- Các chuyên gia trong và ngoài nước đều đánh giá TPP sẽ tạo ra động lực mới cho nền kinh tế Việt Nam, nhất là với hoạt động xuất khẩu. Các ngành xuất khẩu quan trọng như dệt may, giày dép, thủy sản,... nhiều khả năng sẽ có bước phát triển vượt bậc.  Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế độc lập, TPP sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025.

Cơ hội nào cho Việt Nam?

Trả lời TTXVN, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định, Hiệp định TPP sẽ đem lại nhiều lợi ích cho Việt Nam, cả về phương diện kinh tế, thể chế và xã hội. Về kinh tế , theo tính toán của các chuyên gia kinh tế độc lập, TPP sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025. Xuất khẩu sẽ tăng thêm được 68 tỷ USD vào năm 2025. 

Đáng chú ý là việc các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Canada giảm thuế nhập khẩu về 0% sẽ giúp tạo ra “cú hích” lớn đối với hoạt động xuất khẩu của nước ta. Các ngành xuất khẩu quan trọng như dệt may, giày dép, thủy sản,... nhiều khả năng sẽ có bước phát triển vượt bậc về kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường này.

{keywords}

Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng 

Ngoài ra, tham gia TPP sẽ giúp ta có được các cơ hội mới từ chuỗi cung ứng mới hình thành sau khi TPP có hiệu lực. Các nước TPP chiếm tới 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu, lại bao gồm các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, chắc chắn sẽ mở ra rất nhiều cơ hội khi chuỗi cung ứng mới hình thành. Thêm vào đó, cam kết trong TPP về dịch vụ và đầu tư dự kiến sẽ có tác dụng tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, ông Phạm Quang Vinh, cho rằng, TPP là hiệp định thương mại Thế kỷ thực sự là đúng nghĩa. Bởi lẽ, hiệp định này đồng thời đề ra một bộ tiêu chuẩn rất cao, cả về thương mại, kỹ thuật, IP (sở hữu trí tuệ), môi trường, lao động trong khi lại cho phép thuế quan giảm về rất sâu (gần như bằng 0).

Lạc quan từ tổ chức quốc tế

Tại buổi họp báo cập nhật tình hình kinh tế khu vực của Worldbank ngày 5/10, trả lời câu hỏi của phóng viên về tác động của TPP đến kinh tế Việt Nam, ông Sandeep Mahajan, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, kinh tế Việt Nam sẽ được hưởng lợi lớn khi Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết.

"Nhóm 12 nước trong TPP đóng góp 40% GDP toàn cầu nên Việt Nam sẽ có thị trường rộng hơn. Đây là cơ hội lớn, WB đã có những dự tính tác động khá tích cực. GDP có thể tăng thêm 8 - 10% đến năm 2030, thậm chí còn nhiều hơn" - ông nói.

{keywords}

Ông Sudhir Shetty - Kinh tế trưởng của WB khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, cho hay, về tổng thể thì TPP mang lại nhiều lợi ích, giúp Việt Nam tiếp cận với thị trường vẫn còn đóng. Đây là cú hích lớn nhưng cũng đem áp lực cho nhà sản xuất. Họ phải cạnh tranh mạnh hơn, nhưng điều này cũng tốt vì sẽ thúc đẩy năng suất lao động. Điều này rất tốt cho Việt Nam trong tăng trưởng dài hạn.

Theo Hiệp hội thương Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham), TPP có ý nghĩa quan trọng đối với tất cả các nước thành viên, đặc biệt là Việt Nam. Trước hết, vì tác động tích cực, cụ thể của TPP đối với hoạt động xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ, tăng trưởng GDP, và tạo công ăn việc làm. Một số chuyên gia dự đoán rằng với TTP, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng 28,4%.

Kim ngạch xuất khẩu "đường cơ sở" (baseline) dự kiến của Việt Nam năm 2025 khi  không có TPP là 239 tỷ đô la và con số này có thể tăng lên 307 tỷ đô la nếu có TTP.

Ngoài ra, mức tăng trưởng GDP với TTP dự kiến rất cao. Theo Ngân hàng Thế giới, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm của Việt Nam là 7,4% trong giai đoạn 1990-2007, và dự báo đạt 5,6% trong giai đoạn 2008-2018. Với TPP, GDP của Việt Nam năm 2025 có thể cao hơn so với ước tính đường cơ sở là 10,5%.

Ông Herb Cochran, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại TP.HCM bày tỏ, ông “rất hài lòng và phấn khích khi đàm phán TPP đã kết thúc thành công”. Ông nói rằng, các công ty Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và Chính phủ Việt Nam sẽ cải cách thủ tục hành chính, dựa trên các cam kết trong TPP, để bảo đảm doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn. Việt Nam sẽ có khả năng cạnh tranh cao hơn so với các nước láng giềng.

Duy Khánh