Ukraine sản xuất được nhiều vũ khí mạnh và hữu hiệu như hệ thống tên lửa chống hạm Neptune, tên lửa có dẫn đường chống xe tăng Stugna-P, hệ thống phóng loạt rocket chiến lược Vilkha và các loại máy bay, xuồng không người lái tấn công.
Hệ thống tên lửa chống hạm Neptune
Theo The New Voice of Ukraine, khoảnh khắc được coi là đáng giá nhất của tên lửa Neptune diễn ra vào ngày 13/4 khi nó đánh chìm tàu tuần dương Moskva của Nga - soái hạm của Hạm đội Biển Đen, trị giá 750 triệu USD. Dù Moscow tuyên bố rằng tàu Moskva bị chìm do nổ đạn trên tàu nhưng tên lửa Neptune của Ukraine ngay lập tức trở thành một hiện tượng toàn cầu. Báo The Washington Post của Mỹ đã nêu bật hiệu quả của tên lửa này.
Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine, ông Andriy Yermak cho biết hôm 17/4 rằng một số nước muốn mua tên lửa Neptune sau khi nó đánh chìm soái hạm của Nga.
Được mệnh danh là "tai họa của Moskva", tên lửa Neptune đã được đưa vào sử dụng từ tháng 8/2020 và được thiết kế để tấn công nhiều loại tàu nổi. Tên lửa này di chuyển với tốc độ 900 km/h, tầm bắn lên tới 280 km/h, bay ở độ cao thấp 3-10m và có thể thực hiện các động tác né tránh trong quá trình tiếp cận mục tiêu. Đầu đạn của tên lửa Neptune nặng 150kg, có thể đánh chìm tàu có trọng tải lên tới 5.000 tấn.
Toàn bộ hệ thống tên lửa Neptune bao gồm một mô-đun chỉ huy di động, 6 bệ phóng và máy nạp đạn. Thời gian triển khai của Neptune dưới 10 phút.
Máy bay, xuồng không người lái
Ngay từ những ngày đầu của cuộc xung đột với Nga, Ukraine đã bắt đầu sử dụng các vũ khí có sẵn. Do nguồn lực có hạn, bất cứ thứ gì có thể đem ra chiến đấu đều được Ukraine sử dụng.
Đó là lúc Ukraine bắt đầu sử dụng máy bay không người lái, thứ mà trước đây chỉ dùng để quay video cảnh thiên nhiên. Tuy nhiên, sau nhiều tháng giao tranh, một máy bay không người lái (UAV) trị giá khoảng 1.000 USD có thể vừa trinh sát, vừa thả đạn pháo tự chế vào các vị trí của Nga. Từ đó, UAV trở nên tối quan trọng.
Hiện nay, máy bay không người lái của Ukraine được sử dụng ở cả tiền tuyến và sâu trong chiến tuyến của Nga, ở khoảng cách hơn 1.000 km và chúng cực kỳ hiệu quả.
Furia là một trong những UAV hoạt động rất hiệu quả của Ukraine. Nó được đưa vào sử dụng năm 2020 dù nguyên mẫu đầu tiên đã được dùng từ năm 2014. Phạm vi hoạt động của Furia lên tới 50km, tốc độ tối đa là 130 km/h và thời gian bay là 3h. UAV này có thể xác định và định vị địa lý các mục tiêu với độ chính xác 20m, giúp hiệu chỉnh hỏa lực cho nhiều khẩu đội pháo cùng lúc.
Không chỉ UAV, Ukraine còn phát triển và sử dụng xuồng không người lái. Hai dự án có tên là Magura và Sea Baby đã phá hủy một chục tàu của Hạm đội Biển Đen của Nga. Xuồng không người lái có kèm đầu đạn nặng hàng trăm kilogram có thể di chuyển 1.000km với tốc độ 50-70 km/h, tiếp cận các căn cứ Nga mà không bị phát hiện rồi mở cuộc tấn công. Một cuộc tấn công cùng lúc của 3-7 chiếc xuồng không người lái làm tăng độ khó trong việc bảo vệ các tàu lớn.
Pháo tự hành Bohdana
Lựu pháo Bohdana lần đầu tiên được sử dụng vào tháng 6/2022 để giành lại Đảo Rắn ở Biển Đen từ tay quân đội Nga. Đây là hệ thống pháo đầu tiên do Ukraine thiết kế tương thích với đạn pháo 155mm của NATO.
Về mặt kỹ thuật, lựu pháo này vẫn chưa được đưa vào sử dụng vì chưa hoàn thành các bài kiểm tra chứng nhận cần thiết, nhưng tính cấp thiết của quân đội đã khiến chúng được triển khai ra chiến trường.
Bohdana sử dụng khung gầm xe tải quân sự có buồng lái bọc thép và được một kíp lái gồm 5 người vận hành. Việc ngắm mục tiêu và nạp đạn được tự động hóa, cho phép lựu pháo bắn 6 viên đạn mỗi phút. Tầm bắn hiệu quả của nó là 42km hoặc lên tới 50km.