Theo Nghị quyết 39 mới được Hội đồng Nhân dân tỉnh Đồng Tháp thông qua, quy định mới về mức thu phí, lệ phí đối với hoạt động cung cấp dịch vụ công bằng hình thức trực tuyến trên địa bàn tỉnh này có hiệu lực từ ngày 28/7.
Cụ thể, mức thu mới áp dụng cho các loại phí, lệ phí đối với hoạt động cung cấp dịch vụ công qua hình thức trực tuyến bằng 50% mức thu áp dụng cho các loại phí, lệ phí được Hội đồng Nhân dân tỉnh Đồng Tháp quy định và đang áp dụng trên địa bàn tỉnh. Mức thu này được áp dụng đến hết ngày 31/12/2025.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp dự kiến, với mức thu phí, lệ phí mới, trường hợp các cơ quan, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình áp dụng 100% hình thức trực tuyến thì số giảm thu phí, lệ phí hàng năm khoảng 26,6 tỷ đồng, trong đó cấp tỉnh 22,8 tỷ đồng và cấp huyện 3,8 tỷ đồng.
Cũng trong tháng 7/2023, Hội đồng Nhân dân tỉnh Hà Nam đã ban hành Nghị quyết 05 quy định mức thu phí, lệ phí trong thực hiện một số thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, từ ngày 1/8/2023 đến hết 31/12/2025, khi người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam thực hiện 5 thủ tục gồm: Cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; cấp giấy phép xây dựng; đăng ký kinh doanh; hộ tịch; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, tài sản gắn liền với đất theo phương thức trực tuyến, mức thu lệ phí bằng 40% mức thu tại các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh.
Hai loại phí gồm phí thẩm định đề án, báo cáo thăm dò đánh giá trữ lượng, khai thác, sử dụng nước dưới đất và phí thẩm định đề án khai thác, sử dụng nước mặt có mức thu bằng 95% mức thu tại các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, khi thủ tục được thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến.
Tương tự, mức thu bằng 60% mức thu phí tại các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Nam được áp dụng với 2 loại phí: Phí đăng ký giao dịch bảo đảm (phí đăng ký biện pháp bảo đảm), phí thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khi cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục theo phương thức trực tuyến.
Trước đó, như VietNamNet đã đưa tin, nhằm khuyến khích người dân dùng dịch vụ công trực tuyến, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đầu tháng 7/2023 đã thông qua Nghị quyết về việc thu phí, lệ phí thuộc thẩm quyền ban hành của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến hết năm 2025, Hà Nội sẽ không thu phí khi tổ chức, cá nhân thực hiện 82 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân thành phố theo phương thức trực tuyến.
Dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước là dịch vụ hành chính công và các dịch vụ khác của cơ quan nhà nước được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng.
Là trọng tâm của Chính phủ điện tử, theo quy định mới tại Nghị định 42 năm 2022 của Chính phủ, dịch vụ công trực tuyến có 2 mức độ là dịch vụ công trực tuyến một phần và dịch vụ công trực tuyến toàn trình.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ TT&TT, cơ quan thường trực của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, tính đến giữa năm nay, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình được đưa vào sử dụng để người dân có thể tự thực hiện 100% các bước tại nhà còn thấp.
Chất lượng dịch vụ công trực tuyến bao gồm các tiêu chí như đơn giản, thuận tiện, nhanh, an toàn, an ninh mạng cũng còn thấp, chưa đạt kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp khi so sánh dịch vụ thuộc khu vực tư.
Việc tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến toàn trình còn thấp, dẫn đến chưa giảm tải cho công chức tại bộ phận một cửa, cán bộ nghiệp vụ. Thậm chí, nhiều trường hợp làm tăng công việc khi phải xử lý song song trên bản giấy và bản điện tử, dẫn đến gây khó khăn, bức xúc cho cả công chức và người dân, doanh nghiệp.
Điển hình là việc người dân thành phố Hà Nội xếp hàng từ 4h sáng để nộp hồ sơ cấp phiếu lý tư pháp, công chức tư pháp nhiều địa phương phải làm việc ngoài giờ hành chính để nhập, xử lý nghiệp vụ trên nhiều phần mềm.
Vì thế, để tiếp tục nâng cao chất lượng cung cấp và hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến, trong tháng 6/2023, Bộ TT&TT đã hướng dẫn cụ thể các bộ, ngành, địa phương triển khai 20 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, trong đó có nhiệm vụ ban hành chính sách giảm phí, lệ phí để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Theo thống kê, đến nay đã có 22 tỉnh, thành phố ban hành chính sách giảm phí, lệ phí để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến gồm: TP.HCM, Lạng Sơn, Thái Bình, Quảng Ngãi, Thái Nguyên, Bắc Giang, Long An, Cao Bằng, Yên Bái, Thanh Hóa, Quảng Bình, Bình Định, Hà Giang, Hưng Yên, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Tiền Giang, Cần Thơ, Ninh Thuận, Hà Nội, Hà Nam, Đồng Tháp.