Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo "Thực trạng và giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" do Ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM tổ chức ngày 6/10.
"Mỗi năm, diện tích đất nông nghiệp tại thành phố giảm hàng trăm hecta", Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM Đinh Minh Hiệp thừa nhận thực tế trên.
Tuy nhiên, ông Hiệp cho rằng, tổng diện tích đất nông nghiệp tại địa phương vẫn chiếm trên 50%. Đây là tỷ trọng lớn. Nhiều bà con ở các huyện ngoại thành mong giữ lại đất để sản xuất nông nghiệp chứ không phải chỉ gom đất bán.
Hiện tại, sản xuất nông sản không chỉ mang tính chất phục vụ nhu cầu đời sống mà còn là giá trị môi trường, giữ không gian xanh đô thị... TP.HCM hướng tới quy hoạch sản xuất nông nghiệp theo những mảng xanh, không gian sống giữa thành phố.
Chắc chắn, bán đất có lợi hơn nhưng đó chỉ là trong ngắn hạn. Đối với tầm nhìn dài hạn, sản xuất nông nghiệp ngay tại đô thị cho người dân thành phố tiêu thụ, chắc chắn thuận lợi. Đơn cử, các mặt hàng rau xanh do thành phố làm ra, tiêu thụ ngay tại địa phương sẽ có độ tươi ngon, giá trị tăng cao, vị Giám đốc Sở phân tích.
Còn theo ông Nguyễn Duy Sơn, Phó Trưởng ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM, để người dân không chạy theo xu hướng "phân lô bán nền", dành quỹ đất cho canh tác nông nghiệp, cần sự quản lý chặt của Nhà nước. Nhà chức trách không thể cho chủ sở hữu bán đất theo dạng manh mún, nhỏ lẻ, dẫn đến mất đất nông nghiệp.
Khu vực nào được quy hoạch làm nông nghiệp thì cơ quan quản lý phải có chính sách đi kèm để phát triển. Nông dân cần được nâng cao thu nhập, Nhà nước đảm bảo diện tích sản xuất nông nghiệp phục vụ an ninh lương thực cũng như phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Ở đây, công tác quy hoạch đóng vai trò rất quan trọng, tầm nhìn không thể ngắn hạn trong 3-5 năm. Quy hoạch cần mang tính tổng thể, tương thích với hạ tầng, đô thị để người dân được hưởng lợi.
"Mỗi ngành cần nhìn vào bức tranh tổng thể. Đừng mỗi ông làm một kiểu. Đừng nghĩ ngành mình quan trọng hơn ngành khác, nếu không, quy hoạch sẽ không thể thực hiện", ông Sơn nói.
Cách người Thái thu trăm tỷ USD từ nông nghiệp
Có 15 năm sinh sống và làm việc tại Thái Lan, TS. Đậu Thị Mai Liên, thành viên Viện Sáng kiến Việt Nam, cho hay, thực trạng "phân lô bán nền" không diễn ra ở Thái Lan. Người dân có lợi tức tốt khi làm nông nghiệp và giá nhà không tăng tại đây trong hơn thập kỷ qua. Thậm chí, người mua nhà có thể lỗ nếu muốn bán lại.
Dẫn chứng về sự thành công trong nông nghiệp của Thái Lan, bà Liên thông tin, người Thái sử dụng lên đến 80% nguyên liệu nội địa trong chế biến thực phẩm. Từ đó, họ cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước với giá cạnh tranh.
Hiện, Thái Lan có khoảng 10.000 doanh nghiệp chế biến thực phẩm. Ngành này đóng góp tới 102 tỷ USD từ năm 2017, tương đương 23% GDP và chiếm gần 15% tổng sản lượng sản xuất của nền kinh tế Thái Lan.
Với điều kiện tài nguyên đất đai, thổ nhưỡng và khí hậu khá tương đồng với miền Nam Việt Nam, nhưng Thái Lan đã trở thành nước sản xuất, cung cấp lương thực hàng đầu, được mệnh danh là “cái bếp công nghệ cao của thế giới”.
Theo bà Liên, bí quyết của người Thái là đẩy mạnh chế biến nông sản, gia tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp bằng đa dạng hóa, tăng chất lượng và kéo dài hạn sử dụng của sản phẩm, đồng thời đảm bảo an toàn thực phẩm. Tùy nhu cầu từng phân khúc thị trường, nông sản Thái được qua chế biến từ cấp độ thấp đến cao, chia thành 3 loại:
Thực phẩm chế biến thô (minimally processed foods), như thịt gà hay các loại hải sản đông lạnh. Thái Lan nằm trong top 5 thế giới về hai sản phẩm trên và có xu hướng tăng.
Thực phẩm chế biến vừa (moderately processed foods), là sản phẩm kéo dài thêm hạn sử dụng và tăng giá trị cho nông sản địa phương nhờ sử dụng công nghệ cao trong lĩnh vực đóng hộp và sấy lạnh cũng như các kỹ thuật bảo quản khác. Quốc gia này được công nhận là một trong những nhà xuất khẩu hàng đầu về đồ ăn đóng hộp, như dứa và cá thu.
Thực phẩm siêu chế biến (highly processed foods), loại sản phẩm mới nhưng có tốc độ phát triển nhanh (tăng trưởng hơn 10%/năm). Các doanh nghiệp thực phẩm Thái Lan đã phát triển nhiều mô hình sản phẩm siêu chế biến như bữa ăn sẵn (ready meal) và những sản phẩm tiện dụng (convenient meat and products) để phục vụ nhu cầu bữa ăn sẵn ngày càng cao. Loại thực phẩm này có thể tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp lên mức cao nhất.
Nhìn chung, để đạt được kết quả kể trên, tạo dựng thương hiệu quốc tế, Chính phủ Thái có chiến lược rất rõ ràng và dài hạn trong thúc đẩy phát triển nông nghiệp, chuyển đổi nền nông nghiệp thành nông nghiệp và thực phẩm công nghệ cao. Thái Lan đầu tư từ hơn 60 năm nay và kiên trì với định hướng, chính sách này.