Theo các cuộc thăm dò dư luận đáng tin cậy tại cuộc bầu cử nghị viện châu Âu diễn ra ở Pháp hôm 9/6, đảng trung hữu Phục hưng của ông Macron dự kiến sẽ giành được từ 14,8 - 15,2% phiếu bầu, chưa bằng một nửa tổng số phiếu đạt được của đảng cực hữu Tập hợp quốc gia (RN) của chính khách kỳ cựu Marine Le Pen (ước tính từ 31,5 - 33% phiếu bầu) và chỉ nhỉnh hơn một chút so với đảng Xã hội về thứ 3 (14 % phiếu bầu).

Trong một bài phát biểu trên truyền hình tối 9/6, ông Macron đã giải thích về quyết định giải tán quốc hội Pháp và kêu gọi tổng tuyển cử sớm. Báo Guardian dẫn lời tổng thống Pháp cho biết bản thân không thể hành động như “chưa có chuyện gì xảy ra”, đồng thời thừa nhận kết quả bầu cử vừa qua ​​​​không mang lại điềm báo tốt cho chính phủ của ông.

Theo lãnh đạo Điện Elysee, ông sẽ sớm ký sắc lệnh thông báo tổng tuyển cử mới, với vòng đầu tiên sẽ được tổ chức vào ngày 30/6 và vòng thứ hai vào ngày 7/7.

“Đây là quyết định nghiêm túc, khó khăn, nhưng trên hết đó là hành động đáng tin cậy”, ông Macron nhấn mạnh và bày tỏ tin tưởng “người dân Pháp sẽ đưa ra lựa chọn tốt nhất cho chính họ và cho các thế hệ tương lai”. Ông Macron, người còn 2 năm nữa mới kết thúc nhiệm kỳ tổng thống thứ hai, cũng cảnh báo về sự trỗi dậy rõ ràng của các lực lượng dân tộc chủ nghĩa và coi đó là mối nguy hiểm cho cả Pháp lẫn Liên minh châu Âu (EU) nói chung.

Trong khi đó, phát biểu trước những người ủng hộ đảng cực hữu tại một bữa tiệc mừng chiến thắng ở Bois de Vincennes, phía đông thủ đô Paris cùng ngày, Jordan Bardella, 28 tuổi, người thay bà Le Pen làm chủ tịch đảng RN, mô tả ông Macron là “tổng thống suy yếu”. Ông Bardella lưu ý, “cách biệt chưa từng có”, lên tới 2 con số về tỉ lệ phiếu ủng hộ giữa RN và đảng của ông Macron đã phản ánh “sự phản đối và bác bỏ gay gắt của cử tri đối với tổng thống đương nhiệm và chính phủ của ông ấy”.

Bà Le Pen, lãnh đạo thực sự của đảng RN, đã hoan nghênh quyết định tổ chức tổng tuyển cử sớm của ông Macron. Nữ chính khách này cũng bày tỏ sẵn sàng làm thủ tướng nếu đảng của bà giành chiến thắng trong các vòng bỏ phiếu quốc gia sắp tới.

Tuy nhiên, Raphael Glucksmann, chính khách hàng đầu của đảng Xã hội chỉ trích động thái của ông Macron là “đầu hàng” trước đảng RN. Valérie Pécresse, một thành viên cấp cao của đảng bảo thủ Cộng hòa Pháp cũng lên án quyết định là “chơi trò may rủi với vận mệnh đất nước khi giải tán quốc hội mà không cho ai có thời gian chuẩn bị và tiến hành bất kỳ chiến dịch vận động tranh cử nào”.