“Em là đồ phù thủy”

Tự nhận là một người thất bại, một ‘con bệnh’ phải chiến đấu với những vấn đề hậu sản và trầm cảm kéo dài, tác giả Kim Oanh chia sẻ: “Tôi tin rằng ai cũng có ít nhất một lần trong đời trở thành “con bệnh tâm lý”. Khi bạn lo âu cực độ, sợ hãi cực độ, hoang mang cực độ, thất vọng cực độ, đau khổ cực độ hay bất cứ cảm xúc nào đó xảy ra vượt tầm kiểm soát bạn đều có nguy cơ rơi vào rối loạn tâm lý. Cảm giác tự giày vò và dằn vặt bản thân, tự gán cho chính mình những cái mác tồi tệ như ‘kẻ thất bại’ là một triệu chứng rất điển hình của căn bệnh trầm cảm. Rất không may, tôi đã từng mắc phải căn bệnh này.

Kim Oanh là thế hệ tác giả 9X với cách viết hiện đại và mới mẻ.

Đó là những tháng ngày lạc lối trong sự bế tắc, mất ngủ triền miên và lần đầu tiên trong suốt thập kỷ ở bên nhau, chồng phải thốt lên: “Em là đồ phù thủy” và tôi bị ám ảnh bởi ánh mắt sợ hãi của ông xã và thấy chán ghét chính mình''.

Trong cuốn sách, chị viết: “Tôi của thời điểm đó giống như một sinh vật không có linh hồn, sự sống của tôi lúc ấy chỉ là nghĩa là còn thở, còn tồn tại nhưng sự tồn tại đó có ý nghĩa gì không? Có màu sắc gì không? thì không, hoàn toàn không” và “Hóa ra, vào thời khắc đối diện với cái chết, thứ mà con người tiếc nuối nhất không phải những gì mình đã làm mà những gì mình đã không làm”.

Và rồi bằng một cách thần kỳ nào đó, vũ trụ sẽ luôn gửi những bài học để khai sáng, thức tỉnh khi chúng ta gần như đã tuyệt vọng. Think Clean đã ra đời như thế…

Tại sao lại không Think Clean để sống khoẻ hơn?

Think Clean được lấy cảm hứng từ Eat Clean - chế độ ăn uống ưu tiên sự nguyên bản của thực phẩm, thức ăn được chế biến càng qua ít công đoạn càng tốt - cách chúng ta tư duy cũng y hệt. Phần lớn suy nghĩ độc hại được hình thành do đi qua nhiều bước suy diễn, bị lọc bởi định kiến, suy đoán và cả những sang chấn tâm lý. Vậy tại sao lại không Think Clean để sống khoẻ hơn?

Tác phẩm có 5 phần với tất cả 18 chương chia nhỏ từng vấn đề để người đọc dễ tiếp thu. Có thể hình dung cuốn sách như một liệu trình chữa trị hoàn hảo: Đầu tiên là bắt đúng bệnh với Áp lực, Mệt mỏi, Bạn có thực sự khỏe mạnh. Tiếp đến là chụp X-quang tâm hồn khi tìm hiểu về Bên trong mỗi người Việt bao gồm Nhu cầu, Sang chấn, Nghiện ngập, Tự ti. Sang phần 3 là phân tích, hội chẩn từng chi tiết: Thế giới bất công với bạn hay bạn đang bất công với chính mình?, Lỗi giao tiếp - Rào cản của hạnh phúc, Tâm lý nạn nhân, Cội nguồn. Phần 4 và 5 là hướng điều trị và những toa thuốc đặc hiệu được kiểm chứng từ chính cuộc sống và nỗi đau mà người viết đã nếm trải.  

Đọc cuốn sách này, độc giả sẽ thấy nội dung không dừng lại ở lý thuyết hay lời khuyên mang tính sách vở mà có cả chỉ dẫn cụ thể những bài thực hành về detox cuộc sống, tập thói quen ‘từ bỏ’, quy hoạch các nghĩa vụ của bản thân… dựa trên công thức “Hiểu - Đổi - Lọc”. Đây chính là 3 bước quan trọng để bẻ gãy niềm tin cốt lõi độc hại.

Think Clean - Đừng tin vào tất cả những gì bạn nghĩ cũng chính là một chiến lược luyện tập sự tự trọng lành mạnh (healthy self-esteem), khuyến khích con người biết yêu bản thân theo đúng nghĩa. Mỗi chúng ta phải học cách yêu cũng như thừa nhận tất cả những gì thuộc về mình, bao gồm cả sự tổn thương - chứ nhất định không phải là một hình mẫu ‘ép” bản thân phải trở thành thì mới được người khác chấp nhận và xứng đáng được yêu thương.

Tác giả đặt câu hỏi: tại sao lại không Think Clean để sống khoẻ hơn?

Thể hiện khát khao được đồng cảm và sẻ chia chân thành, Kim Oanh cho hay: “Tôi viết Think Clean với hai bàn chân đang xỏ vào đôi giày của người đọc, mong muốn khắc phục được những vấn đề mà một độc giả ‘thiếu nghị lực’ như tôi đã và đang mắc phải. Tôi luôn kêu gọi rằng: hãy đọc cuốn sách với một cây bút. Bởi vì chỉ đọc thôi, chỉ hiểu thôi, chỉ nghĩ thôi có lẽ là chưa đủ. Bạn phải hành động ngay lập tức, trước khi lại để những thông tin trôi tuột theo thời gian”.

“Đứa trẻ bên trong người Việt”

Khi Think Clean - Đừng tin vào tất cả những gì bạn nghĩ ra mắt độc giả vào tháng 5/2023, có một khái niệm khá ấn tượng mà nhiều người đặt câu hỏi với tác giả, đó chính là khả năng tự tin nhìn thấu ‘đứa trẻ bên trong người Việt’.

Trao đổi cùng VietNamNet, chị Kim Oanh cho biết: “Tôi có hứng thú và nghiên cứu về chủ đề ‘đứa trẻ bên trong - inner child’ nhiều năm nay. Hầu hết tài liệu có thể tiếp cận đều bằng tiếng nước ngoài. Thế nhưng, ‘đứa trẻ bên trong’ của mỗi người lại bị ảnh hưởng sâu sắc bởi yếu tố văn hoá và môi trường. Chẳng hạn, uẩn ức trong tâm trí người đàn ông Việt có thể liên quan đến áp lực về việc phải nối dõi tông đường - trong khi khái niệm này hoàn toàn không tồn tại ở những xã hội không có tín ngưỡng thờ cúng và tưởng niệm người đã khuất. Bản thân tôi cũng chứng kiến sự khác biệt văn hoá có ảnh hưởng nghiêm trọng thế nào đến việc chữa lành tâm hồn khi sống hơn thập kỷ ở một quốc gia khác. Lúc bị khủng hoảng tâm lý, tôi tìm tới sự giúp đỡ của bác sĩ nhưng có rất nhiều khoảng cách khiến họ không thể hiểu vấn đề. Đó là lý do thôi thúc tôi viết ra một cuốn sách tâm lý dành riêng cho người Việt”.

"Việc thừa nhận những khó khăn tâm lý trong quá khứ không làm cho uy tín của tôi suy giảm hay năng lực chuyên môn đáng bị nghi ngờ".

Kim Oanh thừa nhận chưa bao giờ dũng cảm đến thế. Đây là cuốn sách thứ ba của chị nhưng lại là lần đầu tiên nữ tác giả 9X dám lấy câu chuyện của mình như một “case study”. Có không ít người tỏ ra hoài nghi, thậm chí mỉa mai: “Người làm tâm lý mà cũng bị rối loạn ư?”. Đây là một điều cực kỳ nhạy cảm và rất ít người làm về lĩnh vực này dám phơi bày.

Thế nhưng, Kim Oanh lại muốn mọi người hiểu rằng rối loạn tâm lý có thể xảy ra với bất cứ ai, ngay cả với người mà bạn luôn tin rằng họ ổn và không thể nào gặp khủng hoảng. Trong cuộc sống hiện đại, con người thường gán cho nhau những cái nhãn như: kẻ này mạnh mẽ, kẻ kia yếu đuối. Đó chính là thứ cản trở chúng ta nhìn ra vấn đề của người thân và chính mình. 

“Có nhiều người thiết tha bày tỏ họ cần một bờ vai xa lạ để dựa vì không dám thể hiện sự mệt mỏi, khổ sở trước mặt người thân. Bởi họ luôn bị ‘mặc định’ là bản lĩnh, chuyên giải quyết vấn đề cho người khác, thậm chí cảm thấy hổ thẹn khi nói rằng mình cũng cần giúp đỡ. Việc thừa nhận những khó khăn tâm lý trong quá khứ không làm cho uy tín của tôi suy giảm hay năng lực chuyên môn đáng bị nghi ngờ. Ngược lại, đó chính là biểu hiện chân thành nhất mà tôi muốn độc giả và khách hàng của mình biết rằng: Tôi thấu hiểu và sẵn lòng ở bên cạnh bạn. Bạn không hề cô đơn”.

Tác giả Kim Oanh sinh năm 1992, tốt nghiệp MBA tại Thụy Sĩ. Là nhà thực hành tâm lý được chứng nhận bởi CERFPA (Pháp), từng tham gia nhiều dự án nhân đạo về chăm sóc sức khỏe tâm lý cộng đồng tại Geneva (Thụy Sĩ). Các sách đã phát hành: Yêu đi đừng sợ (2017),  Làm phụ nữ không khổ tí nào (2019)