Electronic Entertainment Expo hay E3 là hội chợ uy tín nhất trong lĩnh vực giải trí điện tử, được game thủ trên toàn thế giới mong chờ. Mặc dù có rất nhiều khoảnh khắc ấn tượng đã đi vào lịch sử, E3 cũng không hiếm những buổi giới thiệu gây thất vọng cho người hâm mộ. Trong khi chờ đợi E3 2015 sẽ diễn ra trong khoảng 2 tuần nữa, hay điểm qua 10 sự kiện đáng xấu hổ nhất trong lịch sử E3.

10. Rock Revolution của Konami (E3 2008)

Rock Revolution E3.

Konami là người tiên phong trong thể loại game âm nhạc với Dance Dance Revolution, tuy nhiên thể loại này chỉ thực sự thành công khi Guitar Hero xuất hiện. Nhằm cạnh tranh với Guitar Hero hay Rock Band, hãng đã cho ra mắt Rock Revolution tại những không có gì nổi bật mà màn trình diễn trên sân khấu E3 cũng dở tệ. Có lẽ vì phép lịch sự nên khán giả hôm đó không lên tiếng yêu cầu những “nghệ sĩ” của Konami rời sân khấu, tuy vậy họ cũng buộc phải thở dài ngao ngán.

9. Wonderbook (2012)

Nhằm hướng tới thị trường phổ thông, Sony đã tạo ra một sản phẩm lấy ý tưởng từ cuốn sách phép thuật và cây đũa thần trong bộ truyện nổi tiếng Harry Potter. Wonderbook sử dụng thiết bị ngoại vi dạng một cuốn sách kết hợp với tính năng nhận diện chuyển động của PS3.

Sony đã rất khôn ngoan khi nhờ được nhà văn J.K Rowling hậu thuẫn, nhưng không dùng đến cái tên “Harry Potter” lại là một nước đi ngớ ngẩn. Không những thế, một loạt trục trặc kĩ thuật trong buổi trình diễn tại E3 đã để lại cho người xem ấn tượng xấu. Nhưng dù sao Wonderbook cũng bán ra trên toàn nước Mỹ, trong khi sản phẩm tiếp theo thật sự thảm hại.

8. Battle Tag (E3 2010)

Joel McHale là gã nổi tiếng cộc cằn trong các sự kiện quảng bá game, từ VGA tới E3. Tuy nhiên khó ai có thể trách anh ta khi phải giới thiệu một thứ nực cười như Battle Tag.

E3 2010 Battle Tag.

Là một nỗ lực của Ubisoft nằm cải tiến trò chơi bắn súng laze cổ điển trong các khu vui chơi, nhưng trên thực tế lại không có cải tiến nào cả. McHale đã phải cố kìm chế để không tỏ ra xấu hổ khi giới thiệu sản phẩm này, trong khí đó sự hào hứng gượng ép của các nhân viên Ubisoft thật đáng thương hại.

Battle Tag gần như là một thiết bị ngoại vi chứ không phải một tựa game thực sự, do vậy chính Ubisoft cũng bối rối khi phân phối sản phẩm này. Rốt cục nó chỉ được phát hành “thử nghiệm” tại Texas và Canada và kết quả là thất bại hoàn toàn.

7. Vitality Sensor (E3 2009)

Wii của Nintendo nổi tiếng với loạt thiết bị hỗ trợ rất phong phú, một số rất hữu ích, nhưng một số thì hoàn toàn vô dụng. Vitality Sensor là một thất bại tiêu biểu, thậm chí những thiên tài của Nintendo cũng không thể nghĩ ra ứng dụng cho nó và sản phẩm này hoàn toàn đi vào quên lãng sau E3 2009.

Thật sự tồi tệ khi giới thiệu thứ gì đó tại E3 mà không bao giờ đưa chúng ra mắt, vì ngay cả sản phẩm nực cười như Battle Tag cũng vẫn được bán ra. Theo Nintendo, do thiếu chính xác trên đối tượng thử nghiệm nên công nghệ này phải chờ thêm một thời gian mới có thể ra mắt. Nhưng 6 năm đã trôi qua, hãy coi như nó đã yên nghỉ thì hơn.

6. Xbox One (E3 2013)

Buổi giới thiệu Xbox One tại E3 sẽ mãi được nhớ tới là một trong buổi họp báo tệ hại nhất trong lịch sử ngành công nghiệp giải trí. Microsoft khăng khăng khẳng định sự cần thiết của việc luôn kết nối với internet, nhưng lại không thể giải thích được điều này sẽ mang lại ích lợi gì cho game thủ. Cú phản đòn chí mạng của Sony ngay sau đó đã buộc Microsoft quay ngoắt 180 độ và từ bỏ hầu hết các chính sách ban đầu với Xbox One.

Mọi việc còn tệ hơn khi những đại diện của hãng như Don Mattrick đưa những phát ngôn đáng thất vọng. Khi được hỏi về tính năng online bắt buộc gây tranh cãi, Geoff Keighley đã trả lời giới báo chí: “Chúng tôi có một sản phẩm dành cho những người không có đường truyền internet, đó là Xbox360.” Yêu cầu người dùng tiếp tục sử dụng thiết bị cũ thật sự là một thảm họa quảng cáo, thậm chí tới giờ Xbox vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi cái hố do mình tự đào lên.

5. Mr. Caffeine (E3 2011)

Trong quá khứ, Ubisoft được biết đến không phải vì những bất ngờ vào phút chót như Watch Dogs hay The Division, mà là bởi một người dẫn chương trình dở tệ với biệt danh Mr. Caffeine.

Ngài Caffeine là đại diện của những người dẫn chương trình E3 tệ hại nhất. Không chỉ có kiểu đùa trẻ con và dung tục, Mr. Caffeine còn không phát âm được “Tom Clancy” cho đúng. Tuy vậy, nhân vật này vẫn chưa phải chủ tọa tệ nhất tại E3.

4. Họp báo của Sony tại E3 2006

Khi Playstation thế hệ đầu tiên lộ diện tại E3 1995 với giá chỉ 299 USD, Sony đã gây shock cho toàn bộ khán phòng cũng như tạo được lợi thế lớn trước các đối thủ cạnh tranh. Hơn 10 năm sau, Sony lại gây sốc một lần nữa với cỗ máy PS3 có giá 599 USD. Thật sự là một cái giá ngớ ngẩn cho một chiếc console, thậm chí Xbox One, PS4 hay bất kì chiếc máy chơi game nào sau này cũng không dám đòi hỏi tới mức đó.

Mọi người có lẽ sẽ thông cảm với Sony hơn nếu hãng mang tới những tựa game PS3 chất lượng. Nhưng thứ ấn tượng nhất Sony mang đến chỉ là game hành động lấy bối cảnh lịch sự có tên Genji với kẻ địch trông không khác gì những con cua khổng lồ.

Nỗ lực quảng bá PSP tại E3 2006 cũng là một thất bại. Playstation Portable là một hệ thống chơi game khá hot tại thời điểm đó, nhưng tất cả những gì Sony mang tới chỉ là game đua xe Ridge Racer. May mắn thay Sony đã học được từ sai lầm của chính mình, cho đến nay những buổi họp báo của họ luôn là phần được mong chờ nhất ở mỗi kì E3.

3. Họp báo của Nintendo tại E3 2008

Nintendo có lẽ là hãng có phong độ bất ổn nhất tại E3. Bên cạnh những buổi giới thiệu ấn tượng như năm 2004, Nintendo không thiếu các khoảnh khắc bối rối, tưởng chừng như đã cạn kiệt ý tưởng.

Thành công vang dội của Wii với thị trường phổ thông đã khiến Nintendo quyết định dành trọn E3 2008 cho khách hàng thuộc phân khúc này, nhưng đáng tiếc người dùng phổ thông thì không xem E3 và buổi họp báo rốt cục thành một thảm họa.

Màn trình diễn của Cammie Duneway nằm quảng bá cho Wii Sport Resort lẫn bài giới thiệu Wii MontionPlus của Chủ tịch Nintendo tại Mỹ Reggie Fils-Aime đều rất lố lăng. Buổi giới thiệu kết thúc với màn múa may của tay trống Ravi Drums và tựa game âm nhạc của Shigeru Miyamoto trở thành thành trò cười trên sân khấu.

2. Jamie Kennedy (E3 2007)

Được thuê bởi Activision, diễn viên hài kịch Jammie Kennedy xứng đáng với danh hiệu người dẫn chương trình tệ nhất trong lịch sử E3. Không chỉ công khai sỉ nhục giới game thủ, thể hiện thái độ kì thị và đùa cợt một cách vô duyên, Kennedy còn cố ý làm mất mặt những khách mời khác. Khi thấy anh ta liên tục xen ngang Tony Hawk để chữa thẹn cho một câu đùa nhạt nhẽo, một khán giả ở dưới đã phải lên tiếng nhắc nhở. Và Kenny đáp lại: “Dám cá anh chỉ biết ngồi nhà tự kỉ.

1. Họp báo của Konami tại E3 2010

Cái tên Konami gần đây được nhắc đến khá nhiều với quyết định sa thải thiên tài Hideo Kojima cũng như bất ngờ hủy bỏ Silent Hill mới. Tuy nhiên đây không phải lần đầu tiên Konami tự làm xấu mặt mình trước dư luận.

Tại E3 năm 2010, hầu như mọi thứ Konami mang đến đều gây thất vọng nặng nề, từ tựa game tầm thường NeverDead, màn trình diễn lố lăng của ba đô vật chuyên nghiệp cho tới những nhà phát triển người Nhật không thể sử dụng thành thạo tiếng Anh. Không hiểu vì lý do gì họ không thuê phiên dịch viên, hoặc tốt hơn hết là dùng những phát ngôn viên người Mỹ. Trong khi đó, người duy nhất nói được tiếng Anh dành toàn bộ thời giờ buổi họp báo để im lặng và kiên nhẫn quan sát những đồng nghiệp Nhật Bản của mình.

E3 năm 2010 đáng xấu hổ tới mức Konami không tổ chức thêm buổi họp báo nào suốt 5 năm nay mà để các sản phẩm của mình được giới thiệu trong sự kiện của các hãng khác. Sự xuống dốc của Konami đã bắt đầu từ rất lâu và những sự kiện gần đây chỉ là giọt nước tràn ly, E3 2010 là minh chứng cho việc hãng đã mất đi khả năng thấu hiểu khách hàng.

GameSao.vn