Sáng nay (16/7), HĐND TPHCM bước vào ngày làm việc thứ hai với phiên chất vấn Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Lâm Đình Thắng.
Lập tổ công nghệ cộng đồng hỗ trợ người yếu thế
Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Lê Minh Đức đặt vấn đề: "Chủ đề năm 2024 của TPHCM là chuyển đổi số, trong đó triển khai nhiều thủ tục hành chính (TTHC) và dịch vụ công trên cổng thông tin trực tuyến… Lãnh đạo thành phố có giải pháp gì để người dân thực hiện thuận tiện, nhất là nhóm người yếu thế?".
Trao đổi lại với đại biểu, ông Thắng khẳng định, thành phố luôn quan tâm đến công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện TTHC trên cổng dịch vụ công.
"Sở TT&TT đã thiết kế hệ thống cổng thông tin dịch vụ đơn giản nhất, từ quy trình đến giao diện. Đồng thời, thành phố đã phát triển hệ thống dữ liệu của người dân. Theo đó, người dân chỉ cần khai báo một lần và được tái sử dụng dữ liệu" - ông Thắng cho biết.
Cũng theo người đứng đầu Sở TT&TT, đơn vị này đã triển khai nhiều nhóm hỗ trợ như trợ lý ảo, bố trí cán bộ hướng dẫn người dân tại các bộ phận một cửa và thành lập các tổ công nghệ cộng đồng để hỗ trợ người yếu thế, người già...
Cũng liên quan đến chuyển đổi số, đại biểu Phạm Đăng Khoa nêu câu hỏi: "Tại sao thành phố bố trí hơn 1.000 tỷ đồng nhưng giải ngân cho chuyển đổi số chỉ đạt 0 đồng?".
Trước chất vấn này, ông Thắng cho biết, năm 2024, trên cơ sở đề xuất của các đơn vị, UBND TPHCM đã bố trí vốn cho các dự án công nghệ thông tin (CNTT) khoảng 1.290 tỷ đồng. Ngay từ tháng 6/2023, các đơn vị đã đề xuất nhu cầu đầu tư và Sở TT&TT tổng hợp gửi về thành phố trong tháng 12/2023.
Tuy nhiên, theo ông Thắng, qua thẩm định hồ sơ, có đơn vị làm đầy đủ, có nơi thiếu. Do đó, phải đến tháng 5 vừa qua, UBND TP mới bố trí vốn cho các đơn vị nên thời gian giải ngân chưa nhiều.
“Dự kiến, việc giải ngân vốn sẽ rơi vào quý 2 và 3 năm nay” - ông Thắng nói.
Ông Thắng thông tin thêm: "Để đẩy nhanh tiến độ, Chủ tịch UBND TP đã đồng ý xây dựng hệ thống quản lý đầu tư trên nền tảng số. Các đơn vị có nhu cầu sẽ đăng ký hạng mục đầu tư trên hệ thống này. Qua đó, lãnh đạo thành phố và Sở TT&TT cùng các sở, ngành khác có công cụ theo dõi, giám sát thời gian bố trí vốn, giải ngân cũng như tiến độ dự án, công trình".
Gỡ thông tin sai sự thật trong vòng 24 giờ
Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Nga bày tỏ sự lo ngại về tình trạng tin giả, tin sai sự thật tràn lan trên mạng và đặt câu hỏi: "Sở TT&TT có giải pháp gì để xử lý và quản lý vấn nạn này?".
Theo ông Thắng, hiện nay, các thông tin được cung cấp bởi hai nguồn chính. Thứ nhất, là trang mạng của các tổ chức, cá nhân trong nước có nguồn gốc rõ ràng và được cấp giấy phép. Thứ hai, là các trang mạng không rõ nguồn gốc, tuy có tiếng Việt nhưng tên miền quốc tế và đặt máy chủ ở nước ngoài như Facebook, Youtube, Tiktok… Các thông tin giả, tin sai sự thật thường lan truyền trên các trang này.
"Các cơ quan chức năng cũng thường xuyên xử lý vấn nạn này, nhưng gặp khó khăn. Lý do là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới không đặt đại diện pháp lý tại Việt Nam. Đồng thời, máy chủ của các trang này đặt ở nước ngoài, khi các cơ quan Việt Nam yêu cầu gỡ bỏ tin sai, tin giả thì phần lớn doanh nghiệp tìm cách né tránh".
Một lý do nữa, theo ông Thắng, là sự phối hợp giữa các bộ, ngành để xác định thông tin giả, tin sai sự thật… thường rất lâu và chưa chặt chẽ.
"Về giải pháp, Sở đã phối hợp với Bộ TT&TT xử nghiêm các hành vi vi phạm trên không gian mạng. Đơn vị cũng tuyên truyền và phổ biến Bộ quy tắc ứng xử trên mạng và Cẩm nang phòng chống tin giả trên mạng, đồng thời kiến nghị Bộ đẩy nhanh quá trình thay đổi thể chế, điều chỉnh nghị định chưa đảm bảo về mặt pháp lý về xử lý hành vi vi phạm trên mạng" - ông Thắng trả lời.
Tới đây, theo ông Thắng, Bộ TT&TT sẽ sửa đổi theo hướng các tài khoản trên không gian mạng phải có định danh và chỉ có định danh mới được bình luận. Bên cạnh đó là quy định các trang mạng xuyên biên giới bắt buộc chấp hành quy định, trong vòng 24 giờ phải gỡ thông tin sai sự thật khi có yêu cầu.