Ngày 5/11, tại phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm đến những tiêu cực trong chính ngành thanh tra.

Đại biểu Trần Quang Minh (Quảng Bình) cho rằng, hoạt động của thanh tra thời gian qua đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, nhưng bên cạnh đó còn một số bất cập ảnh hưởng đến hiệu quả, kết quả của thanh tra, đó chính là công tác cán bộ.

Đại biểu Minh đề nghị Tổng Thanh tra cho biết quan điểm nhìn nhận, đánh giá về số lượng, chất lượng đạo đức công vụ của đội ngũ làm công tác thanh tra trong cả nước hiện nay?

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Cùng vấn đề trên, đại biểu Đặng Hồng Sỹ (Bình Thuận) cho biết, thời gian vừa qua, có một số vụ việc Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra thì kết luận không có khuyết điểm, sai phạm hoặc có chỉ là kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Nhưng khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiến hành kiểm tra thì lại chỉ ra những sai phạm và phải chuyển qua xử lý hình sự.

Đại biểu Đặng Hồng Sỹ băn khoăn, vấn đề trên phải chăng là do pháp luật chưa đồng bộ, cách thực hiện pháp luật chưa đúng hay là có hay chăng việc tiêu cực trong quá trình thanh tra. Đại biểu đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết có những giải pháp gì để khắc phục trong thời gian tới?

Trả lời đại biểu vấn đề đạo đức công vụ của ngành Thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, cơ bản cán bộ công chức, người lao động của ngành đã chấp hành quy định của Đảng, Nhà nước và quy định pháp luật về đạo đức công vụ.

Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp chưa chấp hành đầy đủ, còn xảy ra vi phạm. Điển hình đó là vụ vi phạm của đoàn thanh tra Bộ Xây dựng ở tỉnh Vĩnh Phúc.

“Tôi cũng được biết cách đây gần 20 năm, ngay ở Thanh tra Chính phủ cũng có nhiều vụ việc vi phạm đạo đức công vụ, nhận hối lộ và bị xử lý hình sự”, Tổng Thanh tra Chính phủ nói.

Theo ông Đoàn Hồng Phong, trong dư luận cũng đánh giá, cán bộ thanh tra nói chung và Thanh tra Chính phủ nói riêng vẫn còn gây phiền hà, nhũng nhiễu để vụ lợi cá nhân.

“Đặc biệt, vừa qua ý kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có nói cán bộ thanh tra hiện nay rất dễ dãi, giao lưu, ăn uống với đối tượng thanh tra. Chúng tôi tiếp thu những ý kiến này để sửa đổi quy định một cách chặt chẽ hơn”, ông Đoàn Hồng Phong nói.

Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, cơ quan này đã có nhiều giải pháp nâng cao đạo đức công vụ và chất lượng cán bộ ngành Thanh tra, như ban hành 5 chuẩn mực đạo đức ngành Thanh tra, văn hoá công sở.

Đại biểu Trần Quang Minh nêu câu hỏi chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ.

Đặc biệt vừa qua, trên cơ sở giám sát của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 45 trong đó có việc nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ kết luận thanh tra.

Ông Đoàn Hồng Phong cho biết, trong Nghị quyết 45 cũng quy định trách nhiệm và đặc biệt nghiêm cấm cán bộ ngành Thanh tra không được nhận tiền, quà của đối tượng thanh tra; không được giao lưu dưới bất kỳ hình thức nào với đối tượng thanh tra; không được bỏ lọt vi phạm phải chuyển cơ quan điều tra.

Nhân buổi chất vấn, Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong mong muốn các đại biểu Quốc hội cũng như cử tri cả nước giúp cho ngành thanh tra giám sát đối với cán bộ của các đoàn thanh tra khi làm ở các bộ, ngành, địa phương.

"Nếu phát hiện những sai phạm theo điều cấm thì chúng tôi sẽ xử lý theo quy định. Trong vài tuần tới sẽ ban hành một quy chế tổ chức hoạt động của đoàn thanh tra, tương tự như quy chế kiểm tra, giám sát của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, để đề cao trách nhiệm và ngăn chặn những sai phạm về đạo đức công vụ trong hoạt động đoàn thanh tra rất nhạy cảm và rất khó khăn", ông Phong thông tin.

Ngoài ra, khi sửa Luật Thanh tra sẽ quy định về những hành vi cấm trong hoạt động của đoàn thanh tra, như cấm nhận quà, tiền và giao lưu ăn uống với đối tượng thanh tra dưới mọi hình thức. Nghiêm cấm bỏ lọt, bỏ sót, bỏ qua hành vi vi phạm của đối tượng thanh tra và một số những điều cấm khác rất cụ thể.