Chiều nay (22/2), Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì cuộc họp với Bộ GTVT và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa- Vũng Tàu về dự án Vành đai 4.

W-img-3077-1.jpg
Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm báo cáo tiến độ triển khai dự án Vành đai 4.

Tại cuộc họp, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm báo cáo tình hình chung dự án Vành đai 4 với tổng chiều dài 206,8km đi qua 5 tỉnh, thành phố. Trong đó, đoạn thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dài 18,7km, Đồng Nai: 45,6km, Bình Dương: 47,45km,TP.HCM: 17,3km và Long An: 78,3km.

Theo ông Lâm, ở giai đoạn 1, dự án có bề rộng mặt đường từ 22m - 27m, bao gồm 4 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp. Tổng mức đầu tư giai đoạn này khoảng 105.964,6 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng 33.095 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 47.258 tỷ đồng, các chi phí quản lý dự án và tư vấn khoảng 25.611 tỷ đồng.

Hiện nay các địa phương đã thống nhất đề xuất tiếp tục thực hiện theo phương án các địa phương làm cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án đi qua địa bàn. Dù vậy, các địa phương đang gặp khó khăn trong việc thu xếp nguồn vốn để triển khai dự án.

Vì vậy, ông Lâm đề nghị các đơn vị tiếp tục rà soát nguồn vốn, tiếp tục triển khai nhiều nhóm công việc để sẵn sàng khởi công Vành đai 4 vào năm 2025.

Tại cuộc họp, các tỉnh thành có tuyến Vành đai 4 đi qua đều thống nhất với phương án 1 để triển khai dự án. Các địa phương cùng kiến nghị sớm trình Quốc hội, xin cơ chế đặc thù để làm Vành đai 4, đặc biệt là nguồn vốn Trung ương hỗ trợ các địa phương làm dự án.

Đáng chú ý, tỉnh Long An kiến nghị Trung ương hỗ trợ tới 90% nguồn vốn làm Vành đai 4, đoạn qua địa phận tỉnh Long An. Lý do địa phương này đưa ra là do tỉnh có điều kiện ngân sách, khối lượng nhiều.

Trong khi đó phía Đồng Nai cho biết hiện nay, tỉnh cũng tham gia góp vốn hàng loạt dự án lớn trên địa bàn như cao tốc Biên Hoà- Vũng Tàu, Vành đai 3 TP.HCM... nên khó cân đối được nguồn vốn.

Do đó, địa phương này kiến nghị được điều tiết ngân sách tăng thêm 47% nộp ngân sách trung ương và 53% giữ lại cho địa phương (hiện nay tỷ lệ 50/50%) nhằm có nguồn vốn để triển khai dự án Vành đai 4.

W-z5183280169702-1d7b3edef5a3e24ffbf69a1e92d632d5-1.jpg
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi.

Quyết tâm trình Quốc hội giữa năm 2024

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nêu tính cấp thiết triển khai dự án Vành đai 4 và ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng Đông Nam Bộ và các địa phương.

Hiện nay, TP.HCM và 4 tỉnh đã nghiên cứu Vành đai 4 và cuộc họp hôm nay cần thống nhất về mốc triển khai, tiến độ, cần đưa ra các đầu bài cụ thể để cùng triển khai. 

Để kịp tiến độ trình Quốc hội thông qua dự án Vành đai 4 vào tháng 6/2024 và khởi công vào năm 2025, ông Phan Văn Mãi cho rằng, TP.HCM và 4 tỉnh còn lại cần gấp rút, đồng lòng triển khai.

"Riêng TP.HCM sẽ làm ngày làm đêm như khi thực hiện dự án Vành đai 3, kể từ hôm nay để kịp trình dự án xin chủ trương đầu tư vào kỳ họp Quốc hội tháng 6", ông Mãi cho hay.

Theo lãnh đạo TP.HCM, chậm nhất cuối tháng 3 này, toàn bộ hồ sơ cơ bản của dự án phải được đơn vị tư vấn và các địa phương hoàn thiện. Do đó, TP.HCM kiến nghị Bộ GTVT sớm giao nhiệm vụ cho đơn vị tư vấn tổng thể để rà soát tiêu chuẩn kỹ thuật, tài chính. Bên cạnh đó, mỗi địa phương lại có một cơ chế đặc thù riêng nên tinh thần chung là tất cả phải khẩn trương. 

W-z5183280152353-8852404e9846860177f5e5d4c66160cb-1.jpg
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn nhận định, dự án Vành đai 4 cần có đơn vị tư vấn chung cho toàn dự án. Tư vấn chung sẽ làm nhiệm vụ tổng hợp, tư vấn và phản biện về kế hoạch triển khai của các dự án thành phần.

Qua đó, ông đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát, đối chiếu quy hoạch hướng tuyến đã duyệt chưa. Bên cạnh đó là hiện trạng các khu công nghiệp, khu dân cư để bố trí sao cho phù hợp.