Theo đó, công chức làm công tác công nghệ thông tin trong ngành kiểm sát nhân dân tại TP Hồ Chí Minh được tập huấn cơ bản về quản trị mạng và CompTIA Network+.

Tham dự lễ khai giảng có Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hân, hiệu trưởng trường nghiệp vụ, ông Nguyễn Công Sinh, Phó Hiệu trưởng trường nghiệp vụ, ông Nhiếp Văn Ngọc, Phó Cục trưởng Cục thống kê tội phạm và công nghệ thông tin, bà Bùi Mỹ Châu, Giám đốc điều hành công ty cổ phần công nghệ thông tin IPMAC và hơn 30 học viên tham gia khoá học.

Phát biểu khai giảng khoá học, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hân, Hiệu trưởng Trường nghiệp vụ nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của việc thực hiện Kế hoạch số 217/KH-VKSTC ngày 15/11/2023 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về đào tạo quản trị mạng, an toàn thông tin theo chứng chỉ quốc tế cho công chức làm công tác công nghệ thông tin trong ngành kiểm sát nhân dân năm 2023.

screenshot 2024 01 02 at 155853.png
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hân, Hiệu trưởng trường nghiệp vụ phát biểu tại lễ khai giảng. 

Bà Bùi Mỹ Châu cho biết, chương trình đào tạo chứng chỉ quốc tế CompTIA Network+ là chứng chỉ quản trị mạng nền tảng, cung cấp cho học viên kiến thức và kỹ năng ứng phó sự cố, cấu hình và quản lý mạng lưới có dây và không dây. Sau khi hoàn thành khoá học, các học viên có khả năng triển khai giải pháp bảo mật cũng như khắc phục sự cố mạng.

Trong tháng 11/2023, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao đã phối hợp Ban Cơ yếu Chính phủ ký kết Quy chế phối hợp giữa hai cơ quan trong công tác cơ yếu, bảo mật và an toàn thông tin giai đoạn 2024-2030.

Tại buổi Lễ, Chánh Văn phòng VKSND tối cao Đỗ Đình Chữ đã thông tin về sự cần thiết của việc ban hành và ký Quy chế phối hợp; thông tin một số nội dung cơ bản của Quy chế.

Theo đó, Ban Cơ yếu Chính phủ phối hợp với VKSND tối cao trong công tác cơ yếu, phối hợp triển khai các giải pháp bảo mật thông tin dùng mật mã cho các cơ quan, đơn vị thuộc ngành Kiểm sát nhân dân gồm: Xây dựng tổ chức lực lượng cơ yếu, nâng cao chất lượng hoạt động cơ yếu; bảo mật thông tin, dữ liệu, cơ sở dữ liệu (CSDL) thuộc các hệ thống CSDL do VKSND tối cao quản lý và vận hành; bảo mật kênh truyền, bảo mật xác thực thông tin, dữ liệu lưu trữ trên các hệ thống lưu trữ điện tử; bảo mật hệ thống thư điện tử công vụ, bảo mật hệ thống truyền hình hội nghị trực tuyến của ngành Kiểm sát nhân dân; triển khai các giải pháp chứng thực chữ ký số; triển khai giải pháp giám sát an ninh, an toàn thông tin đối với các hệ thống thông tin của ngành Kiểm sát nhân dân.

Ngoài ra, VKSND tối cao và Ban Cơ yếu Chính phủ sẽ phối hợp triển khai một số công tác khác, như: Tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo mật và an toàn thông tin trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Kiểm sát nhân dân; tham gia nghiên cứu khoa học; cung cấp, chia sẻ thông tin tài liệu về lĩnh vực bảo mật, an toàn thông tin; triển khai các nội dung phát sinh khác trong quá trình tổ chức thực hiện.

Bà Nguyễn Hải Trâm, Phó Viện trưởng VKSND khẳng định cơ quan luôn quan tâm đến việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số, xác định đây là khâu đột phá, trọng tâm của ngành Kiểm sát nhân dân; và để thực hiện hiệu quả công tác này trong ngành Kiểm sát, cần thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ của Ban Cơ yếu Chính phủ nhằm đảm bảo tính bảo mật và an toàn của thông tin khi thực hiện chuyển đổi số.

Ngô Thế Vinh, Đinh Bạt Tuấn, Trần Quang Ninh