng.

Ông Phạm Xuân Thái, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mường Khương cho biết: "Chúng tôi đã tham mưu với chính quyền địa phương trong việc hướng dẫn, định hướng cho các Tổ công nghệ số cộng đồng, tập huấn, cầm tay chỉ việc cho các tổ để làm sao đạt được hiệu quả cao nhất trong việc triển khai. Đồng thời, chúng tôi  cũng lựa chọn các thầy, cô giáo ở các điểm trường, thôn mà hiểu biết về công nghệ thông tin tham gia vào Tổ công nghệ số cộng đồng là hạt nhân để hướng dẫn người dân tại các thôn, xã này".

Anh Lù Seo Dìn, ở thị trấn Mường Khương cho hay, là nông dân nên anh rất quan tâm đến các kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt. Vì thế, anh đã tích cực tìm hiểu các thông tin mình quan tâm trên các ứng dụng được Tổ công nghệ số cộng đồng hướng dẫn truy cập. Anh hào hứng nhận xét, công nghệ số không còn là cái gì đó xa vời, cao siêu, mà thực sự rất gần gũi, dễ hiểu, mang lại nhiều tiện lợi cho bản thân và đồng bào ở nơi vùng sâu, vùng xa, biên giới khi mọi khoảng cách đều bị xóa nhòa.

Thực hiện chủ trương về thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng, huyện Mường Khương đã thành lập được 157 tổ, trong đó lựa chọn những thành viên có khả năng tiếp cận tốt về CNTT để hướng dẫn nhân dân làm quen với các tiện ích, dần tiếp cận với chuyển đổi số ngay tại cơ sở.

Việc thành lập các "Tổ công nghệ số cộng đồng" ở Mường Khương nói riêng, Lào Cai nói chung chính là việc làm thiết thực thể hiện quá trình chuyển đổi số ở tỉnh biên giới này. Cái hay là công cuộc chuyển đổi số bắt đầu từ người dân, lấy người dân làm trung tâm, làm cho người dân thấy công nghệ là thứ dễ dàng, thiết thực.

Chính vì thế, khi tạo ra giá trị cho người dân, được người dân hưởng ứng sử dụng thì chuyển đổi số sẽ đi vào cuộc sống, tạo nên cộng đồng số, phát triển kinh tế số, xã hội số. Người dân tiên phong sử dụng nền tảng số, công nghệ số sẽ trở thành tác nhân thúc đẩy chính quyền chuyển đổi số mạnh mẽ hơn.

Với hiệu quả mang lại, các Tổ công nghệ số cộng đồng thực sự đã trở thành cánh tay nối dài của ban chỉ đạo chuyển đổi số các cấp, góp phần phát huy sức mạnh của toàn dân tham gia vào quá trình chuyển đổi số, thúc đẩy xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và nhất là công dân số ngay tại cơ sở.

Thời gian tới, để Tổ công nghệ số cộng đồng hoạt động hiệu quả, góp phần đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách cuộc sống, huyện Mường Khương sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Đầu tư cơ sở vật chất để thực hiện chuyển đổi số một cách đồng bộ; Phối hợp với các ngành chức năng tiếp tục tổ chức tập huấn, hướng dẫn nâng cao năng lực về chuyển đổi số cho các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng; Phổ biến khóa học "Phổ cập kỹ năng số cộng đồng" trên nền tảng học trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông đến các thành viên trong tổ, người dân để sử dụng và coi đây là tài liệu chính thức trong hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng.