Ngày 14/3, UBND TP.HCM vừa có chỉ đạo khẩn gửi các quận, huyện, TP Thủ Đức về việc thực hiện quy định liên quan đến thay thế sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy. 

Theo đó, qua kiểm tra, khảo sát tại bộ phận một cửa đối với 4 đơn vị cấp huyện và 9 đơn vị cấp xã, ghi nhận vẫn còn tình trạng yêu cầu công dân xuất trình Giấy xác nhận thông tin về cư trú (CT07) khi tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính. Đặc biệt, là hồ sơ đề nghị xác nhận tình trạng hôn nhân đối với các trường hợp có quá trình cư trú biến động.

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa ở TP.HCM

UBND TP nhận định, việc làm trên gây khó khăn, phiền hà cho công dân, bức xúc trong dư luận xã hội, vi phạm quy định pháp luật và làm “mất niềm tin” của người dân đối với công cuộc cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ.

Qua đó, UBND TP yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành và chủ tịch các quận, huyện, TP Thủ Đức thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND TP khi triển khai đề án 06.

Trong đó, yêu cầu bộ phận một cửa khi giải quyết thủ tục hành chính bắt buộc phải sử dụng các phương thức khai thác thông tin về cư trú theo quy định tại Điều 14, Nghị định số 104/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

UBND TP nhấn mạnh: Tuyệt đối không được yêu cầu người dân xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy, giấy xác nhận thông tin về cư trú (CT07) khi tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến.

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức vi phạm các quy định nêu trên theo thẩm quyền. Đồng thời, phải chịu trách nhiệm trước UBND TP nếu để xảy ra tình trạng gây khó khăn, phiền hà người dân, bức xúc trong dư luận xã hội. 

Bên cạnh đó, các địa phương, sở, ban, ngành... cần chủ động nâng cấp hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, nhằm đảm bảo việc kết nối, tích hợp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phục vụ việc tra cứu thông tin về cư trú.

Bộ phận tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, nhất là tại bộ phận một cửa phải công bố số điện thoại đường dây nóng (hotline) trên các phương tiện thông tin đại chúng, tại nơi tiếp công dân, trên các nhóm trang mạng xã hội như zalo, viber, facebook, fan page…

Bố trí cán bộ, công chức hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng để sử dụng thực hiện tra cứu dịch vụ công. Đồng thời, tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của công dân để phối hợp các đơn vị có liên quan giải quyết kịp thời.

UBND TP cũng yêu cầu Sở Tài chính phối hợp với các đơn vị liên quan, hướng dẫn dự trù kinh phí mua thiết bị đọc mã QRcode và đọc thẻ chip trên CCCD cho các đơn vị thực hiện công tác tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.

Các sở, ban, ngành tập trung chỉ đạo số hóa hồ sơ nội ngành theo tiến độ, để kết nối khi có chỉ đạo của Bộ chủ quản theo ngành dọc, phục vụ đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Công an phải ứng trực, xử lý sự cố phát sinh

UBND TP giao Công an thành phố chỉ đạo công an địa phương tham mưu, đề xuất Ban Chỉ đạo Đề án 06 cùng cấp bố trí trang thiết bị, nhân sự phục vụ công tác tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính trong lĩnh vực cư trú, cấp CCCD, tài khoản định danh điện tử theo hướng dẫn của Cục C06 - Bộ Công an. 

Đồng thời, bố trí lực lượng thường trực, ứng trực để xử lý các sự việc phát sinh khi công dân thực hiện thủ tục hành chính cần đến các thông tin về cư trú. 

Nhiều người dân khi đến làm thủ tục hành chính rất cần sự hướng dẫn và hỗ trợ của cán bộ tiếp dân

Bên cạnh đó, ngành Công an cần tập trung công tác làm sạch dữ liệu, đảm bảo dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống’' phục vụ yêu cầu tra cứu, khai thác thông tin.

Thành phố cũng giao Sở TT&TT thường xuyên phân công cán bộ trực tiếp đến bộ phận một cửa của các sở, ngành và quận, huyện, TP Thủ Đức để kịp thời hướng dẫn, đôn đốc, chấn chỉnh những tồn tại trong việc khai thác thông tin công dân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.